(ĐCS) – Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%). Còn Moody’s đã nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2. Nhưng các tổ chức này tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP của Việt Nam một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia đồng hạng. Điều đó, đặt ra yêu cầu cầu hỗ trợ nền kinh tế phải đi đôi với thận trọng, bảo đảm chất lượng tín dụng.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Kinh tế phục hồi tốt phát sinh nhu cầu tăng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm tăng 9,95% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tại Diễn đàn “Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản” mới đây, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực cho rằng, có nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng. Đó là kinh tế phục hồi tốt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được Chính phủ chấn chỉnh lại nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm 4-5%, dồn nhu cầu đó sang phía ngân hàng một lần nữa. Lý do nữa khiến tín dụng tăng cũng là lý do quan trọng, tức là giải ngân đầu tư công chậm.
Trước nhu cầu vốn ngày càng cao trong mùa kinh doanh, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh bổ sung room tín dụng cho các ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng room tín dụng mới được cấp phần nào giải toả được cơn khát vốn, nhưng mức bổ sung lần này được cho là khá hạn chế, khó lòng đáp ứng hết nhu cầu vốn, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
- Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, điều cấp thiết và cần phải tập trung giải quyết trong giai đoạn tới là hấp thụ vốn chứ không phải áp lực nới room tín dụng. Nếu hấp thụ được vốn thì bơm vốn có hiệu quả, không hấp thụ được vốn mà bơm sẽ không hiệu quả.
“Điều cần làm bây giờ là phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Về vấn đề room tín dụng nóng lên, tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, TS Trần Đình Thiên cho rằng, áp lực vốn đổ lên khu vực vốn tư nhân như ngân hàng (vốn tín dụng) và trái phiếu, cổ phiếu. Trong khi ngân hàng vẫn cơ bản bảo đảm vốn ngắn hạn. Mà việc bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu. “Ngân hàng là người tính toán tổng thể, và họ phải tính toán rủi ro, doanh nghiệp cũng cần phải hiểu tình thế như vậy. Thời gian tới, cần thay đổi cấu trúc thị trường tiền tệ, thị trường vốn để đảm bảo cấu trúc này bớt rủi ro nhất”, TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm thận trọng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng khuyến nghị không nên tăng hạn mức tín dụng trong điều kiện hiện nay. “14% trong bối cảnh hiện nay là quá cao rồi. Nguồn vốn chính, vai trò tăng trưởng kinh tế không thể là gánh nặng của ngành ngân hàng, mà là của các bộ, ngành khác”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Còn TS Võ Trí Thành – Thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp. Nhìn dài hạn, vị chuyên gia này không nên đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng mãi ở mức 13-14%. Đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, đặc biệt từ năm 2020 (2021: 124% GDP), tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.
Giữ mức tăng trưởng hợp lý
Theo đánh giá của WB, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%). Mới đây ngày 6/9, mặc dù Moody’s (Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service) nâng mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, nhưng tiếp tục cảnh báo tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP và tỷ lệ tổng tài sản của ngân hàng trong nước/GDP đã tăng lần lượt lên 124% và 187% trong năm 2021, là một trong những tỷ lệ cao nhất trong số quốc gia đồng hạng. Chưa kể áp lực ngắn hạn đối với tỷ giá, lãi suất vấn đề tăng vốn của các NHTM không theo kịp quy mô tăng tín dụng…
Gần đây nhất, các tổ chức quốc tế (IMF, WB, Fitch Ratings, S&P) cảnh báo khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh; tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống và mất ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay để phát triển thị trường vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế phát triển bền vững theo TS. Thành đó là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để thúc đẩy thị trường trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
Ông Francois Phainchaud – Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện IMF tại Việt Nam cũng cảnh báo, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP của Việt Nam tăng cao, trong khi các vấn đề như tăng vốn lại chưa theo tiêu chuẩn khu vực, tiềm ẩn rủi ro. NHNN cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng đối với vấn đề này.
TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, room tín dụng tuy là công cụ hành chính nhưng trong bối cảnh này phù hợp với hệ thống ngân hàng. “Chỉ đến khi nào hệ thống ngân hàng được củng cố, tái cơ cấu ổn định mạnh mẽ. Có thể điều hành chính sách tiền tệ thông suốt không bị gãy ở những điểm thắt do yếu kém thì lúc đó mới có thể bỏ room”, TS. Ngân chia sẻ quan điểm.
Còn TS Trương Văn Phước cho rằng, trước mắt, duy trì room tín dụng là rất quan trọng. Không chỉ giữ ổn định hoạt động hệ thống, thời gian qua, nhờ định hướng dòng chảy tín dụng cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống. Thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Nếu ngân hàng cho vay ngành nghề nào rủi ro nhiều thì room phải thấp. “Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Đây là cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế nếu làm cho lạm phát thấp xuống, làm cho nguồn thu tăng lên”, TS. Phước gợi ý.
Các chuyên gia cho rằng, đến thời điểm này, tuy hệ thống ngân hàng đã có bước cải tổ mạnh mẽ, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nâng hạng tín nhiệm, nhưng sự phát triển đó vẫn chưa đồng đều, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng, toàn nền kinh tế nói chung. Hiện mặc dù đã có nhiều ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II, thậm chí có ngân hàng áp dụng một số quy định của Basel III; nhưng cũng có ngân hàng chưa áp dụng được chuẩn Basel II. Nếu để tự do, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các NHTM đều trên 20%. Nếu để tăng trưởng như kỳ vọng của ngân hàng thì rất dễ bị vượt qua khả năng quản trị của họ, mặt khác tạo áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, còn nguồn vốn trung – dài hạn sẽ do thị trường vốn đảm nhiệm. Tuy nhiên ở Việt Nam, thị trường vốn, thị trường chứng khoán chưa phát triển, thể hiện đúng vai trò, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế, bao gồm cả vốn trung – dài hạn vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng. Điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi mà nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn./.
Minh Phương
—————–
Đảng Cộng sản Việt Nam (Cùng bàn luận) 16-9-2022:
https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/can-duy-tri-room-tin-dung-de-kiem-soat-rui-ro-619557.html
(76/1.547)