3.218. Tìm hiểu kỹ khách hàng, cải thiện năng lực giao dịch

(ĐBND) – Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia. Khi làm ăn với nhiều đối tác, nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng phức tạp hơn. Để tránh rơi vào tình huống này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần hiểu biết hơn về pháp luật thương mại quốc tế, tìm hiểu kỹ thông tin khách hàng, cải thiện khả năng giao dịch, đàm phán. 

Doanh nghiệp Việt bị lừa nhiều hơn 

Tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế” ngày 23.8, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, xuất nhập khẩu được xem là điểm sáng của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia. “Khi làm ăn với nhiều đối tác và các luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng phức tạp hơn”.

Sớm phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của VCCI cho biết, 52% doanh nghiệp Việt tham gia khảo sát năm 2018 nói rằng đã trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu. Riêng với lừa đảo từ bên ngoài, doanh nghiệp Việt bị khách hàng, nhà cung cấp bên trung gian và đại lý lừa nhiều hơn so với doanh nghiệp trên thế giới. Thực tế, doanh nghiệp Việt chưa chú trọng các biện pháp chống lừa đảo và cũng không báo cáo cho các cơ quan nhà nước khi gặp vấn đề bởi lo ngại thông tin bị lọt ra công chúng, ông Đức nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt bị lừa đảo hoặc phải đối diện với các tình huống tranh chấp thường là do không kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, phương thức thanh toán chưa phù hợp. Khả năng thương lượng, đàm phán hạn chế, không thông thạo thông lệ quốc tế cũng dễ dẫn đến rơi vào bẫy lừa đảo.

Điển hình là vụ việc 76 container hạt điều xuất khẩu bị lừa đảo hồi tháng 3 vừa qua. Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt cho biết, các doanh nghiệp đã quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin kỹ lưỡng. Hơn nữa, trong thời gian dịch bệnh khó khăn nên khi có các đơn hàng lớn doanh nghiệp rất mong bán được hàng. Ngoài ra, phương thức thanh toán vẫn còn nhiều rủi ro.

Nâng cao vai trò của thương vụ

Cũng theo ông Nhựt, “ván cờ lật ngược” của vụ 76 container hạt điều, từ chỗ có nguy cơ mất trắng đến chỗ lấy lại được toàn bộ là nhờ Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành tích cực vào cuộc, đặc biệt là nỗ lực to lớn của Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Italy.

Từ câu chuyện này, Hiệp hội Điều khuyến nghị doanh nghiệp trong kinh doanh quốc tế cần có sự kiểm tra đối tác độc lập. Ngoài việc tìm hiểu kỹ thị trường nước bạn, cần cảnh giác với các dấu hiệu bất thường từ đối tác, sử dụng các phương pháp thanh toán an toàn hơn. Khi gặp vấn đề, cần nhanh chóng thông tin tới hiệp hội ngành nghề để cùng hỗ trợ. Đặc biệt, ông Nhựt nhấn mạnh, vai trò của Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quán tại nước sở tại rất quan trọng và cần hoạt động hiệu qủa hơn.

Từng đối mặt với những vụ việc lừa đảo, ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Xuất khẩu Phúc Sinh nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ thông tin khách hàng và không được phép cung cấp mã chuyển phát nhanh cho bất kỳ đối tượng nào. Cần kiểm tra địa điểm của người mua để kiểm soát có đúng hay không, tránh vội vàng, cẩu thả khi giao dịch quốc tế.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI lưu ý, các doanh nghiệp cần nắm chắc pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương, luật dân sự – đặc biệt là liên quan đến thanh toán, chuyển tiền, thuế, hải quan… “Hội nhập quốc tế thì lừa đảo cũng mang tầm cao mới. Nếu làm không đúng luật, không chặt chẽ, đi ngang về tắt thì rủi ro chắc chắn cao hơn”. Bộ Công thương cần đưa ra cảnh báo với doanh nghiệp bởi thông tin hiện nay rất ít. Bên cạnh đó, cần sử dụng các chuyên gia để nắm bắt thông tin, trong đó có dịch vụ pháp lý, theo dõi cơ quan điều tra, thương mại quốc tế. Ngoài việc phòng ngừa, phải có các phương án, kịch bản ứng phó khi xảy ra các rủi ro, nếu không sẽ lúng túng, khó giải quyết.

Để hạn chế các vụ lừa đảo, tranh chấp, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, có bộ máy, hệ thống quản trị rủi ro tốt, quan trọng là phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các thương vụ Việt Nam tại các thị trường. Doanh nghiệp cũng cần dựa vào các doanh nghiệp đã đi trước; các hiệp hội, ngành hàng nếu làm tốt vai trò của mình sẽ là kênh hỗ trợ tốt hạn chế rủi ro khi có tranh chấp. Về lâu dài cần hình thành dịch vụ pháp lý hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp, cần có sẵn luật sư, chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại.

Hạnh Nhung

——————

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế – Xã hội) 24-8-2022:

https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tim-hieu-ky-khach-hang-cai-thien-nang-luc-giao-dich-i298569/

(157/1.025)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849