Thị trường trái phiếu: “Bình tĩnh sẽ không tắc”
(ĐTCK) – Thông điệp quan trọng đặc biệt đúng với thị trường trái phiếu thời điểm này, là “bình tĩnh, tuần tự thì không tắc, lộn xộn sẽ tắc nghẽn nghiêm trọng”.
Nguyên tắc ứng xử với thị trường trái phiếu được ví như nguyên tắc tham gia giao thông, được diễn giả tham gia Talkshow “Chọn danh mục” với chủ đề “Hiểu đúng về trái phiếu” do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua nhấn mạnh.
Trái phiếu chia lô nhỏ, phân kỳ hạn ngắn xử lý thế nào?
Vấn đề đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm là nghĩa vụ của các công ty chứng khoán, nhà phân phối, đối với trái phiếu chào bán ra, đặc biệt là sản phẩm trái phiếu chia nhỏ các kỳ hạn với các mức lãi suất tương ứng mà nhiều nhà đầu tư đã mua thời gian qua.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM – Công ty Chứng khoán DSC cho biết, thông thường các công ty chứng khoán xây dựng sản phẩm riêng, như chia nhỏ lô trái phiếu, hoặc chia thành các kỳ hạn phù hợp với khẩu vị khách hàng của họ để thu hút và dễ tiếp cận khách hàng hơn.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM – Công ty Chứng khoán DSC chia sẻ tại talkshow qua zoom |
“Với vai trò này, thì công ty chứng khoán có nghĩa vụ với nhà đầu tư về những sản phẩm mà mình đã xây dựng, còn rủi ro lúc nào cũng phụ thuộc vào chính uy tín, vị thế của công ty phát hành ra sản phẩm đó”, ông Huy nói.
Chia nhỏ lô trái phiếu này giúp tăng thanh khoản, có những trái phiếu được tranh nhau mua, nhưng nếu ít người mua công ty chứng khoán sẵn sàng bỏ vốn ra mua lại rồi chờ bán sau, nhất là các sản phẩm kỳ hạn ngắn do công ty chứng khoán xây dựng nhằm huy động vốn ngắn hạn, hưởng lợi nhờ chênh lệch lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đây là vấn đề quan hệ kinh tế có sự thỏa thuận, nếu hai bên thương lượng nhường nhau một chút thì sẽ dễ thành công hơn; nếu đẩy khó khăn lên cao thì không giải quyết được gì. Kể cả có chậm trễ trả một chút cũng có thể thông cảm được, chấp nhận được.
Theo luật sư Đức, nếu chậm trả ngày nào thì vẫn tính lãi tiếp tục, nếu khó khăn có thể thỏa thuận giảm lãi thu hồi vốn, trừ trường hợp tổ chức phát hành phá sản.
Bình tĩnh sẽ không tắc
Về diễn biến thị trường chứng khoán hiện tại khi hàng loạt nhà đầu tư lo sợ bán trái phiếu trước hạn, chấp nhận mất lãi suất để thu hồi vốn, gây áp lực lớn cho tổ chức phát hành, ông Đức so sánh: “Với con đường đông xe, nếu cứ đi bình tĩnh, tuần tự thì không tắc, nhưng nếu chúng ta đi lộn xộn một chút, con đường lập tức sẽ tắc kinh hoàng. Tương tự, với thị trường trái phiếu, chỉ số ít người rút trước hạn thì không sao, nhưng nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng rút thì không một công ty, ngân hàng nào trên thế giới nào đủ sức khỏe, đủ tiền chi trả bất thường như vậy”.
“Nếu tổ chức phát hành tốt thì sao phải rút trái phiếu ngắn hạn, còn nếu tổ chức phát hành khó khăn, không có tiền trả nợ thì có xếp hàng 24h cũng không lấy được tiền. Lúc đó phải xử lý theo trình tự pháp luật”, ông Đức chia sẻ.
Về trình tự xử lý tài sản bảo đảm, có 2 nhóm: tài sản đảm bảo bằng bất động sản phải công chứng chứng thực cơ quan chức năng, nhóm thứ 2 cũng phải đăng ký mới có giá trị, chẳng hạn như tàu biển, tàu bay, các quyền khai thác dự án, bất động sản… có thể đăng ký ở cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, hàng không. Những tài sản không có cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ đăng ký ở Bộ Tư pháp. Sau khi đăng ký rồi, tất cả những chủ nợ nhận tài sản bảo đảm được ưu tiên đầu tiên.
“Trái phiếu có tài sản bảo đảm có thể yên tâm, có thể thu hồi toàn bộ hoặc một phần nợ từ tài sản đảm bảo, Phần còn lại, quyền ưu tiên ngang với các chủ nợ khác, không có bảo đảm”, luật sư chia sẻ.
Để giải quyết áp lực trái phiếu đến hạn và rút trước hạn của doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp đưa trái chủ quyền lựa chọn hoán đổi trái phiếu sang nhà, đất ở các dự án mà doanh nghiệp đang phát triển, với giá ưu đãi hoặc tương đương bán thông thường.
Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, hình thức này hợp pháp, hợp lệ. Đây là bài toán đánh đổi rất hợp lý nếu giá hoán đổi không vượt quá giá trị và cũng thể hiện công ty phát hành có năng lực, có trách nhiệm, có tài sản.
Về thời gian, nếu doanh nghiệp không có vấn đề liên quan đến pháp luật, đến hết thời hạn mà không trả được thì tự thỏa thuận với nhau, nếu như có ban đại diện hay những người đại diện pháp lý thì sẽ làm việc, nếu không thương lượng được sẽ khởi kiện ra tòa.
Tòa sẽ tuyên thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm. Với vụ hình sự thì trái chủ chờ, cơ quan công an sẽ thu hồi, thu thập thông tin. Trái chủ là những người bị hại, sau này xử lý vụ án hình sự sẽ kèm theo trách nhiệm dân sự thế nào, xử lý tài sản ra sao, quyền lợi mọi người thế nào? Phải chờ đợi và cung cấp đầy đủ thông tin, phối hợp với cơ quan điều tra.
Xử lý tình huống cho thị trường trái phiếu hiện nay, ông Đức cho rằng, quan trọng nhất là đạt được sự công khai, minh bạch. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm tiêu chí trung thực phải xử lý rất nặng, còn rủi ro gắn liền với thị trường là nguyên tắc cơ bản những nhà đầu tư phải nhận biết.
Với tư cách của một nhà đầu tư, ông Huy đồng quan điểm, đầu tư là có rủi ro, mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người là khác nhau và cái đáng sợ hơn cả là sự bất định. Người chấp nhận rủi ro thấp thì có thể chấp nhận đầu tư vào những trái phiếu an toàn, người chấp nhận rủi ro cao thì có thể đầu tư vào những trái phiếu rủi ro cao, thậm chí ở Mỹ có cả những trái phiếu rác, quan trọng là tỷ suất sinh lợi bao nhiêu để nó tương xứng với rủi ro như vậy.
Khi nhà đầu tư xác định được được mức độ rủi ro của từng trái phiếu, lựa chọn rất dễ. Khi hiểu được điều này thì câu chuyện rút tiền hàng loạt không xảy ra. Nên quan trọng nhất, ông Huy nhấn mạnh, cần xây dựng được thị trường minh bạch, để nhà đầu tư có được thông tin, đánh giá được mức độ rủi ro để có quyết định đầu tư đúng, phù hợp.
Phan Hẳng – Kiều Trang
————–
Đầu tư chứng khoán (Trái phiếu) 31-10-2022:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-trai-phieu-binh-tinh-se-khong-tac-post308913.html
(765/1.322)