3.248. Trúng đấu giá biển số xe nhưng không được chuyển nhượng: Liệu có hấp dẫn?

(VOVGT) – Thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô qua đấu giá là một trong các nội dung đáng chú ý được cho ý kiến tại kỳ họp chuyên đề của Thường vụ Quốc hội lần này. Nhiều ý kiến băn khoăn việc biển số trúng đấu giá không được chuyển nhượng, dẫn đến việc đấu giá có thể trở nên kém hấp dẫn.

Mục tiêu của việc thí điểm là nhằm tăng cường quản lý phương tiện và tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo cơ hội cho người dân được lựa chọn những biển số phù hợp.

Khi nghe thông tin về chương trình thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều người dân tỏ ra đồng tình và mong đợi:

“Tôi cũng mong muốn được đấu giá trực tiếp. Chứ đi bấm ngẫu nhiên rất khó và có tính chất tiêu cực sau đó, mình chẳng biết thế nào”.          

“Có cái đó cũng hay, mình mong muốn có biển theo ngày tháng năm sinh. Nếu chọn được như thế cũng rất là tốt”.

“Việc đấu giá biển số đẹp là điều cần thiết. Vì việc đấu giá mang lại tài chính cho đất nước. Khi mà họ đã bỏ tiền ra để mua sản phẩm đó giống như tài sản, họ thích cho ai thì là vấn đề ưu tiên dành cho họ”.

Anh Nguyễn Việt Hoàng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) có thú vui  sưu tập các số điện thoại, biển số xe “phong thủy” giúp kinh doanh phát đạt.

Theo đề xuất, mức giá khởi điểm đấu giá là 40 triệu đồng ở vùng 1 gồm  Hà Nội và Tp.HCM, và 20 triệu đồng ở các địa phương khác, người dân sẽ phải chi một số tiền không nhỏ để sở hữu biển số theo mong muốn, song lại không được toàn quyền định đoạt, sử dụng, điều này khiến anh Hoàng còn nhiều lăn tăn:

“Đấu giá thì đó phải là sản phẩm có giá trị, sản phẩm đó phải có giá trị chuyển nhượng, giá trị cho tặng và giá trị thừa kế. Một biển số có giá trị mà không được cho tặng, thừa kế thì không hợp lý lắm”.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, mục tiêu của chương trình thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là phục vụ cho công tác quản lý và đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, hạn chế tiêu cực trong cấp biển xe thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để thu hút người dân tham gia đấu giá biển số, thì quy định cần điều chỉnh:

“Quan trọng nhất là coi nó là tài sản lâu dài, gắn với con người, được mua bán, chuyển nhượng khi trúng đấu giá. Thứ hai, việc đấu giá mở rộng ra không chỉ cho những xe biển số mới mà cho tất cả các loại xe được phép gắn biển số được tham gia đấu giá. Chỉ có như vậy mới thực sự phát huy giá trị, ý nghĩa của việc đấu giá, mang lại giá trị cao”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội phân tích, hiện nay quản lý biển số xe đăng ký theo địa phương, nếu tập trung tất cả biển số đấu giá về Bộ Công an có thể gây ra sự không thống nhất về mặt quản lý và không phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản Luật dân sự:

“Đấu giá biển số không đúng với bản chất của quản lý tài sản công và đấu giá tài sản. Với tinh thần Quốc hội ra Nghị quyết để thực hiện việc đấu giá thì nên làm thí điểm và có lộ trình,  sau này sửa luật, đưa vào  Luật đấu giá tài sản khi điều kiện chín muồi”.

Nhiều quốc gia không coi biển số xe là tài sản, thủ tục đăng ký và xin cấp biển số theo yêu cầu rất dễ dàng, thuận tiện, giá cấp biển cũng không cao (Ảnh: DPRO)

Phát biểu trong cuộc họp mới đây, đại diện Bộ công an cho biết, theo dự thảo, người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác…

Ông Khương Kim Tạo – nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ủng hộ việc đấu giá biển số xe, và chỉ coi biển số xe là công cụ để quản lý. Cách làm này sẽ đơn giản hóa rất nhiều trong việc điều chỉnh, sửa các luật liên quan sau này:

“Biển số xe sinh ra để đăng ký, quản lý xe. Trên thế giới người ta không có khái niệm đấu giá biển số xe mà gọi là dịch vụ cung cấp biển số xe theo nhu cầu và có thu phí. Biển số xe không coi là tài sản và mua đi bán lại. Biển số xe gắn với con người, khi người ta chết sẽ bỏ đi”.

Nhiều quốc gia không coi biển số xe là tài sản, thủ tục đăng ký và xin cấp biển số theo yêu cầu rất dễ dàng, thuận tiện, giá cấp biển cũng không cao.

