(HQ) – Phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. |
Ông đánh giá như thế nào về các chiêu trò lừa đảo trên các sàn Forex hay kinh doanh tiền ảo hiện nay?
Đa số các chiêu trò lừa đảo trong kinh doanh ngoại hối, tiền ảo thật giả mập mờ giữa việc được và không được phép, nhưng đều đánh vào lòng tham, ham muốn làm giàu nhanh chóng của con người. Khi kiếm được tiền thì nó quá hấp dẫn, khi chưa mất tiền thì nó vẫn hấp dẫn vì sự kỳ vọng. Chỉ khi đã mất tiền, đã bị thiệt hại nặng nề thì người tham gia mới thất vọng, hết ảo tưởng và nhận ra sự thật.
Tại Việt Nam hiện nay, các chiêu trò lừa đảo thường là sự tổng hợp lắt léo của Forex, tiền ảo và đa cấp biến tướng. Đầu tư ngoại hối là sân chơi cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp do tính phức tạp và ăn thua lẫn nhau, nên rất khó kỳ vọng đạt lợi nhuận cao và càng không có gì bảo đảm chắc chắn rằng không bị thua lỗ, thậm chí là mất trắng. Vì rủi ro trong giao dịch là rất lớn, nên pháp luật không mở rộng cửa cho các ngân hàng và doanh nghiệp. Việc các cá nhân, tổ chức cam kết, hứa hẹn đầu tư trên Forex với lợi nhuận hàng trăm % mỗi năm cùng tỷ lệ ăn chia “hoa hồng” cao, giao dịch qua các phần mềm thiếu minh bạch… đều chẳng khác nào là lừa đảo.
Đối với tiền ảo trôi nổi (đâu đó gọi là tiền điện tử hay tiền mã hoá hoặc tiền kỹ thuật số), không do các Chính phủ phát hành và chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Việc mời chào, kêu gọi đầu tư vào các đồng tiền này trong khi chúng có “sống” được và có mang lại lợi nhuận hay không vẫn là ẩn số rất lớn. Gần đây nhiều người cho rằng không mất gì khi “đào” Pi nên sẵn sàng tham gia. Vì cái được còn là ẩn số, nên rủi ro cũng chưa thấy rõ, ngoài chuyện mất thời gian và có thể là thông tin dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, điều khó lường là ở chỗ, chính sự thu hút được số đông sẽ dẫn đến khả năng biến không thành có và ngược lại.
Với những chiêu trò lừa đảo như trên, pháp luật đang bảo vệ người tiêu dùng như thế nào, thưa ông?
Tham gia thẳng vào các sàn Forex hay giao dịch tiền ảo ở các nước được phép thì không phạm pháp, nhưng rủi ro nằm ngoài khả năng bảo vệ của pháp luật Việt Nam. Còn tham gia thông qua các sàn mạo danh quốc tế hoặc thông qua các khâu trung gian ké vào các sàn quốc tế lại chính là “thò đầu vào tròng”. Trong trường hợp này, những người tổ chức hay dụ dỗ, lôi kéo người tham gia vào các sàn Forex là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, do hoạt động chưa được phép, lại phụ thuộc nhiều vào nước ngoài nên mọi rủi ro, tranh chấp của người tham gia với cá nhân, tổ chức trung gian đều khó có cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng bảo vệ. Nghĩa là người tham gia dễ rơi vào nguy cơ tự làm, tự chịu.
Không những thế, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo để làm phương tiện thanh toán sẽ vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm ở mức độ nhẹ thì có thể bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng theo quy định tại khoản 6, Điều 26 về “Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”. Trường hợp gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị xử phạt hình sự.
Theo ông, cơ quan chức năng cần quản lý vấn đề nêu trên như thế nào?
Theo tôi, cần phải hạn chế sử dụng tiền mặt, theo dõi các tài khoản và xử lý những dòng tiền bất thường, có giá trị lớn ra vào cả trong và ngoài nước. Việc này không chỉ nhằm kiểm soát giao dịch bất hợp pháp, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, gây rủi ro cho nền kinh tế, mà còn đồng thời góp phần vào việc ngăn ngừa tham nhũng, trốn thuế và gian lận đầu tư, thương mại.
Xin cảm ơn ông!
Hương Dịu
—————-
Hải quan (Sự kiện – Vấn đề) 09-4-2021:
https://haiquanonline.com.vn/quan-ly-chat-dong-tien-143811.html
(824/824)