3.249. Những câu hỏi trong vụ 3 ngân hàng bị lừa đảo gần 400 tỷ đồng.

(ZN) – Làm cách nào một cá nhân có thể huy động hàng trăm tỷ đồng? Vì sao nhân viên ngân hàng làm hợp đồng vay thế chấp nhưng không gặp chủ sở hữu tài sản vẫn giải ngân cho vay?

Trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần (VietABank, PVComBank, NCB) vừa được VKSND Hà Nội hoàn thành cáo trạng truy tố, cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhân viên ngân hàng và các cá nhân có liên quan.

Theo cáo trạng, ngoài đối tượng lừa đảo chính trong vụ án là Nguyễn Thị Hà Thành (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tùng (44 tuổi, Giám đốc Công ty Jeongho Landmark), vụ án còn có sự tham gia của 23 bị can khác. Trong đó có 4 cán bộ của ngân hàng NCB, 3 cán bộ của PVcomBank và 9 cán bộ của VietABank.

Làm sao 1 cá nhân có thể huy động hàng trăm tỷ?

Theo cơ quan điều tra, trong giai đoạn 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do bị thua lỗ và phải nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội để đáo hạn nợ ngân hàng.

Ban đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, đến tháng 6-11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn nên đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tiền từ NCB, PVComBank, VietABank và các cá nhân khác.

Thủ đoạn chính của đối tượng này là tìm kiếm người có tiền và rủ đầu tư chung vào một số dự án. Thành sau đó yêu cầu đối tác muốn làm ăn chung phải chứng minh năng lực tài chính bằng việc gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng với hình thức đồng sở hữu. Để tạo lòng tin với đối tác, Thành cũng góp một phần tiền vào khoản gửi tiết kiệm đồng sở hữu.

Với những người không đồng ý đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm, Thành đề nghị họ gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa cho Thành giữ sổ, còn người gửi chỉ cầm hợp đồng tiền gửi và các chứng từ khác.

Cùng một hành vi nhưng Nguyễn Thị Hà Thành đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: NVCC.

Để có tiền đối ứng trong các khoản tiền gửi tiết kiệm, Nguyễn Thị Hà Thành đi vay nặng lãi với lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày (tương đương 146%/năm).

Sau khi lừa được đối tác gửi tiết kiệm đồng sở hữu và cầm sổ tiết kiệm, đối tượng này sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Jeongho Landmark làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và dùng chính sổ tiết kiệm đồng sở hữu hoặc của đối tác làm tài sản thế chấp.

Trên các hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng, Nguyễn Thị Hà Thành giả chữ ký của người đồng sở hữu trên sổ tiết kiệm làm thủ tục vay vốn. Sau khi vay được tiền từ ngân hàng, Thành rút tiền ra, một phần trả gốc, lãi vay xã hội còn một phần dùng để chi tiêu cá nhân và tiếp tục các vụ lừa đảo tiếp theo.

Với thủ đoạn trên, Thành đã huy động thành công hàng trăm tỷ đồng từ các đối tác thông qua các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Các sổ tiết kiệm này sau đó được đối tượng dùng làm tài sản thế chấp để vay ngược lại tiền của ngân hàng.

Thông qua các khoản vay có tài sản thế chấp kể trên, Thành và đồng phạm đã chiếm đoạt 47,5 tỷ đồng tại NCB; 49,4 tỷ đồng tại PVcomBank và 273,9 tỷ đồng tại VietABank.

Không biết chữ ký của người thế chấp nhưng vẫn cho vay

Bên cạnh thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thị Hà Thành, trong vụ án lừa đảo nói trên còn có nhiều sai sót trong quy trình nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên ngân hàng.

Như tại VietABank, Hà Thành đã nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng quan hệ khách hàng cá nhân vay nóng để lấy lòng tin của đối tác và hứa trả lãi suất cao cho khoản vay trong ngày.

Nhân viên NCB khi làm hồ sơ vay vốn đã không gặp trực tiếp chủ sở hữu tài sản bảo đảm nên không biết chữ ký trên hợp đồng thế chấp là giả mạo. Ảnh: Hoàng Thắng.

Quỳnh Hương sau đó đã liên hệ với một số khách hàng cá nhân do mình quản lý để vay nóng giúp Thành. Nhiều trường hợp chưa vay được tiền, Hương vẫn nói với giao dịch viên, thủ quỹ lập và ký trước chứng từ mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu cho Thành hoặc người do Thành chỉ định.

Hợp đồng tiền gửi và chứng từ kèm theo của bộ hồ sơ tiền gửi được các đối tượng đưa cho người đồng sở hữu cầm, còn Thành cầm sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi người đồng sở hữu ra về, các đối tượng liền đề nghị lập lại các chứng từ mở sổ tiết kiệm với số tiền bằng số người đồng sở hữu mang gửi.

Trong hầu hết hợp đồng tín dụng để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, chữ ký trên các biên bản, hợp đồng đều do Thành và đồng phạm giả mạo, nhưng ngân hàng không phát hiện và vẫn đồng ý cho vay, giải ngân. Có trường hợp nhân viên ngân hàng phát hiện ra Thành giả mạo chữ ký nhưng vẫn chấp nhận làm hợp đồng tín dụng và cho vay.

