(ĐĐK) – Câu chuyện doanh nghiệp tăng vốn ảo đang trở thành vấn đề nóng bỏng khi mà mới đây thị trường chứng khoán ghi nhận sự việc chấn động, Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố thông tin FLC Faros “thổi” vốn điều lệ ảo từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong 2 năm, sau đó niêm yết, tiếp tục đẩy giá cổ phiếu, chiếm đoạt 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư. Vậy đằng sau việc tăng vốn ảo của các doanh nghiệp là gì?
Tăng vốn để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tuy nhiên nếu tăng vốn ảo sẽ là vấn đề khác. Ảnh: Quang Vinh.
Những cú lừa lịch sử
Tăng vốn ảo gắn liền với thao túng chứng khoán vẫn là vấn đề nhức nhối thời gian qua. Và câu chuyện FLC Faros tăng vốn ảo chỉ là một dẫn chứng điển hình cho việc bơm bong bóng vốn của DN. Trước FLC Faros, nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tăng vốn vô điều kiện đã bị chỉ mặt điểm tên.
Cụ thể hồi đầu năm cơ quan điều tra đã xác định Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc CTCP ASA (ASA) đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống niêm yết 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng để bán và thu tiền bất chính.
Trước đó, vào năm 2019 Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước yêu cầu CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng vốn đối với 3 đợt tăng vốn trong năm 2016 từ 73,5 tỷ đồng lên 387 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM) với vốn điều lệ ban đầu chỉ 10 tỷ đồng nhưng lãnh đạo DN thời điểm 2019 đã chỉ đạo một số cá nhân làm giả hồ sơ tăng vốn, làm giả danh sách cổ đông với 103 người và chứng từ tăng vốn lên 310 tỷ đồng và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.
Theo quy định hiện hành, DN đại chúng chào bán cổ phần tăng vốn phải nộp hồ sơ với phương án sử dụng vốn rõ ràng và chỉ được thực hiện khi UBCK phê duyệt.
Ðịnh kỳ 6 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cho đến khi hoàn thành dự án, tổ chức phát hành phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Trong khi đó, với các DN chưa phải đại chúng, việc tăng vốn bằng chào bán cổ phiếu chỉ phải thực hiện đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư nơi DN đăng ký hoạt động.
Mặc dù báo cáo tài chính và báo cáo sử dụng vốn của các DN đại chúng được đơn vị kiểm toán kiểm tra, rà soát, nhưng nhìn chung, việc giám sát của cơ quan quản lý cũng như của đơn vị kiểm toán mới dừng lại ở hồ sơ đúng và đủ theo quy định chung, khó đi sâu vào thực tế triển khai dự án.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình hình thành và phát triển DN, có nhiều DN làm ăn tốt đăng ký tăng vốn để “làm dày bộ đệm”, đó cũng là một cách để tăng niềm tin với các bạn hàng. Song có nhiều trường hợp tăng vốn “khủng” chỉ để làm đẹp hồ sơ, đánh bóng tên tuổi nhằm trục lợi, hậu quả sẽ khôn lường.
Luật sư Tô Hà Dũng – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, các kế hoạch tăng vốn là cần thiết để giúp DN gia tăng tiềm lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm. Tuy nhiên nếu như DN, cá nhân nào cố tình “làm xiếc” thổi vốn ảo để lừa đảo bên thứ 3, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giới chuyên gia phân tích, việc tăng vốn ảo sẽ làm ảnh hưởng đến bên thứ 3 như DN, tổ chức tín dụng… Khi bên thứ 3 chỉ nhìn vào vốn của công ty có thể nhầm tưởng rằng vốn cao là DN có tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng thực tế là vốn khống, tài chính không có thực nên rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3 khi công ty không đảm bảo thanh toán các khoản nợ, các khoản phải bồi thường, khắc phục hậu quả…Từ đó sẽ phát sinh tranh chấp buộc các cơ quan liên quan phải vào cuộc, giải quyết sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Đặc biệt tăng vốn ảo sẽ tạo ra môi trường tài chính không minh bạch, kém lành mạnh.
