6 năm làm tư vấn viên, hiếm lắm mới có người đòi bồi thường bảo hiểm xe máy
(LĐ) – Đa phần tai nạn xe máy thiệt hại nhỏ, hai bên tự thương lượng, giải quyết với nhau. Trong khi việc làm thủ tục bồi thường theo bảo hiểm xe máy bắt buộc tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức đi lại nên chủ phương tiện thường bỏ qua, nên rất ít khách hàng đòi bồi thường.
Hiếm lắm mới có người đòi bồi thường
Anh Nguyễn Thường (TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá) là nhân viên bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm lớn, có chi nhánh ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội).
Năm 2016, sau khi ra trường, anh trở thành nhân viên tư vấn bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xe máy bắt buộc. Mấy năm gần đây, anh cho biết, bán được bảo hiểm xe máy với số lượng khá lớn.
“Mỗi lần đến các đợt tổng kiểm soát phương tiện, bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự dành cho xe máy “đắt như tôm tươi”, có ngày tôi bán được từ 100-200 chiếc, giá 50.000 đồng mỗi chiếc”, anh Thường cho hay.
Tuy nhiên, trong 6 năm làm nghề, anh Thường chưa gặp trường hợp nào yêu cầu bồi thường bảo hiểm xe máy hoặc hiếm lắm mới có một vài người đòi bồi thường. Bởi anh cho biết, đa phần tai nạn xe máy thiệt hại nhỏ, hai bên tự thương lượng, giải quyết với nhau.
Trong khi, việc làm thủ tục bồi thường tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức đi lại nên chủ phương tiện thường bỏ qua.
Theo anh Thường, chỉ những vụ tai nạn gây tử vong, thương tật nặng hoặc thiệt hại từ vài chục triệu đồng trở lên, người dân mới yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường.
“Giá bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ vài chục nghìn/năm nhưng hạn mức thanh toán bảo hiểm lên đến 100 triệu đồng.
Như vậy, tỉ lệ vụ tai nạn cần bồi thường phải rất nhỏ thì mới đảm bảo được sự tồn tại của doanh nghiệp” – anh Thường nhận định.
Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 7.010 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,8%, bồi thường 3.386 tỉ đồng, tỷ lệ bồi thường 48,3%.
Số liệu từ IAV cho thấy, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.356 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 7%, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; mức bồi thường đạt 346 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 14,7%.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe môtô (hay còn gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) đạt hơn 545,4 tỉ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là hơn 11,8 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 2,2%.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỉ lệ bồi thường thấp là điều đáng mừng, song với nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm xe cơ giới nói chung, xe máy nói riêng thì lại nói lên nhiều điều, bởi có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ này thấp.
Đó là việc thủ tục đòi bồi thường còn rườm rà, trong khi số tiền bồi thường không cao như kỳ vọng khiến chủ xe, người tham gia bảo hiểm e ngại.
Ngoài ra, một lý do nữa được cho là trong quá trình hướng dẫn hồ sơ bồi thường cho khách hàng, nhân viên của công ty bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định; hoặc có thể do chủ xe, người tham gia bảo hiểm không nắm rõ quy định để đi đòi bồi thường…
Quá nhiều thủ tục nhiêu khê
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, khi tai nạn xảy ra, việc chủ phương tiện nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm gặp nhiều khó khăn hoặc tỉ lệ chi trả thấp.
Trong đó, thủ tục kê khai nhận tiền bồi thường đòi hỏi quá nhiều loại giấy tờ, chủ phương tiện chịu thiệt hại nhỏ dễ nản vì công sức, chi phí bỏ ra có thể vượt số tiền được hưởng. Còn thiệt hại lớn, tỷ lệ chi trả cũng bị giảm bớt.
Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với chủ xe cơ giới, người bị thiệt hại, cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác để thu thập các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông để lập hồ sơ bồi thường.
Hồ sơ bồi thường bao gồm tài liệu liên quan đến xe, lái xe; tài liệu chứng minh về người, tùy theo mức độ thiệt hại về người; tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản; các giấy tờ chứng minh chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, cần có bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn. Nếu không có và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng, hồ sơ bồi thường phải có thêm biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe cơ giới có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi xảy ra tai nạn.
Ngoài ra, cần có biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền lập và các tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có).
Trong thời hạn 15 ngày từ khi nhận được hồ sơ hoặc trong 30 ngày nếu phải tiến hành xác minh hồ sơ, doanh nghiệp phải thanh toán bồi thường cho chủ xe. Thời hạn yêu cầu bồi thường là 1 năm, kể từ ngày xảy ra tai nạn.
Trong khi đó, muốn nhận được bảo hiểm, chủ xe phải gửi thông báo bằng văn bản và tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường tới doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày từ ngày xảy ra tai nạn.
Anh Tuấn
—————–
Lao động (Xe) 06-10-2022:
(93/1.160)