Lãnh đạo một ngân hàng tư nhân tại Hà Nội cho biết trong nghiệp vụ cho vay cầm cố tài sản, nhân viên tín dụng phải gặp đúng người đứng tên tài sản thế chấp để xác minh thông tin và làm hợp đồng. Tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng thế chấp, nhân viên ngân hàng cũng phải có mặt. Tuy nhiên, trong các vụ lừa đảo trên, nhân viên tín dụng đều không gặp trực tiếp chủ sở hữu sổ tiết kiệm mà chỉ thông qua đối tượng lừa đảo nhưng vẫn trình phê duyệt cho vay và giải ngân.

Theo vị này, trong vụ việc nói trên, yếu tố nằm tại quy trình làm việc của các nhân viên, cán bộ ngân hàng.

Cụ thể, quy định cho vay cầm cố tài sản của các ngân hàng hiện nay bao gồm nhiều bước và có yêu cầu cụ thể với từng bước, từ thẩm định năng lực tài chính người vay, định giá tài sản đảm bảo. Nhân viên tín dụng sau đó mới làm đề xuất cho vay trình cấp quản lý. Sau khi được cấp quản lý phê duyệt mới làm hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng bàn giao tài sản…

Tuy nhiên, trong các trường hợp trên, nhân viên, cán bộ ngân hàng đã bỏ qua các bước quan trọng trong một giao dịch cho vay là đánh giá năng lực tài chính người vay và thẩm định tài sản thế chấp.

“Yếu tố con người rất quan trọng với ngân hàng, nếu một nhóm người chủ đích làm sai để trục lợi thì rất khó để phát hiện. Chỉ khi khách hàng, ngân hàng mất tiền, sự việc với vỡ lở”, ông chia sẻ thêm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng những rủi ro xuất phát từ nhân viên ngân hàng là những rủi ro không đáng có và có thể khắc phục được trong hoạt động ngân hàng. Theo vị chuyên gia, nghiệp vụ tín dụng ngân hàng hiện nay có đầy đủ quy định để khống chế rủi ro nhưng người thực hiện các quy định đó lại cố tình làm sai.

Việc lừa đảo, giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tiền của ngân hàng sẽ không thể thực hiện nếu nhân viên ngân hàng đảm bảo 4 yếu tố, gặp đúng chủ tài sản, đúng chữ ký, đúng tài sản (hợp lệ, hợp pháp) và đúng giấy tờ tùy thân của chủ sở hữu tài sản.

 

Nhân viên ngân hàng tiếp tay cho tội phạm

Cũng trong vụ án lừa đảo tại 3 ngân hàng nói trên, một số trường hợp nhân viên ngân hàng đã phát hiện ra việc làm sai của Nguyễn Thị Hà Thành nhưng vẫn không tố giác, cố tình tiếp tay cho tội phạm để trục lợi cá nhân.

Như tại VietABank, nhân viên ngân hàng Nguyễn Thị Thu Hương phát hiện Thành làm giả chữ ký người đồng sở hữu để làm hồ sơ vay vốn, nhưng không tố cáo với cơ quan chức năng mà còn giới thiệu Thành gặp Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1992, nhân viên ngân hàng PVcomBank) để Thành tiếp tục lừa đảo.

VietABank là nhà băng chịu thiệt hại nhiều nhất trong vụ án lừa đảo có liên quan Nguyễn Thị Hà Thành nói trên. Ảnh: Bá Chiêm.

Tại PVComBank, trong quá trình phê duyệt hồ sơ vay vốn, Đỗ Minh Đức, Giám đốc phát triển khách hàng – Trung tâm phát triển khách hàng Doanh nghiệp Miền Bắc đã được cấp dưới báo cáo việc không gặp trực tiếp chủ sở hữu đứng tên trên sổ tiết kiệm nhưng vẫn ký duyệt cấp tín dụng.

Tương tự, Nguyễn Hồng Trung, chuyên viên cao cấp Quan hệ khách của NCB khi thu thập, thẩm định hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đã không gặp khách hàng vay, không gặp chủ sở hữu tài sản bảo đảm và các bên liên quan.

Nhân viên này cũng không thẩm định chủ sở hữu có đồng ý dùng tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay của người khác hay không, không chứng kiến chủ sở hữu tài sản ký biên bản thế chấp nên không phát hiện chữ ký bị giả mạo, không biết đối tác bên vay vốn đã chấm dứt hoạt động.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, xét trong tình huống của vụ lừa đảo nói trên, việc khách hàng mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu không thể dẫn tới việc mất tiền trong sổ tiết kiệm. Lý do mất ở đây vì nhân viên ngân hàng với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho ngân hàng nhưng lại làm việc thiếu nguyên tắc.

Vị luật sư cho rằng nếu các nhân viên, cán bộ ngân hàng làm đúng quy trình thủ tục trong hoạt động cho vay có tài sản thế chấp gồm các bước đánh giá năng lực bên vay, thẩm định tài sản, làm việc với chủ sở hữu tài sản… đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành dù giả mạo chữ ký cũng không thể lừa đảo được tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, do nhân viên ngân hàng cố tình bỏ qua các bước, quy trình trong hoạt động tín dụng mà cụ thể là không gặp mặt trực tiếp chủ sở hữu tài sản nên dẫn đến việc cho đối tượng lừa đảo vay tiền.

 

Quang Thắng

——–

Zing (Tài chính) 29-01-2021:

https://zingnews.vn/nhung-cau-hoi-trong-vu-3-ngan-hang-bi-lua-dao-gan-400-ty-dong-post1176865.html

 

(184/1.942)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,575