3.281. Đường BOT xuống cấp nghiêm trọng sau dừng thu phí: Ai chịu trách nhiệm?

(TP) – Cả nước có nhiều tuyến đường bộ được đầu tư theo hình thức BOT đã tạm dừng thu phí nhưng chưa hoàn tất thủ tục bàn giao cho Nhà nước quản lý, đường xuống cấp, hư hỏng nhưng không được bảo trì, sửa chữa. Trách nhiệm trong quản lý thuộc về ai chưa rõ.

Tuyến QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa (chụp ngày 28/2/2021) Ảnh: Phạm Thanh

Nhà đầu tư từ chối trách nhiệm

Ghi nhận thực tế tại tuyến BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) Quốc lộ 1 tuyến tránh TP Thanh Hóa, nhà đầu tư dừng thu phí từ tháng 8/2017, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ dễ gây ra tai nạn. Dọc tuyến chưa tới 10km này, nhiều đoạn lún vệt bánh xe chỉ được cào bóc nham nhở, nhiều ổ gà, rạn nứt, trám vá gồ ghề. Thậm chí, một số cầu trên tuyến mặt đường bong tróc, hư hỏng (cầu vượt Quốc lộ 47 là ví dụ). Thay vì đệm cao su ở mố cầu đảm bảo giãn nở theo chuẩn thiết kế, đơn vị bảo trì dùng bê tông nhựa đổ vào thay thế, cách làm này vừa không đảm bảo an toàn giao thông (tạo các điểm lồi, lõm), vừa có nguy cơ ảnh hưởng tới kết cấu của cầu.

Anh Phạm Văn Tuấn, tài xế xe khách tuyến Hà Nội – Nghệ An cho biết, từ khi dừng thu phí tại trạm Tào Xuyên, Thanh Hóa, tuyến đường bắt đầu xuống cấp, hư hỏng, chậm được khắc phục. “Đường được thiết kế với tốc độ tối đa 80 – 90 km/h, nhưng thực tế lái xe chỉ dám chạy 50-60 km/h, nếu mất tập trung nguy cơ mất lái và xảy ra tai nạn rất cao”, anh Tuấn nói. Hằng ngày đi qua tuyến đường này, anh Tuấn kể, đã chứng kiến nhiều xe máy gặp ổ gà, vũng nước nên trượt ngã, ô tô phía sau nếu không phanh kịp rất dễ xảy ra tai nạn chết người.

Trả lời PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cty CP BOT đường tránh TP Thanh Hóa cho biết: Chi phí bảo trì tuyến đường được tính trong tiền thu phí, khi dừng thu phí không còn nguồn bố trí cho việc này. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ giải quyết vướng mắc hoặc cấp kinh phí sửa chữa, nhưng chưa được giải quyết”, ông Nam nói.

Tương tự, từ khi dừng thu phí (giữa tháng 10/2020) tới nay, tuyến Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa. Ông Trịnh Huy Toàn, Giám đốc Cty CP BOT Quốc lộ 2 (nhà đầu tư) lý giải: Theo hợp đồng ký với Bộ GTVT, nhà đầu tư được thu phí tới năm 2025. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ tính toán số phí thu đã đạt theo hợp đồng và buộc nhà đầu tư dừng thu phí khi chưa hết hạn. Tiền bảo trì tính trong mức phí thu, nay không còn thu nên không có kinh phí bảo trì.

“Chúng tôi dừng thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ nhưng còn một số điểm chưa đồng ý, hợp đồng đang tranh chấp. Bộ GTVT đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm với dự án. Hợp đồng cũng không có điều khoản nhà đầu tư phải bảo trì đường sau khi dừng thu phí”, ông Toàn nói.

Nguy cơ tai nạn rất cao

Theo Tổng cục Đường bộ, hiện tại, cả nước có 9 dự án BOT đường bộ đang tạm dừng thu phí. Trong đó, chỉ 1 số dự án dừng thu phí do bị người dân phản đối, đa số dừng thu vì đã đủ tiền hoàn vốn và tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vậy nên, dự án đang trong giai đoạn quyết toán, thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, do còn 1 số vướng mắc liên quan chi phí đầu tư giữa Nhà nước và nhà đầu tư, nên doanh nghiệp chưa bàn giao đường cho Nhà nước quản lý.

