3.271. Tranh cãi về Pi Network bao giờ kết thúc?

(DV) – Cùng với sự bùng nổ của Pi Network thì những tranh cãi xung quanh việc Pi Network có phải một dự án lừa đảo hay không, người chơi được, mất gì khi đào Pi cũng rất sôi động.

Như Dân Việt đã đề cập trong bài “Ôm” mộng đổi đời, người Việt “phát sốt” vì Pi Network, Pi Network đang trở thành “hiện tượng” trong cộng đồng tiền điện tử/blockchain, và dư luận xã hội. Có thể bắt gặp các lời mời gọi “đào Pi” trên khắp các mặt trận online, từ Facebook, Zalo, Tiktok, Telegram, Youtube,… Sự sôi động của Pi Network đều xuất phát từ hy vọng đổi đời nhờ của những người tham gia đào Pi.

Bùng nổ tranh cãi về Pi Network

Trên trang Facebook cá nhân, TS Đặng Minh Tuấn – Phó Chủ tịch CLB FinTech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) cho biết, Pi Network có nhiều dấu hiệu của một dự án lừa đảo, đó là quá trình đào, private key và mainnet.

“Đến thời điểm này, đào Pi là một quá trình hết sức mờ ám, bởi đào là một quá trình để xác thực các giao dịch mà chưa có sổ cái/blockchain, chưa có giao dịch thì đào xác thực cái gì. Ngay cả cái xác thực dựa trên vòng tròn tin tưởng cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó”, TS Đặng Minh Tuấn viết.

Chia sẻ về Pi Network của TS Đặng Minh Tuấn

Thứ hai, công nghệ blockchain là công nghệ đòi hỏi sử dụng các khóa riêng tư private key để xác thực nhưng “có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví, sau này làm sao chuyển tiền hay tiêu tiền được, tiền mã hóa bao giờ cũng phải có private key mới tiêu được”, TS Tuấn nhấn mạnh. Đây cũng là điểm khác biệt với các loại ví điện tử như Môm/zalopay vì những ví này không phải dựa trên blockchain.

Quan trọng nhất, Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung. Một khi được lưu trên server, người quản trị có toàn quyền thay đổi, tạo ra bao nhiêu tùy thích.

Về bài toán được gì và mất gì ở thời điểm hiện tại, TS. Tuấn cho biết: Cái được đối với người tham gia dự án này là ước mơ sẽ giàu lên một ngày nào đó khi đồng Pi trở thành “đồng Bitcoin thứ 2”. Nhưng cái mất chắc chắn sẽ “mất thông tin cá nhân, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy, mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là vòng tròn tin tưởng khá giống đa cấp”.

 

Bùng nổ tranh cãi về Pi Network

Trái ngược với sự thận trọng của vị chuyên gia trên, đa số người chơi Pi theo tìm hiểu của phóng viên đều có chung một tâm lý là “miễn phí mà, không mất gì”.

Quả thật, hiện tại người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua KYC (định danh khách hàng) và họ chấp nhận rủi ro khi cung cấp thông tin người dùng. Bởi thực tế, những thông tin cá nhân cơ bản cũng đã cung cấp cho nhiều mạng xã hội và ứng dụng khác chứ không riêng Pi Network.

Anh N.P.T (Hà Nội) bày tỏ: “Pi Network đang trong giai đoạn phát triển mà chuyên gia tại Việt Nam là những người hiểu biết lại cứ nói Pi Network scam, lấy thông tin cá nhân. Tôi nói luôn ngay cả Zalo pay, Facebook, tiktok, các nhà viễn thông, các ngân hàng, Momo,… cũng đều lấy thông tin danh tính về khách hàng từ rất lâu rồi. Tất nhiên nếu có cảnh báo thì chỉ nên dừng lại ở câu chuyện cảnh báo mà thôi”, anh P. phản biện.

Đồng quan điểm, người chơi N.V.T (Hà Nội) cũng cho biết, khi tham gia “đào Pi” anh chỉ phải trải qua các bước xác minh đơn giản như tên, số điện thoại, email,… “Nếu nói đó là rủi ro thì tôi nghĩ là chưa chính xác vì hiện nay tất cả các ứng dụng hiện nay từ google, facebook,… đều có thể làm điều tương tự mà thôi. Còn việc đó có phải là dự án lừa đảo hay không thì cá nhân tôi nhìn nhận, có thể nó là dự án lừa đảo nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa”, anh T cho hay.

