3.236. Không được rút 52 tỷ gửi ngân hàng: Tiền không mất, nhưng…

(ĐV) – Ông Toàn hoàn tất gửi tiền tiết kiệm vào PVcomBank nghĩa là số tiền đã thuộc quản lý của ngân hàng này.

Chiều ngày 21/1/2021, trao đổi với Đất Việt, luật sư Trương Thanh Đức – chuyên gia kinh tế – ngân hàng, Công ty Luật ANVI cho biết, trường hợp vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn (46 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) gửi 52 tỷ đồng tiền tiết kiệm vào ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) nhưng không được rút là chuyện không hiếm xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo thông tin trên Thanh niên, 2 năm trước vợ chồng ông Toàn có gửi vào ngân hàng PVcomBank tại phố Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội số tiền 52 tỷ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm. Trong đó ông Toàn đứng tên 1 sổ, vợ ông Toàn đứng tên 2 sổ.

Ông Đặng Nghĩa Toàn bị bảo vệ PVcomBank khống chế, cấm cửa vào ngày 18/12/2020 khi đến đòi quyền lợi (Ảnh TNO).

Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại PVcomBank.

Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc một số cán bộ ngân hàng PVcomBank đã câu kết với các đối tượng khác làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Toàn.

PVcomBank đã 4 lần có văn bản cam kết trả lại tiền cho vợ chồng ông Toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 3 quyển sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn vẫn đang bị phong tỏa.

“Trong vụ việc này, quá trình giao dịch tại ngân hàng của chúng tôi đến nay không có bất cứ quyết định, văn bản nào về việc thanh tra, đồng thời cơ quan công an cũng chưa ban hành văn bản nào yêu cầu PVcomBank phong tỏa tài sản của chúng tôi;

3 cuốn sổ tiết kiệm, số tiền gửi 52 tỉ đồng trong kết luận điều tra của cơ quan công an cũng không được coi là vật chứng của vụ án. Vì vậy, họ giữ tiền của chúng tôi là trái pháp luật”, ông Toàn cho hay.

Bình luận về trường hợp của vợ chồng ông Toàn, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, điều này bắt nguồn từ hệ quả đến từ vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như từ nhiều năm trước. Sau đó, hiệu ứng này lan rộng ra một số ngân hàng ở một số tỉnh thành khác.

“Các quy định đã nêu rõ, khi thủ tục gửi tiền vào ngân hàng hoàn tất thì số tiền này do ngân hàng quản lý và phải có trách nhiệm về quản lý khoản tiền này. Nếu số tiền này bị mất hoặc chiếm đoạt thì phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng lại cố tình mập mờ trong việc giải quyết các vấn đề cho khách hàng. Bởi, nếu số tiền này có bị chiếm đoạt thì ngân hàng là bị hại chứ không phải người đứng tên sổ tiết kiệm là bị hại trong vụ án” – ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, số tiền mà vợ chồng ông Toàn gửi vào PVcomBank không bị mất đi nhưng bị nằm yên một chỗ vì cách xử lý của ngân hàng đang muốn chối bỏ trách nhiệm hoặc lừng khừng trong việc giải quyết vì mục đích nào khác.

 

Văn bản trả lời của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước ngày 8/1/2021 (Ảnh TNO).

“Theo quy định thì số tiền này không bị mất đi, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng khi khách hàng có nhu cầu. Đồng thời, khi trả phải tính đầy đủ cả số tiền gốc và tiền lãi để trả cho khách hàng.

Tuy nhiên, việc lừng khừng không trả của ngân hàng khiến cho khách hàng lỡ dở công việc riêng, cuối cùng phía khách hàng luôn luôn là người chịu thiệt. Nếu ngân hàng nào cũng làm như thế sẽ rất dễ mất uy tín với khách hàng khác, không còn ai tin nữa” – ông Đức bày tỏ.

Vị chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phải vào cuộc để giải quyết những vấn đề tương tự như của vợ chồng ông Toàn tại ngân hàng PVcomBank. Về phía, ông Toàn có thể gửi đơn khởi kiện lên tòa án để đòi lại số tiền vì đây là tranh chấp dân sự.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 8/1/2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN có văn bản hướng dẫn ông Đặng Nghĩa Toàn về hướng giải quyết.

Theo văn bản do ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, giám sát ngân hàng ký, cho biết ông Toàn có thể liên hệ các NH để được xem xét, hướng dẫn, giải quyết.

Nếu không đồng ý với việc giải quyết của các ngân hàng, ông Toàn có thể gửi đơn đến TAND có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Văn bản do ông Trần Đăng Phi ký cũng cho rằng việc gửi tiền của ông Toàn tại ngân hàng là giao dịch dân sự có liên quan đến vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Hà Nội”, nên đề nghị ông Toàn gửi đơn đến cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết việc gửi, rút tiền tiết kiệm của ông đồng thời cùng vụ án hình sự nêu trên.

Ngọc Vân


Đất Việt (Kinh tế) 22-01-2021:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/khong-duoc-rut-52-ty-gui-ngan-hang-tien-khong-mat-nhung-3426372/


(450/990)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,583