(VOV GT) – Xuất phát từ khía cạnh lịch sử, các ngân hàng thương mại ra đời và chiếm lĩnh thị trường trước khi các công ty tài chính tiêu dùng xuất hiện.
Ảnh minh họa
Chỉ dấu để nhận biết các công ty này là gì? Cơ quan nhà nước sẽ có biện pháp nào để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tín dụng và người dân trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng?
Xuất phát từ khía cạnh lịch sử, các NHTM ra đời và chiếm lĩnh thị trường trước khi các công ty tài chính tiêu dùng (CTTCTD) xuất hiện. Họ thường cho vay các nhóm khách hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn rủi ro của ngân hàng.
Tuy nhiên, nhu cầu thị trường từ phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, các khách hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn của các ngân hàng cũng rất lớn. Theo Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, Mô hình CTTCTD ra đời nhằm hướng đến phục vụ các phân khúc khách hàng này:
“CTTCTD cho vay ở phân khúc người dân không đủ điều kiện để tiếp cận với chuẩn mực của ngân hàng thương mại, thậm chí là chưa từng có lịch sử tín dụng. Thứ hai đặc điểm sản phẩm của CTTCTD cho vay với giá trị nhỏ, thời gian vay ngắn, thời gian phê duyệt nhanh để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân”.
Còn phân tích ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu 13 điểm khác nhau phân biệt giữa công ty tài chính và công ty khác cũng hoạt động cho vay. Chẳng hạn về giấy phép hoạt động, công ty tài chính được NHNN và Sở KH&ĐT cấp phép hoạt động, các công ty khác không được NHNN cấp phép.
Trong khi đó, các công ty khác không có một hạn chế nào về hạn mức, lãi suất, đối tượng, mục đích cho vay. Không những vậy, các công ty mạo danh đang vi phạm Luật các tổ chức tín dụng ngay từ cách đặt tên:
“Về tên gọi, các công ty do NHNN cấp phép được sử dụng từ “tài chính” trong tên gọi, các công ty khác không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính”. Cho nên bất luận trong trường hợp nào dùng chữ “tài chính” đều phạm pháp”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Còn ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH HD SAISON cho rằng, bản thân những người yếu thế trong xã hội gặp nhiều hạn chế trong nhận thức về tài chính tiêu dùng cũng như tài chính nói chung. Để giải quyết vấn đề này, cần sự vào cuộc của liên bộ, ban, ngành:
“Tôi kiến nghị để phân biệt tài chính chính thống và tài chính phi chính thống, Bộ TTTT, Bộ KHDTT cũng như Bộ Công an cần có sự phối hợp liên thông chặt chẽ, tạo ra “gọng kìm” để đưa khái niệm tài chính chính thống đến với người dân, giúp người dân nắm bắt và nhận thức rõ ràng”.
Trước những vấn đề đang tồn tại gây bức xúc, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đã đưa ra một số quan điểm cụ thể: GS.TS Nguyễn Thị Mùi, Uỷ viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia nêu quan điểm:
“Cần xem xét mô hình của các công ty tài chính hiện nay một cách đúng nghĩa hơn, rà soát lại các cơ chế, chính sách phát triển tín dụng tiêu dùng nói riêng và tài chính tiêu dùng nói chung. Nên chăng có văn bản quy định riêng chi tiết hơn, đầy đủ hơn, sát thực hơn với đặc thù của tài chính tiêu dùng”.
Ngoài ra, hiện nay công nghệ rất phát triển và các hình thức “tín dụng đen” hầu như đều dùng công nghệ và không gian nghệ để trá hình. Dịch vụ cầm đồ hiện tại cũng hầu như không tồn tại và phát triển được nữa. Do vậy, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng cho ý kiến như sau:
“Tôi đề nghị những cơ quan có thẩm quyền quản lý có biện pháp triệt tiêu ngay lập tức các App này, đồng thời xử lý nghiêm người vi phạm để tạo lập một xã hội công bằng, tránh gây ra những hệ lụy nặng nề cho người dân”.
Để tạo điều kiện cho hoạt động công ty tài chính tiêu dùng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen, thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ có văn bản gửi tới Bộ Kế hoạch Đầu tư và UBND các tỉnh kiến nghị rà soát vấn đề đặt tên doanh nghiệp, có biện pháp xử lý để hạn chế tình trạng vi phạm Luật các TCTD nhiều năm như hiện nay, tránh gây hiểu lầm.
Như Ngọc, Thùy Linh
——————–
VOV Giao thông (Thị trường) 21-10-2022:
https://vovgiaothong.vn/hieu-dung-ve-tin-dung-tieu-dung-de-co-lua-chon-thong-minh-bai-2-d29644.html
(192/892)
#tín dụng tiêu dùng