3.225. Ùn ứ rác sinh hoạt: Không thể để tồn tại nhà thầu yếu kém.

(VOV) – Những ngày qua, Kênh VOVGT liên tiếp nhận được phản ánh của thính giả, người dân, người tham gia giao thông về tình trạng ùn ứ rác sinh hoạt xảy ra nhiều ngày trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp nào để ngăn chặn trường hợp tương tự?

Mặc dù tình trạng ùn ứ rác sinh hoạt trên địa bàn đã xảy ra nhiều ngày, song đến thời điểm này, UBND TP. Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn chưa có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả (Ảnh: KT&ĐT)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Phản ánh đến Kênh VOVGiao thông, nhiều thính giả bức xúc cho biết, tình trạng rác thải ùn ứ, tràn cả xuống lòng đường, gây hôi thối và cản trở người tham gia giao thông.

Theo tìm hiểu của phóng viên VOVGT, trách nhiệm thu gom rác đến hết năm 2020 tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân).

Tuy vậy, dù hợp đồng chưa kết thúc, song Công ty Minh Quân đã bán doanh nghiệp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội với quyền điều hành từ 1/1/2021 và chối bỏ trách nhiệm thu gom rác mấy ngày cuối năm, khiến rác ùn ứ tại nhiều tuyến phố.

Bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Trưởng phòng kế hoạch, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, theo hợp đồng, từ 1/1/2021, đơn vị mới chính thức tiếp nhận việc thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Song trước thực tế nảy sinh, đơn vị đã báo cáo UBND quận Nam Từ Liêm, đồng thời điều hành số xe chở rác hiện có để giải tỏa rác trên địa bàn quận. Theo bà Ninh, điều này thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi tham gia cũng cấp các dịch vụ công ích trên địa bàn:

“Có thể vài ngày nữa anh hết gói thầu, anh không làm gói thầu này đi chăng nữa thì việc anh cam kết với chủ đầu tư và cam kết trong hợp đồng rồi thì anh phải thực hiện cho đến hết, hết trách nhiệm”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để xảy ra tình trạng này, trước hết, trách nhiệm thuộc về nhà thầu cung cấp dịch vụ thu gom rác, nhưng trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này cũng không thể xem nhẹ:

“Rõ ràng Thành phố hoặc quận ký hợp đồng đó cũng đã sai bởi vì chưa làm hết trách nhiệm và cũng chưa có năng lực thiết kế hợp đồng để đảm bảo tính chặt chẽ. Còn về nguyên tắc, phải xử theo hợp đồng, bởi vì đây là quan hệ dân sự chứ không phải quan hệ hình sự”.

Mặc dù tình trạng ùn ứ rác sinh hoạt trên địa bàn đã xảy ra nhiều ngày, song đến thời điểm này, UBND TP. Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn chưa có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, đây là một bài học cho các đơn vị, chủ đầu tư. Thông thường, khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, chủ đầu tư phải rất minh bạch, loại trừ hết các xung đột lợi ích.

Những cá nhân, tập thể trong Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư ra quyết định đấu thầu đều phải loại bỏ lợi ích nếu nhóm đấu thầu trúng thầu, trong đó có quan hệ tài chính, hoặc công ty gia đình… Theo ông Huỳnh, mặc dù không nên đặt ra tiêu chuẩn quá cao, song uy tín và lịch sử hoạt động các các đơn vị tham gia dự thầu cần được xem xét cẩn trọng:

“Đấu thầu trong khu vực như một quận chẳng hạn, thì không thể nói anh phải có 20 năm kinh nghiệm trong việc thu dọn rác được. Nhưng nếu đấu thầu ở cấp Thành phố thì phải điều chỉnh số năm cho phù hợp, điều chỉnh về vấn đề tài chính cho phù hợp, về kinh nghiệm, nhân sự và điều chỉnh về thành tích của nó, quá khứ của nó để vừa lựa chọn đúng nhà thầu, vừa phục vụ được mục đích phát triển cạnh tranh trong đấy”.

Ở góc độ luật pháp, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dựa trên hợp đồng đã ký kết giữa bên cung cấp dịch vụ và chủ đầu tư, đơn vị quản lý để ràng buộc, xử lý nếu hợp đồng bị vi phạm:

“Bài học quan trọng nhất là mọi thỏa thuận đều có ràng buộc, đề phòng, khi tình huống xấu nhất, tình huống rủi ro xảy ra thì có cái mà vịn, có cái mà bám. Về lợi ích, v quyền lợi thì hoàn toàn có thể xảy ra câu chuyện bị thiệt hại bên nào đó một cách không cãi được, không kiện được”.

Những khủng hoảng rác liên miên từ Nam Sơn vào nội thành đã cho thấy câu chuyện rác ở đô thị nóng tới mức nào (Ảnh: KT&ĐT)

Câu chuyện ùn ứ rác tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thêm một lần nữa hẳng định vai trò công tác thẩm đinh, loại trừ những nhà thầu yếu kém khi cung cấp dịch vụ.

