3.236. Sau room tín dụng, doanh nghiệp lo lãi suất tăng

(NLĐ) – Thiếu vốn, lãi suất cho vay tăng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và bị động trong kế hoạch kinh doanh cuối năm

Ngày 12-9, gần một tuần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đã phân bổ hạn mức (room) tín dụng cho các NH thương mại, chị Ngọc Hạnh (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết hồ sơ vay vốn xây nhà của chị tại một NH cổ phần quy mô lớn ở TP HCM vẫn chưa được giải ngân.

Vẫn thiếu vốn, lãi suất tăng

“NH nói khoản vay của tôi lớn (gần 10 tỉ đồng) nên chậm giải ngân và sẽ chia thành nhiều đợt. Vì đã trót làm hồ sơ nên đành phải chờ. Tôi có liên hệ một vài nơi khác nhưng NH nào cũng thông báo room cho vay nhỏ giọt. Bạn tôi cũng vay mua nhà nhưng chưa được giải ngân, dù đã mua bảo hiểm nhân thọ và chấp nhận lãi suất vay cao hơn” – chị Hạnh kể.

Không chỉ khách vay cá nhân, doanh nghiệp (DN) cũng phản ánh nguồn vốn NH cho vay không dồi dào như trước, dù đã được phân bổ room tín dụng mới. Ông Nguyễn Viết Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Tự động ETEC, Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú (TP HCM) – cho biết nhiều DN trên địa bàn quận đang gặp khó khăn về tài chính do NH tăng lãi suất cho vay và room tín dụng hạn chế.

“Bản thân DN tôi cũng vay nhưng vì có lịch sử tín dụng tốt và khoản vay không lớn nên chưa ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Trong khi nhiều DN khác đang rất sốt ruột, họ chấp nhận lãi suất cao miễn được cấp vốn kịp thời” – ông Toàn cho hay.

Lãnh đạo một số NH nhìn nhận mức room tín dụng vừa được phân bổ thêm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thậm chí, tại một vài NH do room căng thẳng nên có tình trạng khối khách hàng cá nhân và DN phải “nhường” nhau để được ưu tiên giải ngân.

Ngoài câu chuyện room tín dụng hạn chế, không ít khách hàng cá nhân và DN phản ánh lãi suất cho vay đang tăng trở lại. Chủ một DN trong lĩnh vực bất động sản cho biết ông được vay lãi suất ưu đãi 7,8%/năm, dù chưa hết thời hạn ưu đãi nhưng NH đã thông báo áp dụng mức lãi suất mới là 8,6%/năm.

Một số khách hàng cá nhân vay mua nhà nói rằng đã phải trả lãi vay ở mức 11%-13%/năm, thậm chí 13,5%/năm chứ không còn được NH ưu đãi lãi suất 6 tháng hay 1 năm như trước. Đặc biệt, không chỉ lãi suất cho vay bằng VNĐ tăng mà lãi suất cho vay USD cũng nhích lên đáng kể.

Phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông P.H.L, tổng giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu thủy hải sản đi châu Âu, cho biết ông vừa được NH báo lãi suất vay USD mới hiện là 4,5%/năm, thay vì 2,8%/năm như trước. Thậm chí có NH báo lãi vay USD tới 5,5%/năm.

“Năm ngoái, công ty tôi vay USD tại NH thương mại chỉ hơn 2%/năm, nay tăng hơn gấp đôi là quá cao đối với DN. Diễn biến này sẽ khó khăn trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, đơn giá xuất khẩu không thể tăng được. Chúng tôi đang tính điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vì rủi ro” – tổng giám đốc này nói.

Tình trạng khó vay vốn và lãi suất tăng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH

Áp lực tăng lãi suất vẫn còn

Hỏi NH thương mại về trường hợp DN phản ánh lãi suất vay USD từ 2,8%/năm lên 4,5%/năm, đại diện NH này giải thích do trước đó khách hàng đang được hưởng chương trình ưu đãi lãi suất thấp, nay hết thời hạn và lãi suất tăng theo thị trường.

