3.281a. Tăng tốc hoàn thành dự án đường trục nam Hà Nội.

(ANTĐ) – Theo khuyến cáo của các cơ quan quan chức năng, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng-Cienco 5. Đây được xem là căn cứ để thực hiện GPMB, đẩy nhanh tiến độ 22km còn lại của dự án đường trục phía Nam Hà Nội.

Lý do điều chỉnh

Ngày 4/3/2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) đã ra văn bản số 395 về việc điều chỉnh tên người được giao đất, cho thuê đất gửi Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội.

Văn bản nêu: Ngày 17/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành các quyết định số 961, 963, 964 cho phép Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) là chủ đầu tư và đơn vị quản lý dự án là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land, do chủ đầu tư thành lập để thực hiện dự án) thực hiện các dự án khu đô thị mới Thanh Hà A-Cienco 5, Thanh Hà B-Cienco 5 và khu đô thị mới Mỹ Hưng-Cienco 5.

Các dự án khu đô thị mới này là dự án hoàn vốn cho dự án BT theo hợp đồng số 02/HĐBT ngày 18/4/2008, được ký kết giữa UBND tỉnh Hà Tây và nhà đầu tư (Cienco 5) và Cienco 5 Land. Trong đó, diện tích đất thực hiện dự án khu đô thị mới Thanh Hà A-Cienco 5 là 195,51 ha, Thanh Hà B-Cienco 5 là 193,22 ha và khu đô thị mới Mỹ Hưng-Cienco 5 là 182 ha.

Ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định 3128, giao 182,04 ha cho công ty Cienco 5 Land để thực hiện dự án khu đô thị mới Mỹ Hưng.

Sau đó, ngày 6/1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ là Cienco 5 thành Cienco 5- CTCP (tại quyết định số 24/QĐ-TTg). Khoản 3 điều 10 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, quy định: “Công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các vi phạm tại dự án nêu trên; có biện pháp xử lý, điều chỉnh kịp thời, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.Theo Tổng cục Quản lý đất đai, “việc UBND tỉnh Hà Tây ban hành các quyết định giao đất số 3128, 3129, 3130 cho Cienco 5 Land (là doanh nghiệp dự án trong hợp đồng BT) mà không giao đất cho Cienco 5 (là chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Hà Tây lựa chọn) là không phù hợp với quy định tại điều 55 Luật Đầu tư, điều 87 Nghị định 181/2004/NĐ-CP và điều 12 Nghị định số 02/2006/NĐ-CP. Do đó, UBND TP Hà Nội cần thực hiện việc điều chỉnh tên người được giao đất từ Cienco 5 Land sang Cienco 5 để hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật”.

Cơ sở để dự án tăng tốc

Căn cứ vào các ý kiến của các cơ quan chức năng, Sở TN-MT Hà Nội đã có văn bản tham mưu UBND TP Hà Nội điều chỉnh một số nội dung tại quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây: Điều chỉnh tên người sử dụng đất từ Cienco 5 Land thành Cienco 5 – CTCP.

Ngày 25/11/2020, UBND TP Hà Nội ra quyết định số 5269 về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây. Theo đó, điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi 1.820.433 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng-Cienco 5 từ Cienco 5 Land thành Cienco 5 – CTCP.

Lý do điều chỉnh căn cứ theo Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án khu đô thị mới Mỹ Hưng- Cienco 5 tại huyện Thanh Oai; Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Cienco 5 thành Cienco 5 – CTCP.

Cienco 5- CTCP có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nhiệm vụ của Cienco 5, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Mỹ Hưng-Cienco 5 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt;

Đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Cienco 5 – CTCP tại văn bản số 05 ngày 24/3/2020; văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục Quản lý đất đai…

Sở TN-MT Hà Nội cho biết, đây là căn cứ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án BT đối với 22km đường còn lại theo quy định; kết nối đồng bộ hạ tầng đường trục phía Nam, phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội của các huyện phía Nam Hà Nội.

Còn nhiều ý kiến khác nhau

Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất nói trên của thành phố thời gian qua tạo ra nhiều tranh luận trong dư luận. Bên cạnh những ý kiến đồng thuận, cũng có không ít ý kiến khác.

Liên quan đến quyết định điều chỉnh nói trên, luật sư Bùi Thị Loan – Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, UBND TP Hà Nội không tự ý điều chỉnh tên người sử dụng đất mà phải thực hiện theo kiến nghị của Cơ quan điều tra và ý kiến của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Ở góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, có 3 trường hợp có thể đổi tên pháp nhân sở hữu đất đó là: Trường hợp doanh nghiệp đổi tên, trường hợp chuyển nhượng dự án cho một pháp nhân khác và cuối cùng là dự án xảy ra sai phạm.

Tuy nhiên, trường hợp dự án có sai phạm, để ban hành quyết định điều chỉnh, cần có ý kiến của toàn thể các cơ quan chức năng liên quan, kết quả thanh, kiểm tra, thậm chí là điều tra.

Cụ thể, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, trường hợp quyết định giao đất ban đầu là sai, quy trình để đổi tên pháp nhân được giao đất đó là hủy bỏ quyết định ban đầu, thu hồi đất, sau cùng mới đến bước giao lại cho đơn vị khác.

Ngoài ra, theo vị luật sư, Báo cáo Kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hợp đồng BT của Kiểm toán Nhà nước ban hành ngày 14/10/2020, Kiểm toán nhà nước nêu rõ:

“Theo quy định tại Điều 3, Hợp đồng BT, nhà đầu tư có nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu bằng 10% vốn đầu tư dự án BT (tương đương 608 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án BT là 60 tháng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, dự án án BT đã chậm tiến độ khoảng 84 tháng nhưng dòng vốn của nhà đầu tư đã tham gia vào dự án BT mới chỉ đạt 165,413 tỷ đồng, trong đó bao gồm: Vốn góp cổ phần tại Doanh nghiệp dự án là 20 tỷ đồng; trực tiếp thanh toán một số chi phí đầu tư là 145 tỷ đồng (tỷ lệ góp mới đạt 27,13% tổng vốn đã cam kết). Đến nay, giá trị vốn cổ phần của nhà đầu tư tại Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ là 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 3% tổng vốn điều lệ doanh nghiệp)”.

“Theo kết luận trên, có thể khẳng định Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) là một pháp nhân độc lập, không phải là ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, với tỷ lệ vốn góp chỉ 3%, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, không còn là chủ đầu tư dự án” – vị luật sư cho biết.

Cũng liên quan đến sự việc này, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiểm tra, rà soát cơ sở pháp lý, báo cáo UBND TP Hà Nội. Hy vọng, sau quá trình kiểm tra, rà soát, thành phố sẽ đưa ra kết luận cuối cùng, chấm dứt sự tranh luận xung quanh chủ đề này.

—————-

An ninh Thủ đô (Xe) 08-3-2021:

https://anninhthudo.vn/tang-toc-hoan-thanh-du-an-duong-truc-nam-ha-noi-post460280.antd

(195/1.617)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,832