Nếu ngay từ đầu, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ được thực hiện công tâm, dựa trên năng lực thực tế, uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đồng thời thiết kế hợp đồng ràng buộc chặt chẽ, chắc hẳn đơn vị quản lý, chủ đầu tư không rơi vào thế bị động như đã từng xảy ra.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: Nắm dao đằng lưỡi

Chuyện một doanh nghiệp chưa hết trách nhiệm hợp đồng đã cao chạy xa bay khiến các bên dở khóc dở mếu, thực ra không hiếm trong giao dịch kinh tế.

Nhưng điều khiến câu chuyện trở nên đáng chú ý là nó không xảy ra ở các khu công nghiệp, khu chế xuất với các ông chủ nước ngoài như trước đó đã từng, mà lại xảy ra ở một lĩnh vực vốn rất nóng của đô thị (là thu gom rác thải), và theo nguyên tắc phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nó đáng chú ý hơn nữa, là những dấu hiệu cảnh báo về khả năng nhà thầu thu gom rác “cao chạy xa bay”, chối bỏ trách nhiệm đã xuất hiện từ trước từ lâu, nhưng gần như không có một động thái rõ ràng nào để can thiệp, cho đến khi những đống rác khổng lồ tràn ngập trên các tuyến đường quận Nam Từ Liêm.

Trước đó, ngày 05/3/2020, trả lời VOVGT về tình trạng công nhân môi trường không thu gom đúng quy định mà vun lá khô đốt đùng đùng ngay trên lòng đường, Đại diện UBND phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm từng thừa nhận, đó là công ty Minh Quân, và không khỏi bức xúc về cách làm việc của đơn vị này, thiếu người, thiếu thiết bị, tệ nhất là thiếu trách nhiệm, gây mất vệ sinh từ chính công tác dọn vệ sinh.

Tháng 10, tháng 11 /2020, người dân phường Yên Phụ, Tây Hồ Hà Nội bức xúc phản ánh tới VOVGT, do phải sống chung với các đống rác thải ngồn ngộn ngay cửa khẩu An Dương, bốc mùi hôi thối nồng nặc, cũng là địa bàn do Công ty Minh Quân phụ trách thu gom.

Cho đến mấy ngày vừa qua, khi rác lại ngập đường ở Nam Từ Liêm mấy ngày trời, khiến dân chịu không thấu.

Minh Quân là công ty “ma” đúng nghĩa, hay “ma” trong kiểu hoạt động lâu nay, điều đó người dân không thể tự trả lời, và cũng không có trách nhiệm phải trả lời. Nhưng họ có quyền chất vấn, vì sao một doanh nghiệp có thể trúng thầu thu gom rác với địa bàn rộng như vậy, trong khi nhân lực, vật lực và năng lực quản trị đều rất có vấn đề? Khâu thẩm định năng lực nhà thầu đã được tiến hành ra sao?

Vì sao công ty này có thể bán lại doanh nghiệp trong khi đã và đang vướng phải rất nhiều bê bối, lùm xùm liên quan đến trách nhiệm thu gom rác theo hợp đồng?

Công ty Minh Quân và bây giờ là Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo các quy định xử lý hợp đồng kinh tế, nhưng ai chịu trách nhiệm cho những kẽ hở trong thiết kế hợp đồng, trong thẩm tra năng lực của các nhà thầu trước khi ký kết?

Hà Nội không thể một ngày ngừng thu gom rác. Những khủng hoảng rác liên miên từ Nam Sơn vào nội thành đã cho thấy câu chuyện rác ở đô thị nóng tới mức nào.

Song, điều đó dường như đã chưa được tính đủ, lường đủ khi lựa chọn các nhà thầu tham gia trong lĩnh vực “nóng” này, và cũng dường như chưa có sự giám sát đủ để can thiệp sớm, với những dấu hiệu bất ổn, bất minh. Cho đến khi, công ty “ma” bỏ doanh nghiệp chạy lấy người, đem rác bỏ đường, đem công nhân “bỏ chợ”.

Chuyện quản trị rác đã khiến Hà Nội mất điểm nhiều lần trong mắt người dân. Nhưng đối với Nam Sơn, cái vướng một phần do cơ chế giá, và dù sao vấn đề đã được trực tiếp gọi tên.

Còn với câu chuyện khủng hoảng rác ở Nam Từ Liêm, nếu không “bắt” đúng bệnh để điều trị, xem trục trặc ở nguyên tắc đấu thầu, điều khoản ràng buộc của hợp đồng hay giám sát thực hiện hợp đồng, không nghiêm túc xem các lỗi do vô tình hay cố ý, thì ai dám chắc, thời gian tới, sẽ có thêm những nhà thầu kiểu như Minh Quân, trong các lĩnh vực quan trọng khác hay không?

Kiều Tuyết – Quách Đồng

——

VOV Giao thông (Góc nhìn) 02-01-2021:

https://vovgiaothong.vn/un-u-rac-sinh-hoat-khong-the-de-ton-tai-nha-thau-yeu-kem

(117/1.797)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,593