3.232. Thời điểm nào phù hợp bỏ hạn mức tín dụng, tạo đà bứt phá cho các doanh nghiệp?

(BĐS) – Nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán có lộ trình để bỏ hạn mức tín dụng, từ đó mở ra giai đoạn bứt phá của các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Loay hoay bài toán chống lạm phát và nới lỏng tín dụng

Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. Có thể kể tới hạn mức room tín dụng được tăng thêm tại một số ngân hàng như sau: Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; SHB 3,2%; OCB khoảng 3,1%; VIB (3%); Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%; Techcombank 2,7%… nhiều ngân hàng khác tăng khoảng trên dưới 1%.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh room tín dụng được căn cứ trên kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01.

Về mức độ tăng thêm không đồng đều, chủ yếu do hồi đầu năm, một số ngân hàng đã được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao thì nay mức độ cấp thêm sẽ ít hơn so với các ngân hàng còn lại.

Vấn đề nới room tín dụng trở thành đề tài nóng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm trong suốt hơn 1 tháng qua. Ngân hàng Nhà nước cho hay, hết tháng 8/2022, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91% – cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Các nhà băng gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6%-6,5%. Từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.

Tuy vậy, dưới áp lực phát triển, nhu cầu vốn rất lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín đã lên tiếng góp ý, thậm chí là cảnh báo nếu chậm rới room tín dụng thì sẽ lỡ mất thời cơ tăng trưởng.

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, cao hơn tăng trưởng tín dụng thực tế của 2 năm 2020 (12,17%) và năm 2021 (13,61%). Tính đến hết tháng 8 dư nợ tín dụng đã tăng 9,91% là cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Với đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch thì thị trường vốn vốn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu. Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước có 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với Reatimes, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước cho phép nới hạn mức tín dụng đáp ứng được một phần nhu cầu vốn trước mắt của các doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn chuyện nới room tăng trưởng tín dụng do lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá một số mặt hàng tiêu dùng phổ biến thì hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt. Việc nới room tín dụng là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu. Ảnh: Tùng Dương

  1. Cấn Văn Lực đồng thời kiến nghị 4 nhóm giải pháp chính để giải quyết vấn đề dòng vốn một cách căn cơ lâu dài:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình (nhất là về lạm phát, tỷ giá, lãi suất, nhu cầu vốn thực và tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng…) để cân đối cấp nốt hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại, xem xét linh hoạt điều chỉnh hạn mức nếu cần.

Thứ hai, Chính phủ sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.

Thứ ba, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư – kinh doanh để thu hút thêm các kênh dẫn vốn khác cho nền kinh tế.

Thứ tư, cũng cần rà soát, đa dạng hóa nguồn vốn và kiểm soát rủi ro tài chính, rủi ro lãi suất, tỷ giá… để không bị gián đoạn sản xuất kinh doanh và vấp phải rủi ro dòng tiền.

Tiến tới bỏ hạn mức tín dụng với từng ngân hàng

Sau sự bùng nổ tín dụng góp phần dẫn tới khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 – 2011, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng theo các tiêu chí: quản trị hệ thống tốt, nợ xấu thấp,ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực căn cơ theo chỉ đạo của Chính phủ…

Việc áp dụng kiểm soát đã mang lại những kết quả nhất định, đặc biệt là ổn định hệ thống tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được thì quy định cấp hạn mức tín dụng cũng bộc lộ một số vấn đề, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 ngày 9/6, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, cơ chế hạn mức tín dụng sẽ khiến nguy cơ xảy ra tình trạng ngân hàng có tiền mà không cho vay được, trong khi mục tiêu đề ra là phải thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội rất cấp bách.

Bên cạnh đó, cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện vẫn còn mang “dáng dấp” theo cách quản lý bao cấp và không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm dẫn tới năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải “đi xin” để nới.

