3.319. Hiểu cho đúng khi mua lại trái phiếu

(TN) – Việc mua lại trái phiếu trước hạn, ngoài cam kết theo đúng điều khoản, điều kiện của hợp đồng, các doanh nghiệp cũng nhắm tới mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính của nhà phát hành; đồng thời đáp ứng nhu cầu của các trái chủ muốn bán lại.

Chất lượng phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, sau vụ việc sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang gặp khó khăn khi khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi tiết kiệm nên sẽ có rủi ro

TN

Cụ thể, 10 tháng đầu năm khối lượng phát hành TPDN đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong khi đó, khối lượng TPDN mua lại trước hạn 152,2 nghìn tỉ đồng tăng 49,6%.

Theo một chuyên gia, loại hình trái phiếu được đề cập ở đây là TPDN, tức trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Đây là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.

“Cổ phiếu lên xuống thất thường rủi ro hơn rất nhiều so với trái phiếu. Tuy nhiên, nếu so với các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng thì TPDN lại có độ rủi ro cao hơn. Nhưng đổi lại nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn so với khi gửi tiết kiệm ngân hàng thông thường”, một chuyên gia đánh giá.

Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Cụ thể, lựa chọn đầu tư vào TPDN đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó kinh doanh ra sao, sức khoẻ tài chính thế nào. Bởi, chất lượng trái phiếu phụ thuộc vào tình hình tài chính, kết quả kinh doanh riêng của từng đơn vị phát hành trái phiếu.

Các ngân hàng hiện đang được đánh giá là có độ uy tín và tình hình kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Vì thế, TPDN do ngân hàng phát hành luôn có độ an toàn cao hơn. Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Trái phiếu ngân hàng phát hành là an toàn tuyệt đối, ngang tiền gửi ngân hàng được bảo đảm. Thời gian vừa qua, Thống đốc và Thủ tướng cam kết bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả cho người dân bao gồm trái phiếu ngân hàng. Vì thế, đây tương tự như một loại tiền gửi”.

Khi nào mua trước hạn?

Việc mua lại trước hạn trái phiếu thông thường được thực hiện trong các trường hợp: mua lại trước hạn theo quyền mua lại của tổ chức phát hành; mua lại trước hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu; mua lại theo thỏa thuận; mua lại trái phiếu bắt buộc.

Tất cả trường hợp đều được công bố minh bạch, rõ ràng trong bản công bố thông tin tại ngày phát hành. Thông thường, việc mua lại trái phiếu trước hạn được thực hiện theo quyền mua lại của tổ chức phát hành theo đúng các điều khoản, điều kiện tại bản công bố thông tin.

Cạnh đó, các doanh nghiệp và ngân hàng mua lại trái phiếu còn có mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính bên phát hành trong bối cảnh về phía nhà đầu tư cũng có một bộ phận muốn bán trái phiếu trước hạn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 9 tháng đầu năm: BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỉ đồng; VIB là 8.800 tỉ đồng; LienVietPostBank là 8.000 tỉ đồng; SHB là 5.450 tỉ đồng, TPBank là 4.900 tỉ đồng; OCB là 4.700 tỉ đồng…

Ngày 24.11 tới đây, LienVietPostBank tiếp tục có kế hoạch mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, với mức giá mua lại là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Đây là điều khoản đã được công bố trong bản công bố thông tin tại thời điểm phát hành. LienVietPostBank đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15.11.

Bộ Tài chính thống kê hiện nay dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ là 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương 12,8% GDP. So với Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP thì mức hiện tại vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu Chính phủ đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua là bài học quan trọng nhưng không đại diện cho toàn thị trường. “Chúng ta phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, ổn định, hiệu quả, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng. Đây là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra và các cơ quan quản lý, đơn vị, tổ chức liên quan quyết tâm triển khai thực hiện”, ông Phớc nói.

Tiêu Phong

————-

Thanh niên (Tài chính kinh doanh) 23-11-2022:

https://thanhnien.vn/hieu-cho-dung-khi-mua-lai-trai-phieu-post1524642.html

(116/1.084) #traiphieu #tanhoangminh #TPDN

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,829