Nhiều DN làm ăn tốt đăng ký tăng vốn là một cách để tăng niềm tin với các bạn hàng, song không loại trừ doanh nghiệp tăng vốn “khủng” chỉ để làm đẹp hồ sơ.
Khoảng trống trách nhiệm?
Theo Giám đốc Công ty Luật ANVI – Luật sư Trương Thanh Đức, từ năm 2014, pháp luật Việt Nam đã cho phép DN được thay đổi đăng ký vốn điều lệ theo nhu cầu phát triển thực. Việc tăng vốn bao nhiêu là tùy thuộc vào DN nhưng phải chứng minh rõ ràng. Còn không có tiền mà tăng vốn khống là lừa đảo. Tuy nhiên, vẫn chưa có người kiểm tra, giám sát việc tăng vốn thực hay ảo. Hiện có các công ty kiểm toán vào kiểm toán nhưng vì lý do nào đó mà không phát hiện.
DN khi lên sàn chứng khoán và phát hành cổ phiếu phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Nhưng ở trường hợp trên với vốn điều lệ khống mà vẫn lên được sàn thì trách nhiệm giám sát thuộc về các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước…
Báo cáo kiểm toán thể hiện sai phạm nhưng bằng cách nào đó đã bị che giấu. DN cũng phải tự chịu trách nhiệm về việc tăng vốn. Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh, nếu DN tự bịa ra việc tăng vốn, tăng vốn khống là cố tình lừa đảo. Điều này khó có thể nói là lỗi của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi để DN phát hành cổ phiếu lên sàn thì cơ quan chức năng cần phải thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này các cơ quan có thẩm định, đánh giá hay không thì cần phải điều tra làm rõ. Nếu chứng minh được cơ quan quản lý có thông đồng, bao che sai phạm có thể tiếp tục khởi tố.
Theo lẽ thường, khi giá cổ phiếu tăng đột biến phải được đặt trong vòng kiểm soát và nghi ngờ của cơ quan quản lý. Nhưng với những trường hợp tăng vốn ảo do thao túng giá chứng khoán dường như đã có sự buông lỏng quản lý.
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, quá trình tăng vốn của FLC Faros được thực hiện khi DN chưa phải là DN đại chúng. Tuy nhiên, đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) phải có trách nhiệm ở khâu cấp phép niêm yết.
FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) tăng vốn thêm hàng nghìn lần từ năm 2014 đến năm 2016 thì đến tháng 9/2016 được cấp phép niêm yết. Các cơ quan chức năng phải làm rõ tại sao HOSE lại cấp phép niêm yết, những cá nhân nào có trách nhiệm trong vụ việc này. Hơn nữa khi ROS lên sàn và tăng mạnh nhưng không thấy có ý kiến nhận xét gì của thanh tra thị trường. Bộ phận thanh tra giám sát của HOSE và UBCK Nhà nước có thể truy cập vào các giao dịch hàng ngày, dữ liệu thị trường các đơn vị này phải biết. Việc một cổ phiếu liên tục tăng không ngừng, giới đầu tư cũng biết rằng cổ phiếu đang bị đẩy giá, nhưng cơ quan quản lý không có ý kiến, không biết thì đó là điều rất phi lý.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:
Dòng tiền thực tế không tăng
Tăng vốn ảo là việc tăng vốn thành công về mặt sổ sách, nhưng dòng tiền thực tế lại không tăng. Trên thị trường chứng khoán cũng cần vai trò, trách nhiệm giám sát cao hơn từ các cơ quan quản lý để phát hiện các DN có thay đổi đột biến về vốn, tài sản. Việc tăng vốn đúng vẫn cần phải kiểm tra, quản lý dòng tiền. DN có dấu hiệu nhận biết giao dịch vòng vèo cần phải thanh, kiểm tra ngay.
