3.274. Cảnh giác với những công ty tài chính mạo danh tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính”

(CL) – Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Tài chính tiêu dùng phát triển góp phần đầy lùi tín dụng đen

Tại Hội thảo “Tài chính Tiêu dùng – Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế” tổ chức hôm nay (18/10), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – ông Đào Minh Tú cho biết: Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã khẳng định được vai trò, hiệu quả, đã tiếp cận đến các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Nguyễn.

Đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này. Qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế và công bằng xã hội.

Theo thông tin từ Trung Tá Đỗ Minh Phương- Phó trưởng Phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, nhờ những biện pháp đấu tranh và ngăn chặn, hoạt động “tín dụng đen” đã giảm bớt.

Nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)…

Chúng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật). Lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay.

Các đối tượng tín dụng đen có xu hướng chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường không gian mạng, số tiền giao dịch lớn hơn rất nhiều so với các thủ đoạn phạm tội truyền thống.

Tín dụng tiêu dùng chính thống phát triển, công ty tài chính mạo danh xuất hiện

Thông tin từ hội thảo cho thấy, trong những năm qua, sự bùng nổ hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội, mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và “tín dụng đen”.

Ở Việt Nam đã có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc.

Tuy nhiên xã hội đang có sự nhầm lẫn giữa các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép với các công ty tài chính khác, và đã có cả những công ty tài chính mạo danh tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

“Điển hình trắng trợn là hồi tháng 6-2022, vụ án Tổng giám đốc “Công ty CP tài chính HSBC Việt Nam” mạo danh Ngân hàng HSBC, đã bị khởi tố vì tội lừa đảo: 99% bị nhầm vì cái tên này”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết.

Hay điển hình rất tội nghiệp là ngay tại thời điểm này, xảy ra 1 vụ án cho vay lãi nặng tại Lào Cai, mà chủ công ty cho vay thì đã trốn về Trung Quốc, còn lại các cháu gọi điện nhắc nợ bị khởi tố chịu tội thay: 99% các cháu làm công ăn lương này không thể biết rằng mình phạm tội, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.

Các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác.

Vì vậy, người dân và công luận cần hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa các công ty tài chính là các tổ chức tín dụng hoạt động theo các quy định pháp luật về ngân hàng với các loại hình công ty tài chính không phải là tổ chức tín dụng, các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng cho vay, các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ…

Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép và hoạt động “tín dụng đen” đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC cho biết thêm nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.

Một số các công ty tài chính phát biểu tai Hội thảo cũng chia sẻ các các công ty cũng đang gặp khá nhiều khó khăn và những vướng mắc cần gỡ từ cả góc độ quy định pháp lý, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý và nhận thức, sự ủng hộ của người dân.

Mong muốn đầu tiên là hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.

Bên cạnh đó, các cơ quan đoàn thể, truyền thông đại chúng, tích cực vận động tuyên truyền về các cơ chế, chính sách tín dụng đến người dân, để người dân hiểu và lựa chọn các kênh cung cấp tín dụng chính thức, nhất là những người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn.

Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo: Người dân chỉ nên vay vốn ở các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép: gồm các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách, Quỹ tín dụng Nhân dân, các tổ chức tín dụng vi mô & 16 công ty tài chính đã được ghi nhận trên trang web của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu vay vốn của tổ chức không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì phải hết sức thận trọng trước nguy cơ lãi suất ngất ngưởng (được thể hiện dưới nhiều khoản thu khác nhau) và sức ép đòi nợ vô cùng căng thẳng, thậm chí như bị khủng bố.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng ngày càng tăng trong tổng dư nợ nền kinh tế, từ 8,17% năm 2010 lên xấp xỉ 20% cuối năm 2021 và ước trên 21% cuối năm 2022, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen theo chủ trương của Chính phủ.

Hà Nguyễn

—————–

Công luận (Kinh tế) 18-10-2022:

https://www.congluan.vn/canh-giac-voi-nhung-cong-ty-tai-chinh-mao-danh-tu-dat-ten-map-mo-la-cong-ty-tai-chinh-post218467.html

(317/1.387)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,666