3.214. Hồi chuông cảnh tỉnh từ loạt cổ phiếu ‘họ FLC’ bị đình chỉ giao dịch 

(VNB) – Việc 2 mã cổ phiếu thuộc “họ FLC” có nguy cơ bị đình chỉ giao dịch và 1 mã đã bị đình chỉ khiến nhiều nhà đầu tư càng thêm đau đầu, bởi sau ảnh hưởng của thị trường chung và bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, sức mua của nhóm cổ phiếu này ngày càng suy yếu. Nếu tiếp tục rơi vào cảnh bị đình chỉ giao dịch, những cổ phiếu “họ FLC” kể trên sẽ đi về đâu?

Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cho biết sẽ đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) và HAI (CTCP Nông dược HAI) vì chưa khắc phục vi phạm về công bố thông tin.

Hiệu ứng “domino”

Trước đó, ngày 12/8, HoSE cũng ra quyết định đình chỉ giao dịch cổ phiếu ROS của FLC Faros vì vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II/2022.

HoSE cho biết sẽ đình chỉ giao dịch cổ phiếu FLC và HAI vì chưa khắc phục vi phạm về công bố thông tin.

Trước đó, cả 3 mã cổ phiếu này đều thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch từ ngày 1/6 theo quyết định ngày 25/5 của HoSE do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Hiện, cổ phiếu FLC và HAI chỉ được giao dịch trong phiên chiều.

Phản ứng trước thông tin trên, ngay trong phiên 17/8, cổ phiếu FLC nhanh chóng bị mất thanh khoản rơi về giá sàn 5.320 đồng/cp và vẫn “chất lệnh” gần 20 triệu cổ phiếu tranh bán bằng mọi giá. Tương tự, cổ phiếu HAI có 4,5 triệu cổ phiếu tranh bán tại giá sàn 2.440 đồng/cp.

Các mã còn lại trong “họ FLC” như AMD (FLC Stone) dù có thanh khoản cũng giảm sàn về 2.950 đồng/cp, ART (Chứng khoán BOS) mất 5,7% còn 5.000 đồng/cp. Trong khi đó, KLF (Xuất nhập khẩu CFS) rơi 3% xuống 3.200 đồng/cp, còn ROS đã bị dừng giao dịch từ 17/8.

Còn nhớ, trong thời điểm đỉnh cao 3 tháng cuối năm 2021, mức thanh khoản tỷ đô đã tạo ra “cơn sóng thần” cổ phiếu đầu cơ. Theo đó, hàng loạt mã thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ đua nhau tăng mạnh, bất chấp kinh doanh thua lỗ kéo dài; và cổ phiếu thuộc “họ FLC” cũng không nằm ngoài “con sóng”.

Tuy nhiên, sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc cùng với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu trong cùng một tuần như ngòi nổ phá tan “con sóng”, hàng loạt cổ phiếu penny, cổ phiếu đầu cơ giảm sàn la liệt, lao dốc.

Trong đó, cổ phiếu “họ FLC” là nhóm gây chú ý nhất với “mô hình cây thông”. Chỉ trong vòng một tháng, cổ phiếu FLC đã rơi một mạch từ vùng 24.000 đồng/cp về 11.000 đồng/cp; KLF từ 11.000 đồng/cp xuống 6.000 đồng/cp; ROS từ 16.000 đồng/cp về vùng 6.000 – 7.000 đồng/cp; HAI và AMD cũng trong tình cảnh tương tự.

Sau nhiều tháng lao dốc, đến nay, nhiều cổ phiếu thuộc “họ FLC” đã bị rớt xuống quanh giá 2.000 đồng/cp, tương đương giảm 85-90% giá trị từ thời điểm diễn ra vụ việc của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Riêng cổ phiếu GAB (FLC GAB) đã bị mất thanh khoản và đi ngang tại mức giá 196.400 đồng/cp từ tháng 4 đến nay.

Không chỉ vậy, tác động tiêu cực từ nhóm cổ phiếu FLC còn lan khắp thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao và nhóm cổ phiếu bất động sản. Cùng với giai đoạn điều chỉnh mạnh thời gian qua của thị trường chung, thị giá hầu hết các cổ phiếu đầu cơ đều giảm sâu, không bằng một mớ rau hay ly trà đá, với 208 mã đang giao dịch dưới mức giá 5.000 đồng/cp và 96 mã giao dịch dưới mức 3.000 đồng/cp.