Tại kỳ họp này khi thông qua Nghị quyết chất vấn, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức nhà băng. Thay vào đó là xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Việc này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng nêu quan điểm: “Việc kiểm soát hạn mức tín dụng đã phát huy tính hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng cũng đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi. Theo tôi, cần có một lộ trình cụ thể để tiến tới bỏ hạn mức tín dụng trong 2 năm tới, tạo sự thuận lợi cho sự phát triển của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cần huy động vốn đầu tư, xa hơn là tạo ra những hiệu ứng tốt cho nền kinh tế. Bỏ hạn mức tín dụng là điều tất yếu, là xu hướng chung của thế giới không thể đảo ngược, hàng năm mọi ngân hàng phải trình cho Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch phân bổ tín dụng với các ngành nghề và phải cam kết tuân thủ đúng với nội dung đó, bất kỳ ngân hàng nào làm sai đều bị xem xét xử lý”.

Đề cập tới khó khăn thiếu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua khiến nhiều dự án bị đình trệ, nguồn cung hạn chế đẩy giá nhà tăng cao, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định bên cạnh nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thì về lâu dài trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng.

“Theo tôi việc siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai, tức là chỉ chững lại trong ngắn hạn và khi các quy định pháp lý đã được hoàn thiện, cụ thể là Nghị định 153 sửa đổi được ban hành thì thị trường sẽ nhanh chóng sôi động trở lại, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn về dòng vốn. Chính phủ cần sớm công bố Nghị định sửa đổi để các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp tục phát hành trái phiếu, huy động được nguồn vốn hợp pháp cho các dự án”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (chuyên gia có 20 năm phụ trách pháp chế tại nhiều ngân hàng)  cho rằng, hạn mức tín dụng 14% trong bối cảnh hiện nay là quá cao, không nên nới thêm.

“Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã cao nhất trong 10 năm qua. Nếu hôm nay đã sử dụng hết hạn mức thì đúng là phải tăng một vài % hạn mức tín dụng, nhưng tại thời điểm này chưa nên nới lỏng. Mặc dù tăng dư nợ đồng nghĩa với giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng nên chủ động chọn cái xấu trước để khỏi bị động với cái xấu sau”, ông Đức bình luận.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu bỏ room tín dụng thì cũng phải thay bằng các giải pháp khác, bản chất là nước nào cũng có hệ thống quản lý để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính và nền kinh tế. Dù là áp dụng các biện pháp quản lý nào thì cũng cần phải loại bỏ tối đa mệnh lệnh hành chính khiến cho ngân hàng và doanh nghiệp khó chủ động trong hoạt động kinh doanh.

Đề cập tới khó khăn tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nhất là với nhóm bất động sản, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Nguồn vốn chính, vai trò tăng trưởng kinh tế không thể là gánh nặng của ngành ngân hàng mà là của các bộ, ngành khác. Nguồn vốn phải chuyển sang các kênh khác, như trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn trái phiếu bắt đầu bị thắt chặt, chờ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, nhưng đã hơn 3 tháng chưa chốt được và gánh nặng lại đang dồn vào hệ thống ngân hàng.

Năm 2020, khi tham gia thẩm định Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, tôi đã phản đối việc thắt chặt. Vào cuối tháng 4 năm nay khi tham gia thẩm định việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này, tôi tiếp tục phản đối việc thắt quá chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Không thể tìm kiếm sự an toàn của thị trường trái phiếu bằng cách đẩy gánh nặng cho thị trường tín dụng”.

Thời gian gần đây nhiều ý kiến băn khoăn việc tăng lãi suất huy động tiền gửi sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi tiếp cận vốn. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương lúc này cũng là vấn đề cần được tính toán rất chặt chẽ. Từ năm 2021, kể cả năm 2022 này, đáng nhẽ các nước phải tăng lãi suất rất cao, nhưng ngân hàng Trung ương vẫn duy trì ổn định lãi suất điều hành, không thay đổi. Điều này nếu xét về mức tốc độ tương đối của đất nước thì rõ ràng Việt Nam đang giảm giá, giảm lãi suất so với các nước đang tăng nhanh… Hiện nay lãi suất cho vay bình quân chỉ khoảng 7,9-9,3%, kể cả dư nợ cũ và mới, lãi suất huy động bình quân từ 6,3-6,8% đối với kì hạn trên 1 năm. Mức lãi suất cho vay này so với mấy năm gần đây có thể nói duy trì ở mức khá ổn định”.

Ngọc Quang

—————

Bất động sản (Ngân hàng) 11-9-2022:

https://reatimes.vn/bo-han-muc-tin-dung-tao-da-tang-truong-cho-doanh-nghiep-20201224000014386.html

(394/2.319)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,029