Đơn cử như tại bang Victoria, Úc, người dân có thể dễ dàng tự vào trang web của bang để lựa chọn những dãy số và ký tự mình yêu thích với giá chỉ khoảng 300-500 đô la Úc. Chỉ khi có nhiều người cùng thích một dãy số mới thực hiện việc đấu giá qua mạng với giá cao hơn.

Lợi ích kinh tế dù lớn, nhưng luôn đứng sau yêu cầu về tính chặt chẽ của công tác quản lý (Ảnh: Báo Giao thông)

Cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là cách thức nhiều quốc gia đang thực hiện. Trong bối cảnh, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số và cách thức này mang lại cơ hội cho nhiều người dân, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Vấn đề đặt ra cần xác định rõ ràng chức năng của biển số và các quyền lợi liên quan đến biển số trúng đấu giá. Đây cũng chính là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận: Biển số xe đẹp: tài sản hay công cụ quản lý?

Khi di chuyển trên đường, bắt gặp  những chiếc xe hơi hạng sang thường được gắn những biển số có dãy số ấn tượng như tứ quý, 6868, 12345,…Nhiều người không khỏi hoài nghi về sự trùng hợp ngẫu nhiên và tính minh bạch trong việc cấp và đăng ký biển số xe cơ giới ở một số nơi.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua mới đây và dự kiến trình Quốc hội vào kì họp thứ 4 đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân và cơ quan ban ngành.

Bởi nếu được thông qua, chính sách đấu giá biển số xe sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước, tạo sự tin tưởng về tính công khai, minh bạch trong cấp biển số xe thời gian tới.

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Điều 54, Luật giao thông đường bộ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số cho những xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo an toàn kĩ thuật.

Và như vậy, biển số xe được hiểu là là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý đối với các phương tiện giao thông xe cơ giới, đồng thời xác định quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân đối với phương tiện xe cơ giới.

Luật giao thông đường bộ cũng quy định, biển số xe không được xem là tài sản để thực hiện các giao dịch mua, bán dân sự.

Còn tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về cấp quyền sử dụng sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; xác định giá khởi điểm…

Vậy có cho phép mua bán chuyển nhượng biển số xe hoặc không, vẫn đang là câu hỏi lớn, mà các cơ quan quản lý nhà nước về phương tiện cần phải xác định rõ ràng.

Nếu cho phép người trúng đấu giá được quyền chuyển nhượng, cho tặng, mua bán biển số xe, việc hình thành các thị trường kinh doanh biển số ấn tượng là điều tất yếu xảy ra, nếu người mua bán thực hiện “chui”, thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Mặt khác việc quản lý phương tiện, người sở hữu phương tiện sẽ khó hơn.

Tuy vậy, nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích là có thật, và biển số hoàn toàn có thể là một tài nguyên nếu được đấu giá, được quản lý sử dụng phù hợp. Với điều kiện, các cơ quan ban ngành cần điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành cho đồng bộ, trên cơ sở đánh giá kỹ tác động.

Cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá mang tính chất đặc thù. Bởi vậy, để việc đấu giá vẫn thu hút được sự quan tâm của người dân thì  Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm các quyền lợi của người trúng đấu giá cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế.

Lựa chọn biển số xe thông qua đấu giá là giải pháp cần thiết, vừa đáp ứng mong mỏi của một bộ phận người dân vừa có thể giúp tăng thu ngân sách, lấy vốn để đầu tư nâng cấp các dự án hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, để đề xuất này đi vào thực tế, vấn đề mấu chốt là  các giải pháp kỹ thuật để sao cho yêu cầu về quản lý phương tiện, quản lý người lái gắn với biển số xe được chặt chẽ, qua đó đảm bảo TTATGT và trật tự xã hội, mà vẫn phát huy được giá trị của kho số gắn với biển số xe, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người dân về sở hữu các biển số yêu thích và gia tăng nguồn thu chính đáng cho ngân sách.

Lợi ích kinh tế dù lớn, nhưng luôn đứng sau yêu cầu về tính chặt chẽ của công tác quản lý.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình cụ thể, đưa ra các quy định rõ ràng và chỉ nên áp dụng thí điểm đối với ô tô. Sau khi thí điểm, các cơ quan chức năng đánh giá hiệu quả mô hình rồi mới cân nhắc khả năng nhân rộng dần, nếu phù hợp và kiểm soát tốt.

Hải Hà – Quách Đồng

—————–

VOV Giao thông (Sự việc) 25-9-2022:

https://vovgiaothong.vn/newsaudio/trung-dau-gia-bien-so-xe-nhung-khong-duoc-chuyen-nhuong-lieu-co-hap-dan-d29088.html

(145/2.225)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,031