Không chỉ vậy, trên sàn UPCoM hiện còn có hàng chục mã đang giao dịch ở mức giá dưới 1.000 đồng/cp. Trong đó, 2 mã cổ phiếu là DNN (Cấp nước Đà Nẵng) và PTG (May xuất khẩu Phan Thiết) đang giao dịch ở mức giá 200 đồng/cp – mức giá không thể xuống thấp hơn và đều rơi vào tình trạng không có bất cứ giao dịch nào.

Cổ đông nên làm gì?

Nhìn chung, hầu hết những cổ phiếu đang rơi vào thảm cảnh đều “lớn lên và chết dần” bởi dòng tiền đầu cơ và có kết quả kinh doanh “bi đát”.

Thực tế, trước khi xảy ra việc cổ phiếu thuộc “nhóm FLC” bị đình chỉ giao dịch và có nguy cơ bị đình chỉ đã có nhiều cổ phiếu như RIC (CTCP quốc tế Hoàng Gia), FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân), PXI (CTCP Xây dựng công nghiệp và Dân dụng dầu khí), PTL (CTCP Victory Capital)… bị đình chỉ giao dịch với cùng lý do là kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Điều này cho thấy, nếu cổ đông chỉ biết đầu tư dựa vào những lời hô hào của số đông mà quên đi bản chất thực sự của doanh nghiệp sẽ dẫn đến hệ lụy vô cùng lớn và chính bản thân các nhà đầu tư sẽ là người gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa) cho biết, cổ phiếu bị đình chỉ vẫn có thể được đưa vào giao dịch trở lại trong trường hợp doanh nghiệp đã khắc phục bằng cách công bố thông tin (nếu chưa công bố) và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường tối thiểu 6 tháng liên tục từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày sở giao dịch chứng khoán xác định có vi phạm công bố thông tin gần nhất.

Tuy nhiên, kể từ khi Trịnh Văn Quyết bị bắt, những doanh nghiệp liên quan rơi vào cảnh “rắn mất đầu” gây khó khăn cho công tác kiểm toán, đồng thời một số doanh nghiệp này thông tin không có đơn vị nào chịu nhận kiểm toán. Vì vậy, “án treo” bị đình chỉ là rất có thể sẽ xảy ra.

Theo HoSE, sau khi bị dừng giao dịch, cổ phiếu sẽ được đưa vào giao dịch trên hệ thống UPCoM để duy trì thanh khoản. Tuy nhiên, trên UPCoM, thanh khoản sẽ rất khó khăn, thậm chí nhiều cổ phiếu bị mất thanh khoản nên rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt, không giống như hai sàn còn lại. Và nếu chuyển sang giao dịch tại UPCoM mà doanh nghiệp vẫn chưa có biện pháp khắc phục được nguyên nhân vi phạm thì sẽ tiếp tục thuộc diện tạm ngừng giao dịch trên hệ thống này.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Duy Phương, chuyên viên phân tích Chứng khoán VCSC, cổ phiếu có thanh khoản hay không hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hồi phục của doanh nghiệp.

“Một khi doanh nghiệp đã cạn về tài chính, khả năng hoạt động không hiệu quả thì đưa lên sàn UPCoM chẳng khác gì thêm “rác” vào sàn này”, ông Phương nhìn nhận.

Cho nên, để bảo vệ chính mình, nhà đầu tư nên tránh mua vào những cổ phiếu có nguy cơ bị dừng giao dịch khi nhận thấy các dấu hiệu như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thua lỗ nặng nề triền miên hoặc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trước khi có quyết định “xuống tiền”, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp.

Trong trường hợp mua phải cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, quyền của cổ đông sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, nếu cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không chuyển sàn, nghĩa là không được niêm yết trên bất cứ sàn nào, nhà đầu tư cần liên hệ với phòng cổ đông của doanh nghiệp để được cấp lại sổ và xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thỏa thuận với người khác.

Theo đó, trong trường hợp cổ phiếu bị dừng giao dịch bắt buộc, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, bởi cổ phiếu bị tạm dừng giao dịch chứ không phải huỷ giá trị.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không có khái niệm về bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp cổ phiếu bị hủy hay đình chỉ giao dịch, ngoại trừ cổ đông có thể kiện người quản lý doanh nghiệp.

Hải Giang

————-

Vnbusiness (Chứng khoán) 19-8-2022:

https://vnbusiness.vn/giao-dich/hoi-chuong-canh-tinh-tu-loat-co-phieu-ho-flc-bi-dinh-chi-giao-dich-1087422.html

(49/1.545)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,070