3.240. Ý kiến trái chiều về kiến nghị xóa sổ cà phê đường tàu

(VNR) – Kiến nghị xóa sổ cà phê đường tàu của Đường sắt Việt Nam đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi đây là một loại hình du lịch đặc biệt, thu hút được lượng lớn du khách nước ngoài.

Vào tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường tàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch cũng mở cửa trở lại, phố đường tàu ở Hà Nội lại trở điểm check-in thu hút đông đảo du khách đặc biệt là dịp cuối tuần.

Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm và các phường liên quan phối hợp xử lý tình trạng bán hàng, quay phim, chụp ảnh tại “cà phê đường tàu” trên tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng.

Theo đó, đoạn ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng) xuất hiện loại hình du lịch khách nước ngoài đi tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Tình trạng này cùng với việc buôn bán tụ điểm cà phê đang ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Tuy nhiên, việc dẹp bỏ xóm cà phê đường tàu đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Trong khi các chuyên gia giao thông cho rằng cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực này thì chuyên gia du lịch lại mong muốn loại hình này được quản lý và phát triển.

Phố đường tàu luôn thu hút đông khách du lịch

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phố cà phê đường tàu là điểm du lịch hấp dẫn du khách song hoạt động du lịch cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Ông Nghiêm đồng tình với việc dẹp bỏ, đóng cửa các hàng quán, cà phê hoạt động vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Theo ông, không thể vì mục tiêu kinh tế mà bỏ qua sự an toàn cho du khách. Và việc mở quán cà phê hay buôn bán trên đường ray rất nguy hiểm, khó có thể xem là một nét văn hóa.

Trong khi đó, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng các cơ quan quản lý có thể cân nhắc đến việc vừa có thể phát triển bền vững, vừa có thể đảm bảo an toàn bởi cà phê đường tàu có thể được xem là một sản phẩm lạ với du khách đặc biệt là khách nước ngoài. Việc cấm cà phê đường tàu sẽ làm mất đi cơ hội cho người làm du lịch có một sản phẩm du lịch độc đáo, mất cơ hội cho người dân địa phương cải thiện thu nhập

Bởi vậy, theo ông Chính, phố đường tàu thay vì cấm, dẹp bỏ, các cơ quan chức năng vẫn có thể có các giải pháp để phát triển du lịch, mang lại nguồn thu nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và người dân. Bởi trên thực tế phố đường tàu không chỉ có ở Việt Nam mà tại Thái Lan cũng có chợ Maeklong nổi tiếng là điểm thu hút đông khách du lịch. Chúng ta có thể nghiên cứu một chế tài để quản lý như: Thí điểm giờ nào được mở cửa hoạt động, giờ nào không? Du khách đến đây tham quan phải đảm bảo các điều kiện nào? Các hộ kinh doanh cũng phải có cam kết, bộ quy tắc ứng xử ra sao, nếu vi phạm thì phạt thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc AZA Travel cũng cho rằng hoạt động kinh doanh của các hộ dân hai bên phố đường tàu không phải mới mà đã có từ lâu. Thay vì dẹp bỏ thì có thể tính đến phương án vừa đảm bảo an toàn, vừa có sản phẩm phục vụ du lịch. Điều quan trọng là hài hòa, cân đối được các yếu tố: Phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an toàn.

Còn dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), cho biết, cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấm các hoạt động vi phạm an toàn đường sắt, bao gồm hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu hoặc các hoạt động khác nếu các hoạt động này có vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có quyền xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt chứ không thể “xóa sổ” quán cà phê ở khu vực này nếu các cơ sở này không vi phạm.

Hiền Trịnh

————–

VNReport (Sự kiện & Bình luận) 14-9-2022

https://vnreport.vn/y-kien-trai-chieu-xoay-quanh-kien-nghi-xoa-so-ca-phe-duong-tau/

(111/898)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,666