3.302. Thu ngân sách càng gần cuối năm càng khó

(VNB) – Theo thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu 10 tháng tích cực, bằng 103,7% dự toán năm, song theo cơ quan này, thực tế những tháng gần đây, kinh tế đã diễn biến nhanh theo chiều hướng không tốt, cùng một số biến động trên thị trường tài chính – ngân hàng, khiến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn. Số thu một số ngành, lĩnh vực đang giảm dần từ tháng 7 trở đi.

Nghị định 91 là động thái hợp lý để cho doanh nghiệp không lo lắng quá vì dòng tiền, nộp thiếu thì phạt, nộp thừa thì là bất lợi.

Bộ này dẫn chứng, mức thu bình quân 7 tháng đầu năm đạt hơn 11% dự toán/tháng, nhưng sang tháng 8 chỉ đạt 9,2% và tháng 9 giảm gần 50%, chỉ đạt 6,7%. Trong đó, thu nội địa (không gồm tiền sử dụng đất) bình quân 5 tháng đầu năm đạt 11% dự toán/tháng, khoảng 114.000 tỷ đồng, nhưng từ tháng 6 đến nay giảm xuống dưới 6%.

Cụ thể, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm đạt 130,8 nghìn tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay chỉ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó thu tháng 9 chỉ còn 71,2 nghìn tỷ đồng, tháng 10 không kể các khoản thu kê khai thu theo quý nộp thì số thu chỉ đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Điều này cho thấy việc thu ngân sách càng gần về cuối năm càng khó khăn. Nguyên nhân là một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất – kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá tăng, suy giảm kinh tế trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Vì vậy, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, trong báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ ngày 22/10 của các đại biểu Quốc hội về ngân sách năm 2022, dự toán năm 2023, Bộ Tài chính khẳng định, Chính phủ sẽ phấn đấu thu đạt mức cao hơn thông qua loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng quản lý và chống thất thu…

Cụ thể, ngoài việc miễn, giảm, hoãn nộp thuế, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022 bãi bỏ quy định số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế quyết toán năm.

Thay vào đó, Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126/2020 đề cập tổng số thuế phải nộp trong 4 quý đầu năm không thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp doanh nghiệp nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Việc bãi bỏ quy định tạm nộp thuế TNDN 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế quyết toán năm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với quy định cũ, nhiều doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động kinh doanh quý IV dễ rơi vào bị tính tiền chậm nộp vì số thuế đóng 3 quý đầu năm thấp hơn 75% số thuế năm.

Đang vật lộn với nhiều khó khăn về biến động tỷ giá và lạm phát toàn cầu nhưng anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội vẫn bày tỏ vui mừng khi Nghị định 91 đã sửa đổi những quy định bất hợp lý vào thời điểm này.

Theo anh Cường, nếu tiếp tục áp dụng quy định tạm nộp thuế TNDN 75% từ quý III theo Nghị định 126 sẽ gây rất nhiều thiệt thòi cho doanh nghiệp, bởi họ không thể biết quý IV kinh doanh ra sao nhưng vẫn phải tạm ứng nộp số thuế trước cho Nhà nước. Thậm chí, doanh nghiệp có nguy cơ bỗng nhiên bị phạt oan dù họ kê khai, nộp thuế đầy đủ. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp luôn trong tâm trạng phập phồng lo bị ngành thuế phạt.

“Vì vậy, quy định tạm nộp mức 80% như quy định mới, theo tôi, là hợp lý. Đặc biệt, thời hạn cuối cùng nộp thuế là ngày 30/1/2023 càng hợp lý hơn, vì kết thúc năm thì chúng tôi sẽ có con số doanh thu chính xác và nắm rõ được số thuế phải nộp. Quan trọng hơn là chúng tôi tính toán được dòng tiền, cân đối thu chi”, anh Cường nói.

Chị Mai Thị Loan, Kế toán trưởng một CTCP chuyên về thiết bị điện ở Hà Nội, phấn khởi bày tỏ: “Đây là điều mà hàng trăm nghìn nhà sản xuất, kinh doanh cả nước đang chờ đợi”.

Chị cho biết hoạt động kinh doanh của các công ty và doanh thu không phải quý nào cũng giống nhau mà có quý thấp, quý cao. Đặc biệt, doanh thu có thể tăng cao đột biến vào thời điểm quý IV khi nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân tăng cao. Vì thế, quy định tạm nộp thuế TNDN 4 quý và thời điểm vào cuối tháng 1 năm sau là rất đúng với thực tế sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức đánh giá Nghị định 91 là động thái hợp lý để cho doanh nghiệp không lo lắng quá vì dòng tiền, nộp thiếu thì phạt, nộp thừa thì là bất lợi.

Tổng cục Thuế cũng vừa có công điện khẩn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế kịp thời thực hiện Nghị định số 91 của Chính phủ.

Thanh Hoa

————

Vnbusiness (Tài chính) 03-11-2022:

https://vnbusiness.vn/thue-ngan-sach/thu-ngan-sach-cang-gan-cuoi-nam-cang-kho-1089068.html

(40/1.057) #thu ngân sách

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,832