Dù vậy, lãnh đạo nhiều NH thừa nhận lãi suất cho vay bằng USD tăng là tất yếu trong bối cảnh đồng USD toàn cầu mạnh lên. Phó tổng giám đốc phụ trách ngoại hối một NH cổ phần ở TP HCM lý giải Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 4 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 2,5 điểm %, nâng lãi suất hiện tại của Mỹ lên 2,25%-2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12-2018 đến nay. Đồng thời, FED còn thông báo có thể tăng thêm lãi suất 0,7% điểm % vào cuối tháng 9 tới đây.

Tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát cũng lên tới 8,9% đã thúc đẩy NH Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất 0,5 điểm % và mới đây, ngày 8-9, tăng tiếp lãi suất thêm 0,75% điểm % và đà tăng chưa dừng lại…

“Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED và ECB sẽ khiến mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên; đồng USD tăng giá so với hầu hết đồng tiền khác làm cho đồng nội tệ của các nước yếu đi so với USD, tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam. Nhiều NH thương mại cũng huy động vốn từ trái phiếu quốc tế nên lãi suất USD tăng là khó tránh” – lãnh đạo NH này giải thích.

Về phía DN, theo ông Nguyễn Viết Toàn, khó khăn kép liên quan đến dòng vốn hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất – kinh doanh các tháng cuối năm của DN. Bởi lãi suất tăng mạnh khiến chi phí đầu vào đội lên; NH chậm cấp vốn khiến DN bị động, thậm chí làm chậm tiến độ.

Lãnh đạo một số NH thương mại nhìn nhận áp lực tăng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm vẫn còn khá lớn trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục nhích lên. Thậm chí, khối NH thương mại nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc khi các NH thương mại cổ phần liên tục tăng lãi suất huy động lên khá cao.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhiều NH thương mại đã tăng lãi suất đầu vào thêm 0,2-0,5 điểm % tùy kỳ hạn và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay trong bối cảnh nhiều NH trung ương trên thế giới, kể các các nước phát triển nhất, đã và đang phải tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát, NHNN vẫn đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Trong tháng 7 và 8 vừa qua, chỉ số lạm phát tiếp tục được duy trì ở mức 2,58%. Nhưng các yếu tố về tiền tệ, một số nguyên nhân khác vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ nên việc điều hành lãi suất sẽ được NHNN tính toán một cách thận trọng. Đối với lãi suất của các NH thương mại, dù có biến động tăng nhưng mức độ rất hẹp. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ từ 7,9% – 9,3%/năm, kể cả dư nợ cũ và dư nợ mới, được duy trì khá ổn định so với các năm gần đây” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Khó có thêm đợt nới room mới

Số liệu mới nhất của NHNN đến cuối tháng 8-2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 9,91% – mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Lãnh đạo một NH thương mại phân tích nếu tính cả mức tăng trưởng tín dụng này và room tín dụng vừa được phân bổ vừa qua, vẫn chưa đến 14% so với mục tiêu ban đầu. Vì vậy, có thể sẽ còn đợt phân bổ room tiếp theo trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia tài chính – NH, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận định mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay đã là quá cao. Chỉ trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã chạm mức cao nhất trong 10 năm qua. “Nếu đã sử dụng hết room thì đúng là phải tăng một vài % nữa để hỗ trợ nền kinh tế nhưng thời điểm này chưa nên vì quan trọng nhất là giữ ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô…” – chuyên gia này phân tích.

THÁI PHƯƠNG – THY THƠ – THANH NHÂN

——————-

Người lao động (Kinh tế) 13-9-2022:

https://nld.com.vn/kinh-te/sau-room-tin-dung-doanh-nghiep-lo-lai-suat-tang-20220912201648304.htm

(110/1.511)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,065