3.237. Muốn loại bỏ xe cũ nát phải có cơ chế hỗ trợ.

(ĐBND) – Thủ tướng vừa yêu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ xe máy, ô tô cũ nát, lạc hậu để giảm bớt ô nhiễm không khí. Việc này tuy cần thiết nhưng theo luật sư Trương Thanh Đức, không thể thu hồi xe vì đây là tài sản của người dân. Cần có cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân tự nguyện giao nộp sẽ hiệu quả hơn, ông Đức đề xuất.

 Xe cũ nhưng vẫn chạy tốt!

Chuyên giao bánh bao khắp Hà Nội, anh Lưu Vinh Quang, quê Tuyên Quang hiện sống trọ ở quận Cầu Giấy, đang sử dụng 1 chiếc xe máy “5 không”: Không đèn chiếu sáng, không đèn tín hiệu, không còi, không biển số, không yếm xe. Thậm chí, anh còn gắn thêm các thanh sắt tự chế vào xe để chở được nhiều hàng nhất có thể. “Không phải tôi không có tiền đổi xe mà vì tôi thấy xe vẫn chạy được và trên đường có nhiều xe tương tự”, anh Quang giải thích và cho biết “sẵn sàng mua xe mới” nếu cơ quan chức năng yêu cầu.

Nguồn: ITN

Anh Trần Tiến (quê Nam Định) làm nghề chở hàng thuê gần hai chục năm ở đất Hà thành cũng đang sở hữu một chiếc xe máy mua lại cách đây… 17 năm. Xe đã mất hoàn toàn lớp yếm, các đèn bị vỡ. Dù nhà cũng có xe mới nhưng anh Tiến chuyên dùng xe này để chở hải sản. “Xe đi vẫn an toàn, máy móc vẫn khỏe nên tôi không thay xe khác. Hơn nữa nếu dùng xe mới, nước mặn sẽ nhanh làm han rỉ”. Cũng như anh Quang, anh Tiến cho biết sẵn sàng “nộp” xe nếu cơ quan chức năng kiểm định và kết luận xe không bảo đảm an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của các đơn vị chức năng, tại thời điểm năm 2018 Hà Nội có khoảng 2,7 triệu xe máy cũ nát (lưu hành trên 5 – 10 năm) còn TP Hồ Chí Minh có khoảng 5 triệu xe. Đối với ô tô, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến hết năm 2020, toàn quốc có hơn 239 nghìn xe (xe tải, xe chở người) hết niên hạn sử dụng, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh với hơn gần 58 nghìn xe và Hà Nội hơn 24 nghìn xe.

Trong số các chủ xe, không phải ai cũng có tinh thần tự nguyện giao nộp xe cũ nát! Hơn nữa, dưới góc nhìn của một luật sư, ông Trương Thanh Đức cho rằng xe là tài sản công dân, thu hồi là không đúng Hiến pháp.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, xe cũ nát lưu thông trên đường phố gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, độ an toàn thấp… nên việc thu hồi rất cần thiết. Tuy vậy, để thực thi lại không đơn giản vì chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng xe máy, hơn nữa việc đo khí thải để kiểm tra hàng triệu xe cũng rất khó.

Việc quản lý xe ô tô cũ nát, xe không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải thuận lợi hơn. Xe ô tô khi hết niên hạn sử dụng buộc phải dừng hoạt động, nếu lưu thông ra đường bị xử phạt, tịch thu phương tiện; còn ô tô cá nhân không áp dụng niên hạn phải qua đăng kiểm kỹ thuật, kiểm tra khí thải định kỳ, nếu không đạt tiêu chuẩn không được phép lưu thông. Chế tài xử lý có đủ nhưng việc xử lý vi phạm, nhất là từ địa bàn cơ sở chưa triệt để nên thực tế tại hầu hết các địa phương vẫn còn xe ô tô hết niên hạn hoạt động.

“Ba bên” phải vào cuộc

Cách làm tốt nhất, theo luật sư Trương Thanh Đức là kiểm soát thật chặt điều kiện lưu hành của phương tiện. Xe máy không đạt tiêu chuẩn về khí thải, không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường sẽ không được tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông phải tăng cường kiểm tra và xử lý xe cũ nát thật nghiêm. Khi đó, họ sẽ phải cân nhắc kỹ xem có nên sử dụng xe đó tham gia giao thông hay không. “Hầu hết đối với xe cũ nát, khi bị cảnh sát giao thông tuýt còi, họ chấp nhận bỏ lại xe vì số tiền phạt có khi lớn hơn cả giá trị xe”.

Ông Đức nhấn mạnh, không thể ép buộc người dân mà chỉ có biện pháp khuyến khích họ tự nguyện “nộp” xe cũ. Vì vậy, nếu cơ quan chức năng cùng với các nhà sản xuất có cơ chế hỗ trợ thu hồi sẽ nhanh gọn, hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ được những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn: ITN

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội thí điểm hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy mới. Theo đó, nếu xe máy cũ trên 18 năm không đạt tiêu chuẩn về khí thải thì được Hiệp hội Xe máy Việt Nam hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 – 4 triệu đồng. Tuy vậy, thời gian triển khai chương trình này quá ngắn, chỉ trong 3 tháng (9 – 12.2020) với số lượng có hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quản lý xe máy cũ nát để bảo đảm an toàn giao thông, giảm bớt ô nhiễm môi trường là yêu cầu cần thiết. Để triển khai, cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 bên. Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý, có cơ chế hỗ trợ vì đây là chủ trương bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn giao thông. Nhà sản xuất xe máy hỗ trợ tài chính cho người dân thông qua mua lại hoặc đổi xe cũ lấy xe mới với giá ưu đãi, thể hiện trách nhiệm xã hội. Người dân phải bảo hành, bảo dưỡng xe thường xuyên để duy trì tình trạng kỹ thuật của xe, hạn chế xả thải, tiếng ồn và ủng hộ việc kiểm soát khí thải xe máy.

Tuệ An


Đại biểu Nhân dân (Đời sống xã hội) 22-01-2021:

https://daibieunhandan.vn/muon-loai-bo-xe-cu-nat-phai-co-co-che-ho-tro-m5yfvibfue-52994

(297/1.123)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,582