Luật sư Phạm Ba Đô – Đoàn luật sư TP Hà Nội:
Tiềm ẩn rủi ro cao
Việc DN tăng vốn ảo là một hành vi vi phạm pháp luật có thể dẫn tới rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, hoặc để chuẩn bị cho những hành vi vi phạm pháp luật khác, nghiêm trọng hơn, thậm chí là vi phạm hình sự. Khi DN tăng vốn ảo 1 lần thành công, sẽ tiếp tục có những lần tăng vốn tiếp nữa, các DN có số vốn ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả đối tác, khách hàng, cho cả môi trường kinh doanh chung.
T.Hằng (Ghi)
Tăng cường quản lý trên thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính vừa đưa ra chỉ thị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Theo đó, Bộ này yêu cầu UBCK và các sở giao dịch giám sát chặt các mã chứng khoán có thanh khoản lớn, diễn biến bất thường, tăng giảm liên tiếp, đột biến và giá trị cổ phiếu không phù hợp với tình hình kinh doanh của DN.
Việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết cũng cần được giám sát chặt và kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường. UBCK cũng được giao, phối hợp các đơn vị để xác minh và chỉ ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu tìm hiểu việc có hay không một số cá nhân, DN lợi dụng, cấu kết với công ty chứng khoán để thao túng, làm giá cổ phiếu cũng như tư vấn, lách luật phân phối trái phiếu DN riêng lẻ cho cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thời gian tới, theo Bộ Tài chính cần có bộ tiêu chí cảnh báo và tăng cường áp dụng công nghệ để cảnh báo sớm hoạt động bất thường của các tài khoản giao dịch, các nhóm tài khoản có dấu hiệu liên kết, cùng thời điểm liên tục mua vào bán ra tạo thanh khoản ảo, đẩy giá trục lợi…
Giới chuyên gia nhận định, việc kiểm soát này là cần thiết nhằm đảm bảo việc tăng vốn thực chất, hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, phải nâng cao chất lượng quản lý thị trường chứng khoán, chống hành vi nội gián, thao túng, gắn với phát triển công nghệ để thích hợp với quy mô phát triển của thị trường. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán và nhà đầu tư.
Một số cách thức tăng vốn ảo phổ biến
Tăng vốn ảo thường thành công với phương thức phát hành riêng lẻ và hoạt động đăng ký mua tất cả các cổ phiếu không phát hành hết cho nhà đầu tư. Ngoài ra còn thêm một chiêu nữa là niêm yết cửa sau.
Để tăng vốn ảo trên sàn chứng khoán, các lãnh đạo công ty làm giả giấy tờ góp vốn qua ngân hàng bằng cách đi mượn tiền và nhờ những người thân đứng tên trong danh sách cổ đông. Kèm với đó là làm giả giấy tờ giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty liên quan với nhau sau đó đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra còn có cách tăng vốn ảo thông qua các công ty liên quan tới ban lãnh đạo để mua cổ phần phát hành thêm bằng chính nguồn tiền đi vay của công ty dự định phát hành thêm.
Khoản tiền đi vào công ty thực chất là nhờ thế chấp tài sản của công ty mà chính là một khoản tiền vay, sau đó sẽ chuyển ra bên ngoài công ty dưới hình thức thanh toán tiền cho các công ty F2, F3, hoặc bằng việc ký kết các hợp đồng góp vốn, liên doanh, liên kết, sau đó trích lập để xóa sổ những khoản này, cuối cùng quay trở lại trả nợ vay ngân hàng.
Cả 2 cách tăng vốn là để làm giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bước tiếp theo là lập một loạt tài khoản chứng khoán giao cho một số thành viên ảo, tạo cầu ảo đưa các thông tin về dự án, kế hoạch kinh doanh, liên kết để có những báo cáo phân tích đánh giá khả quan nhằm thu hút nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mua theo.
H.HƯƠNG – Y.THANH
———
Đại đoàn kết (Kinh tế) 15-9-2022:
http://daidoanket.vn/he-luy-khon-luong-cua-tang-von-ao-5696674.html
(283/2.353)