(ĐT) – Bị chặn cửa bán trái phiếu “chui” qua hình thức hợp tác đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tìm cách khác để huy động vốn với lãi suất cao. Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn mập mờ bán trái phiếu với hình thức gửi tiết kiệm.
Nhiều ngân hàng vẫn tìm cách bán trái phiếu cho khách gửi tiền bằng việc mập mờ thông tin. Ảnh: Đức Thanh |
Ngân hàng vẫn mập mờ chào bán trái phiếu
Hành vi bán trái phiếu doanh nghiệp “chui”, phù phép nhà đầu tư không chuyên thành nhà đầu tư chuyên nghiệp đã giảm hẳn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) được ban hành. Tuy vậy, trên thị trường, việc ngân hàng mập mờ chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng vẫn diễn ra.
Chị L.N (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, cách đây hơn 1 tháng, chị đến phòng giao dịch ngân hàng B. (một ngân hàng nhỏ có trụ sở chính tại TP.HCM), trên địa bàn TP. Vinh để gửi tiết kiệm cho bố mẹ già đã trên 80 tuổi. Khi đó, nhân viên giao dịch của ngân hàng này bảo chị ngồi đợi và sẽ giúp chị gửi tiền với lãi suất cao nhất, tới 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.
Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất cơ bản, mức lãi suất 8,6% là rất hấp dẫn nên chị L.N đồng ý ngồi chờ nhân viên ngân hàng làm thủ tục. Sau đó, nhân viên ngân hàng đưa giấy tờ cho chị L.N ký và đưa giấy hẹn bảo hôm khác quay lại hoàn tất thủ tục.
Lúc này, chị L.N chất vấn tại sao gửi tiết kiệm không giao sổ ngay như các ngân hàng khác, mà lại cầm giấy hẹn, thì được giao dịch viên thông báo đây là trái phiếu, khi nào có giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu về thì mới gửi khách. Vốn không hiểu biết về các sản phẩm tài chính, chị L.N cho rằng, đây cũng là một hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng nên yên tâm ra về.
Gần 1 tháng sau, khi không thấy ngân hàng liên hệ, chị L.N đến ngân hàng đòi thì mới được giao dịch viên trao cho Giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, trên đó ghi kỳ hạn 7 năm. Lúc này chị L.N ngã ngửa vì với người già và nhiều bệnh nền như bố mẹ chị, 7 năm là thời gian quá dài. Mặc dù nhân viên ngân hàng trấn an là sau 18 tháng, ngân hàng sẽ mua lại toàn bộ gốc và trả lãi cho khách, song chị L.N vẫn bức xúc vì cảm giác bị lừa.
Không chỉ nhân viên ngân hàng B., mà nhân viên một số ngân hàng cũng chào mời khách hàng sản phẩm “tiền gửi trái phiếu với lãi suất cao, kỳ hạn linh hoạt, có thể tất toán trước hạn”.
Theo quy định hiện hành, với trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư phải có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp và phải ký văn bản xác nhận đã hiểu và chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì mới được mua. Tuy nhiên, không có giới hạn nào với việc mua bán trái phiếu phát hành ra công chúng.
Mặc dù trái phiếu phát hành ra công chúng có độ an toàn cao, song việc nhân viên giao dịch của ngân hàng mập mờ khi chào bán vẫn gây bức xúc cho khách hàng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thời gian qua, nhiều ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm. Do kiến thức tài chính hạn chế, nhiều người khi đi gửi tiền đã đặt bút ký hợp đồng mua trái phiếu vì nhầm tưởng đây là một hình thức gửi tiết kiệm.
Doanh nghiệp lách cửa huy động vốn với lãi suất tăng vọt
Hiện nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp chào bán trên thị trường đa phần là trái phiếu riêng lẻ. Sau khi Nghị định 65 ra đời, hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng, các doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp 2 năm qua đối mặt với áp lực đáo hạn lớn, trong khi rất khó huy động trái phiếu mới để đảo nợ. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách lách cửa huy động vốn.
Chị Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mới đây, chị được nhân viên Công ty A. Group mời mua “sản phẩm tài chính tiết kiệm” với lãi suất lên tới 13%/năm. Trước đó, đầu năm nay, nhân viên công ty này cũng liên tục mời chào chị mua trái phiếu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, công ty này từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phạt vì bán trái phiếu chui và từng quảng cáo mô hình đầu tư mới với lợi nhuận lên tới 300% trong vòng đời dự án 3-5 năm. Từ tháng 7/2022, ứng dụng chào bán trái phiếu của công ty này đã được thông báo chuyển sang ứng dụng A. Finance và quảng cáo là ứng dụng tích lũy đầu tư và quản lý tài sản.
Tại ứng dụng trên, Công ty A. Group đang mời nhà đầu tư gửi tiền đầu tư theo nhiều gói sản phẩm đầu tư tiết kiệm, lãi suất cao, rút linh hoạt. Mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mà công ty này áp dụng lên tới 13%/năm và lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tới 12%/năm, kỳ hạn trả lãi hàng tuần và khách hàng có thể rút gốc trước hạn bất kỳ thời điểm nào.