Anh T cũng chia sẻ thêm, ngày xưa khi đồng Bitcoin xuất hiện, các chuyên gia cũng đưa ra rất nhiều nhận định “hùng hổ” buộc tội Bitcoin, và các loại tiền điện tử có tố chất là một dạng tiền ảo, tiền ma. Vì sợ rủi ro, nên đã để mất cơ hội với Bitcoin. Bây giờ với đồng Pi cũng vậy. “Dù có cảnh báo, tôi vẫn quyết định thử xem sao. Nếu sau này trở thành “đồng Bitcoin thứ 2″ thì tốt”, người chơi này chia sẻ.

 

Bao giờ kết thúc?

Dưới góc nhìn của mình, Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, về pháp luật chỉ đến khi sự việc vỡ nợ xảy ra, không thanh toán được, thất thoát hay chiếm đoạt tài sản,… gây thiệt hại cho nhiều người mới có thể kết luận dự án này hay dự án kia có phải là lừa đảo hay không?

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, thông tin là tài sản quý giá, dữ liệu chính là tiền. Chúng ta đã có rất nhiều bài học liên quan đến các thông tin cá nhân bị lộ khiến cho tài sản “không cánh mà bay”. Trên thực tế cũng đã xảy ra nhiều nạn lừa đảo, tin tặc từ việc bị lộ dữ liệu cá nhân. Hơn nữa, dữ liệu được thu thập có thể bị bán cho bên khác mà không ai hay biết, và họ thể sử dụng dữ liệu đó cho những hành vi phạm pháp.

Đề cập về các đồng tiền điện tử hiện nay, vị luật sư này thừa nhận, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hành lang pháp lý với tiền ảo còn rất mơ hồ. Hiện nay, pháp luật không cấm mua bán tiền ảo, nhưng dùng tiền ảo để thanh toán thì không được phép.

“Đa số đồng tiền ảo đều đánh vào lòng tham, ham muốn làm giàu nhanh chóng của con người. Chỉ khi mất tiền, bị thiệt hại thì có thể người tham gia mới dừng lại”, ông Đức nói.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng thừa nhận, thị trường tiền ảo là thị trường vô cùng khó đoán và không có gì ràng buộc.

Riêng đối với Pi Network, đây là một dự án chưa rõ ràng về lợi ích, còn nhiều dấu hỏi lớn trong cách vận hành. Tuy nhiên, Pi Network có phải là dự án lừa đảo hay không, và Pi có lên sàn thành công, trở thành “Bitcoin thứ hai” hay không, có lẽ chỉ thời gian mới cho người tham gia câu trả lời chính xác. Từ giờ đến khi đó, những tranh cãi về đồng tiền này vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, ngay cả với đồng Bitcoin từ từ một đồng tiền vô giá trị như đồng Pi hiện tại, đến nay đã lên tới hơn 50.000 USD/BTC, nhưng giá trị và tương lai thật sự của Bitcoin vẫn là điều gây tranh cãi từ nhà đầu tư cho đến chuyên gia, chính trị gia.

“Có lẽ còn quá sớm để khẳng định Pi Network có phải mô hình lừa đảo hay không? Hay được gì và mất gì từ Pi Network vẫn là câu hỏi ngỏ, nhưng đối với người tham gia vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Những cảnh báo trên thị trường có thể chưa đúng ở thời điểm hiện tại nhưng lại “trúng” trong tương lai. Tất nhiên đầu tư muốn sinh lời phải có mạo hiểm, nhưng cũng đừng để lòng tham làm giàu nhanh, dễ dàng làm lu mờ sự sáng suốt, gây ra những rủi ro đáng tiếc”, vị chuyên gia này khuyến cáo.

 H.Anh. 

———-

Dân Việt (Kinh tế) 27-02-2021:

https://danviet.vn/tranh-cai-ve-pi-network-bao-gio-ket-thuc-2021022613134907.htm

 (252/1.436)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,550