(ĐT) – Các chuyên gia cho rằng, nỗi sợ vô hình của nhà đầu tư về nỗi lo vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn, nguyên nhân do thông tin trầm trọng.
Phát biểu tại talkshow với chủ đề “Hiểu đúng về trái phiếu” của Báo Đầu tư sáng nay (28/10), Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Công ty chứng khoán DSC cho rằng, nếu vấn đề của thị trường chứng khoán nằm ở dòng tiền thì với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vấn đề lại nằm ở niềm tin. Nguyên nhân lớn nhất của việc thiếu niềm tin là do chúng ta rất thiếu thông tin đến nhà đầu tư.
“Nỗi sợ rất lớn với thị trường – đặc biệt nhà đầu tư cá nhân – lúc này là chúng ta bị mờ thông tin. Dù chưa có vụ vỡ nợ trái phiếu nào xảy ra, nhưng nỗi sợ vô hình rất lớn. Thế nên, dù hiện nay, thị trường có cả trái phiếu doanh nghiệp tốt lẫn trái phiếu doanh nghiệp xấu, nhưng nhà đầu tư cứ nghe đến trái phiếu là sợ”, ông Huy bình luận.
Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa có yêu cầu và chưa có văn hóa xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nên nhà đầu tư không có căn cứ để đánh giá chất lượng trái phiếu doanh nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng vàng thau lẫn lộn trên thị trường trái phiếu.
Về cách thức ứng xử với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các Nghị định ban hành cứ thắt lại mở, mở xong lại thắt, chạy theo thực tế mà không có định hướng, lộ trình để đảm bảo sự phát triển cho thị trường.
Điều bất cập hiện nay là nhà đầu tư không có khả năng đánh giá được mức độ rủi ro của từng loại trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường, chủ yếu là nhìn vào uy tín của nhà phát hành cũng như đơn vị phân phối (đa phần là ngân hàng, công ty chứng khoán). Rất ít nhà đầu tư có khả năng phân tích dòng tiền của doanh nghiệp phát hành, tính pháp lý hoặc tính khả thi của dự án đang huy động vốn…
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp trước đây nhầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp là sản phẩm không có rủi ro. Chính vì vậy, khi sự cố xảy ra, nhiều nhà đầu tư phản ứng thái quá. Nhiều nhà đầu tư muốn lấy bán lại trái phiếu trước hạn, thu hồi tiền ngay lập tức, thậm chí chấp nhận mất lãi. Điều này gây áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp phát hành, các công ty chứng khoán.
“Nhà đầu tư sợ là đúng, nếu trái phiếu có vấn đề. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang hành động theo tâm lý bầy đàn, nhìn thấy người khác đi rút trái phiếu doanh nghiệp thì cũng đi rút theo, mà không phân tích trái phiếu doanh nghiệp mình đang cầm như thế nào. Việc rút tiền hàng loạt gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư và gây áp lực lớn cho thị trường. Việc chúng ta cần là bình tĩnh lại, đánh giá kỹ loại trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ”, ông Huy khuyến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng đổ đi rút cùng lúc, không ngân hàng, doanh nghiệp nào có thể đủ tiền để đáp ứng nhu cầu chi trả cao bất thình lình như vậy. Thậm chí, rút tiền hàng loạt theo tâm lý bầy đàn có thể dẫn tới cảnh một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường tới tình trạng mất thanh khoản.
Còn nếu doanh nghiệp đó xấu, mất khả năng trả nợ, vướng vào các vụ án hình sự thì cho dù nhà đầu tư xếp hàng 24/24h cũng không thể đòi được tiền về. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải chờ cơ quan điều tra công bố kết quả, khởi kiện ra tòa, chờ tòa án xử lý…
Về một số sự việc trên thị trường trái phiếu thời gian qua (Tân Hoàng Minh, An Đông…), Luật sư Đức cho rằng, cơ quan chức năng sẽ mất một thời gian để xử lý song về cơ bản nhà đầu tư sẽ không mất hết.
“Về cơ bản, chúng ta vẫn yên tâm với phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường”, luật sư Đức nói.
TL
—————
Đầu tư (Tài chính – Chứng khoán) 28-10-2022:
(266/820)
#trái phiếu