3.231. Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Điều chỉnh những quy định đã lạc hậu

(HNM) – Thu thuế thu nhập cá nhân tăng cao kỷ lục, mới 7 tháng đã gần đạt dự toán cả năm 2022. Trong bối cảnh đời sống người lao động còn khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả leo thang…, cần nghiên cứu giảm bậc thuế, điều chỉnh mức thuế suất, nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với tình hình thực tế ngay trong quá trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Đỗ Tâm

Thu thuế thu nhập cá nhân tăng từng năm

Báo cáo thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2022 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, trong dự toán thu năm nay, cơ quan thuế dự kiến thu 118.075 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tăng 4,1% so với năm 2021. Với việc đã hoàn thành 90,1% dự toán năm chỉ sau 7 tháng, tổng số tiền cơ quan thuế thu từ thuế thu nhập cá nhân đã đạt sơ bộ trên 106.385 tỷ đồng. Số thu thuế này chiếm khoảng 9,8% tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý và tương đương 15,7% tổng thu nội địa. Tính ra trung bình mỗi ngày, cả nước thu được 506 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân.

Thực tế cũng cho thấy, số thu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công luôn tăng qua từng năm. Cụ thể là từ mức chỉ 5.000 tỷ đồng (năm 2006) lên hàng trăm nghìn tỷ đồng. Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân vượt mức 100.000 tỷ đồng, đạt 109.400 tỷ đồng. Năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng so với các năm trước, đạt hơn 110.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mức tăng này vẫn có được ngay cả khi từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ gia cảnh đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng. Với kết quả thu thuế thu nhập cá nhân 7 tháng năm 2022 như kể trên, số thu thuế thu nhập cá nhân năm 2022 dự kiến sẽ phá kỷ lục các năm trước.

Nên giảm bậc thuế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Theo ông Đoàn Nam (phường Sài Đồng, quận Long Biên), với quy định Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, phụ cấp, trợ cấp, số còn lại là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, cách tính thuế theo biểu lũy tiến 7 bậc, mỗi bậc thu nhập có thuế suất tương ứng: Mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống chịu thuế suất 5%; mức 5-10 triệu đồng 10%; mức 10-18 triệu đồng 15%; mức 18-32 triệu đồng 20%; mức 32-52 triệu đồng 25%; mức 52-80 triệu đồng 30% và từ 80 triệu đồng/tháng trở lên 35%. Việc quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế là quá dày cộng với thuế suất cao, khiến gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế.

Cùng chung quan điểm, bà Hoàng Thị Hoài (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết, bà thật sự lo lắng vào thời điểm này vì thu nhập của gia đình không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều so với năm ngoái, trong khi tiền thuế thu nhập cá nhân không được giảm đồng nào. “Có những quy định rất bất hợp lý như mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng. Với số tiền này sẽ không đủ chi trả cho những nhu cầu tối thiểu/người/tháng nên cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp”, bà Hoàng Thị Hoài nói.

Liên quan đến vấn đề này, không ít chuyên gia tài chính, luật sư cùng chung nhận định, thu thuế thu nhập cá nhân đã gần đạt dự toán cả năm 2022 nhưng cũng cần xem xét là tính hợp lý của mức giảm trừ gia cảnh hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa đã tăng mạnh. Tương tự, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc thuế như hiện nay là quá dày đặc, không phù hợp nữa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm biểu thuế nên rút gọn, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng, bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng/tháng và bậc cao từ 100 triệu đồng/tháng trở lên. Còn luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang cho rằng, thời gian dài vừa qua, giá của hàng hóa thiết yếu cũng như hàng tiêu dùng tăng liên tục. Do đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân bớt gánh nặng tài chính.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, kiến nghị sửa đổi luật lần này nên theo nguyên tắc, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà… phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Làm được như vậy, sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động. Khi chất lượng cuộc sống của người dân tốt hơn, họ sẽ có động lực lao động và đóng thuế tốt hơn.

HÀ PHONG

————

Hà Nội mới (Tài chính) 11-9-2022:

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1041739/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-dieu-chinh-nhung-quy-dinh-da-lac-hau

(111/1.025)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,029