Dù quảng cáo là sản phẩm tiết kiệm, song nhà đầu tư sẽ được ký hợp đồng cho vay vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư. Nhân viên công ty này quảng cáo, so với hình thức mua trái phiếu thì hình thức đầu tư cho doanh nghiệp vay có lợi thế là có thể đầu tư bất kỳ thời điểm nào với bất kỳ số tiền nào, không phụ thuộc vào các đợt phát hành cũng như mệnh giá trái phiếu, không đòi hỏi chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp…
Mặc dù vậy, khi được hỏi các tài sản đảm bảo khoản vay, nhân viên chỉ đưa uy tín doanh nghiệp ra để đảm bảo.
Không chỉ Công ty A.Group, mà theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn phát hành trái phiếu rầm rộ thời gian qua cũng đang chọn cách huy động vốn thông qua hình thức hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn.
Mới đây, Tập đoàn S. vừa công bố mức lãi suất (lợi nhuận) áp dụng từ 10/10/2022 cho các khoản tiền gửi theo hợp đồng hợp tác là 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, hơn 9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và cao nhất lên tới hơn 11%/năm.
“Với hình thức gửi tiền này, nhà đầu tư không cần phải có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể gửi tiền từ 1 triệu đồng, thậm chí có thể được hoa hồng nếu giới thiệu thêm khách hàng. Khách hàng có thể yên tâm về tài sản của mình vì sẽ có thư bảo lãnh từ Tổng giám đốc Tập đoàn, cam kết sẽ trả gốc cho khách hàng trong mọi trường hợp”, nhân viên tập đoàn này khẳng định.
Được biết, tập đoàn này chuẩn bị đáo hạn 3.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp ngay trong quý IV/2022, không loại trừ việc huy động vốn vay nhằm mục đích đáo hạn trái phiếu. Trong hai năm qua, tập đoàn này đã phát hành hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu.
Việc doanh nghiệp “né” trái phiếu để đưa ra các hình thức huy động vốn lãi suất cao khác, khi Nghị định 65 thắt chặt điều kiện mua bán trái phiếu đã được các chuyên gia cảnh báo trước đó.
Nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư
Vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã cho nhà đầu tư thấy khác biệt rõ rệt của đầu tư trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng. Với SCB, ngay sau khi tin đồn lan truyền, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, rằng quyền lợi người gửi tiền được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. SCB đã ổn định tình hình trở lại trong vòng một tuần.
Trong khi đó, với trái phiếu An Đông (thuộc Vạn Thịnh Phát) cũng như Tân Hoàng Minh trước đó, việc giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư không thể một sớm một chiều.
Với các hình thức mang tiền cho doanh nghiệp vay bằng hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn, rủi ro càng cao hơn nhiều. Theo luật sư Trương Thanh Đức, hình thức ủy thác đầu tư, cho doanh nghiệp vay vốn không vi phạm pháp luật, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Hình thức đầu tư này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, song nhà đầu tư cũng phải xác định bị mất trắng nếu doanh nghiệp phá sản.
Ngay cả với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings, thời gian tới có thể sẽ có thêm một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.
Chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành và họ đều cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu, Bộ sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, thực tế vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, nguy cơ nhà đầu tư “đòi được vạ thì má đã sưng”. Nhiều lô trái phiếu mà tập đoàn này phát hành không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, không kèm chứng quyền.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện khoảng 455.000 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn đang trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc nợ xấu trái phiếu xảy ra là khó tránh, nhà đầu tư phải nhận thức được rằng, đây là kênh đầu tư rủi ro hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, thậm chí có nguy cơ mất trắng.
Tất nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng hàng đầu với doanh nghiệp, sự kiện Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát đều là động thái làm sạch thị trường vốn. Quan trọng hơn, sau các sự cố này, nhận thức của nhà đầu tư về các kênh đầu tư sẽ được nâng cao. Nhà đầu tư muốn rót vốn vào bất kỳ kênh đầu tư nào cũng phải nâng cao hiểu biết của mình, kể cả kênh gửi tiết kiệm (để không bị nhầm lẫn mua bảo hiểm, mua trái phiếu…).
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần được sự chia sẻ và đồng hành tiếp tục của tất cả thành viên thị trường và một sự can thiệp “vừa đủ” với các biện pháp cụ thể và rõ ràng hơn. Khi đó, vấn đề lùm xùm của trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giải quyết, hoặc ít nhất là giảm những tác động dây chuyền, hướng đến giải pháp “win-win” cho tất cả các bên.
Thuỳ Liên
————-
Đầu tư (Ngân hàng) 18-10-2022:
https://baodautu.vn/ngan-hang-map-mo-ban-trai-phieu-doanh-nghiep-lach-cua-huy-dong-von-d175561.html
(172/2.061)
#trái phiếu