Trong thời gian chờ bàn giao đường về cho Nhà nước, nhiều tuyến đường không được bảo trì, sửa chữa, dẫn tới hư hỏng, xuống cấp, uy hiếp an toàn giao thông. Tổng cục Đường bộ đã có văn bản chỉ đạo các nhà đầu tư thực hiện bảo trì, nhưng vì lý do như trên, nhà đầu tư cũng không thực hiện. Thực tế trên không rõ trách nhiệm thuộc bên nào?

“Chúng tôi dừng thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ nhưng còn một số điểm chưa đồng ý, hợp đồng đang tranh chấp. Bộ GTVT đơn phương chấm dứt hợp đồng nên phải chịu trách nhiệm với dự án”. Ông Trịnh Huy Toàn, Giám đốc Cty CP BOT Quốc lộ 2

“Bộ GTVT là cơ quan được Chính phủ giao quản lý đường bộ, đại diện Nhà nước ký hợp đồng BOT, nên bộ là chủ thể quản lý. Ngay cả khi có hợp đồng mà nhà đầu tư không bảo trì, xảy ra vấn đề, Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty luật ANVI.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng, đề xuất chính sách để giải quyết tình trạng trên. Theo ông Cường, Nghị định 33/2018 quy định, khi tuyến đường chưa được xác lập là tài sản toàn dân thì không được dùng ngân sách Nhà nước để bảo trì. Còn theo Nghị định 29/2018, trong thời gian chờ xác lập là tài sản Nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ chịu trách nhiệm bảo quản tài sản bằng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, thế nào là “bảo quản” thì chưa có hướng dẫn cụ thể, vậy nên Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng, xin giao cho bộ quản lý, được sử dụng ngân sách để sửa chữa và thực hiện công việc liên quan, đảm bảo tuyến đường êm thuận tới khi bàn giao về Nhà nước.

Theo ông Cường, sau khi dừng thu phí, đường xuống cấp, đại diện Tổng cục Đường bộ nhiều lần đàm phán để nhà đầu tư tiếp tục bảo trì. Tuy nhiên, nhà đầu tư lấy lý do không được thu phí nên không có nguồn cho bảo trì hoặc hợp đồng không có điều khoản này sau khi dừng thu phí, nên không bảo trì.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm mọi mặt?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty luật ANVI cho rằng, dù dự án BOT còn thời hạn hợp đồng hay đã hết, còn thu phí hay không, đã bàn giao hay chưa, trách nhiệm bảo trì trên hết thuộc Bộ GTVT. Bộ GTVT là cơ quan được Chính phủ giao quản lý đường bộ, đại diện Nhà nước ký hợp đồng BOT, nên bộ là chủ thể quản lý. Ngay cả khi có hợp đồng mà nhà đầu tư không bảo trì, xảy ra vấn đề, Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát. Khi dừng thu phí, hợp đồng không có điều khoản về bảo trì chờ bàn giao, thì Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm, do khi ký hợp đồng, bộ này đã không tính tới tình huống này.

 “Thậm chí, khi nhà đầu tư đã thu đủ vốn và lợi nhuận, Bộ GTVT có thể ký phụ lục để thu phí cho bảo trì với mức phí rất thấp cho tới khi bàn giao đường cho Nhà nước. Bộ GTVT cũng có thể cho phép nhà đầu tư bỏ tiền để bảo trì, khi bàn giao xong sẽ dùng quỹ bảo trì hoàn trả. Còn nếu không, Bộ GTVT phải sử dụng các nguồn khác để bảo trì đường, không thể đẩy trách nhiệm cho nhà đầu tư nếu hợp đồng không có điều khoản đó. Các quy định đều có, vấn đề là cách làm thôi. Không thể lửng lơ trách nhiệm, khi đường xuống cấp xảy ra tai nạn thì người dân tự chịu”, ông Đức nói.

Theo Tổng cục Đường bộ, trong số 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí, có 4 tuyến đường nhà đầu tư không thực hiện bảo trì, gồm: QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), QL1 đoạn tránh TP Hà Tĩnh, QL1K (Đồng Nai – TPHCM), QL1 đoạn tránh Cai Lậy (Tiền Giang). Có 2 dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng, gồm: QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa, QL91 (Cần Thơ).

LÊ HỮU VIỆT

—————-

Tiền phong (Kinh tế) 06-3-2021:

https://www.tienphong.vn/kinh-te/duong-bot-xuong-cap-nghiem-trong-sau-dung-thu-phi-ai-chiu-trach-nhiem-1802395.tpo

(328/1.515)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,831