3.237. Nới room tín dụng bao nhiêu là đủ?

(VNB) – Hạn mức tín dụng còn lại sẽ khó lòng đáp ứng được hết nhu cầu vốn khi doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại tỏ ra thận trọng hơn và ủng hộ quan điểm không nên nới tín dụng quá nhiều.

Doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng sự hồi phục còn gian nan. Ngoài khó khăn hậu đại dịch, doanh nghiệp đang rất cần tiếp sức nguồn vốn nhưng hiện các “van” của nguồn vốn đang gặp nhiều ách tắc.

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room nhiều đợt

Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, bởi nếu không được tiếp cận nguồn vốn sẽ gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, đồng thời làm mất đi cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Nếu không khơi thông được dòng chảy nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng”.

 Room tín dụng 14% sẽ được phân bổ làm nhiều đợt với mức tăng 2-3%/đợt.

Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn đang cho thấy sự kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% đặt ra từ đầu năm nay. Do đó, mới đây, NHNN đã nới room cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng đứng trước sức ép của lạm phát nên nới room sẽ không nhiều.

Mặc dù vậy, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS dự báo NHNN sẽ nới room thành 2-3 đợt. Cùng chung quan điểm, trong bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 5–9/9, Công ty chứng khoán SSI cũng cho rằng, trong đợt điều chỉnh lần này, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ước tính sẽ tăng thêm khoảng 2%, thấp hơn so với kỳ vọng của các thành viên trên thị trường và dư địa để NHNN sẽ có thêm một đợt điều chỉnh vào cuối năm nay vẫn còn.

Bên cạnh đó, so với tăng trưởng tín dụng được ghi nhận trong năm 2021, hạn mức tín dụng mới trong năm 2022 có cho thấy sự phân hóa giữa nhóm NHTM cổ phần Nhà nước (không có nhiều thay đổi so với năm 2021) và nhóm NHTM cổ phần (thấp hơn nhiều so với năm 2021). Điều này cho thấy mục tiêu của NHNN là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng lĩnh vực rủi ro cũng như điều tiết dòng tiền để kiểm soát được mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khi trên thực tế, tỷ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như cho vay kinh doanh bất động sản hay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp từ các NHTM cổ phần Nhà nước thấp hơn nhiều so với các NHTM cổ phần.

Quan trọng là khả năng hấp thụ vốn

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia lại tỏ ra thận trọng hơn và ủng hộ quan điểm không nên nới tín dụng quá nhiều.

Không phủ nhận nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều cần hơn, cấp thiết hơn đó là hấp thụ vốn chứ không phải áp lực nới room tín dụng. “Nếu hấp thụ được vốn thì bơm vốn có hiệu quả, còn không hấp thụ được vốn mà bơm vốn là họa chứ không phải là phúc”, một chuyên gia nói.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, rất không nên tăng hạn mức tín dụng trong điều kiện hiện nay.

“14% trong bối cảnh hiện nay là quá cao rồi. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đã cao nhất trong 10 năm qua. Việc tăng hạn mức tín dụng rất dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao. Mà để lạm phát tăng cao thì tăng trưởng kinh tế sẽ trở thành vô nghĩa, thậm chí phải trả giá rất đắt”, ông Đức nói.

Theo đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu vẫn buộc phải tăng hạn mức tín dụng trong năm nay thì cần phải giảm tăng trưởng năm 2023. Tăng trước, giảm sau chứ không thể thi nhau tăng mạnh.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được tổ ngày 12/9, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, trước áp lực lạm phát, việc NHNN tiếp tục kiên định điều hành chính sách tín dụng theo định hướng từ đầu năm tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là hoàn toàn phù hợp

TS Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia khẳng định, kiềm chế lạm phát đạt được như hiện nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của NHNN, cùng với ổn định tỷ giá góp phần ngăn ngừa sự lan rộng của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam. Ở Việt Nam, tín dụng là kênh chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trước mắt, duy trì room tín dụng là rất quan trọng. Việc NHNN vừa thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng là rất thích hợp.

Theo ông Phước, thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Đây là cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế làm cho lạm phát thấp xuống, làm cho nguồn thu tăng lên.

Huyền Anh

—————-

VNBusinees (Ngân hàng) 14-9-2022:

https://vnbusiness.vn/ngan-hang/noi-room-tin-dung-bao-nhieu-la-du-1087893.html

(134/1.046)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.864. Vì sao đất đấu giá hút khách?

3.864. Vì sao đất đấu giá hút khách? (DĐDN) - Dòng tiền đầu tư bất động...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,689