3.273. Công ty tài chính “đau đầu” giải quyết bài toán bị đánh đồng với hoạt động tín dụng đen

(KTVN) – Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính  hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc…

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 18/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức hội thảo: “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận rằng sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới. Thực tế này cũng đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép cho 16 công ty tài chính  hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của khối các công ty tài chính là 240.348 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với thời điểm cuối năm 2021. Vốn điều lệ của các công ty tài chính là 31.235 tỷ đồng, tăng 3,54% so với thời điểm cuối năm 2021, trong đó Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng có mức vốn điều lệ cao nhất là 10.928 tỷ đồng.

“Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Tú nhấn mạnh.

Đáng chú ý, mặc dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, nhưng hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Bởi lẽ, một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)… tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Thậm chí, ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, cho hay gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Đồng thời, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

“Bất kỳ tổ chức nào không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà sử dụng cụm
từ “công ty tài chính” “hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức
danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng” là vi phạm quy định tại Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức
tín dụng”.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

“Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước”, ông Phương nói.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám Đốc FE Credit, thực trạng các công ty tài chính bị hiểu nhầm là tín dụng đen đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

“Nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ gian lận, nhân viên công ty cũng không thể liên hệ để xác minh, xử lý khiếu nại cho khách hàng vì khách hàng cho rằng đó là các cuộc gọi lừa đảo. Vì vậy, công ty đang rất loay hoay để giải quyết bài toán này”, ông Phúc chia sẻ.

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho hay, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chính đáng, hợp pháp của người dân, góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, một mặt Ngân hàng Nhà nước đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng phát triển mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh.

Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về lợi ích tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất, cũng như giúp họ thấy được các hệ lụy, hậu quả của “tín dụng đen”.

Trong 05 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, trong đó cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22,22% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021.

Cũng tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257,6 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021; trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021.

Đào Vũ

————

Tạp chí Kinh tế VN (Ngân hàng) 18-10-2022:

https://vneconomy.vn/cong-ty-tai-chinh-dau-dau-giai-quyet-bai-toan-bi-danh-dong-voi-hoat-dong-tin-dung-den.htm

(122/1.420)

#tài chính

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,834