(ĐT) – Hỏi nhưng không được hồi đáp rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp không biết gỡ khó thế nào.
Luật sư Trương Thanh Đức, đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam đặt câu hỏi với lãnh đạo cơ quan thuế, hải quan, |
Có phải các bộ đẩy khó cho doanh nghiệp?
Bước chân ra khỏi Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022, do Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Vi Văn Phượng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Đức Hoàng vẫn không hiểu sẽ làm gì tiếp theo để giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp.
Dù không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi, nhưng ông Phượng là người đầu tiên làm nóng cuộc đối thoại được trông chờ nhất, thu hút hàng trăm doanh nghiệp có mặt từ sớm.
“Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị yêu cầu chúng tôi có văn bản xác nhận của Bộ Y tế để được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, nhưng Bộ Y tế nói mặt hàng không thuộc đối tượng phải xin xác nhận là trang thiết bị y tế. Giờ tôi có 2 câu hỏi. Một là, chúng tôi có cần phải xin xác nhận của Bộ Y tế không; hai là, các văn bản của Bộ Y tế thống nhất thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng như của chúng tôi là 5% có được áp dụng không”, ông Phượng đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Mặt hàng của Công ty Đức Hoàng là ghế nha khoa, thuộc mã HS 90184900 với biểu thuế giá trị gia tăng là 5%, đã có phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của Trang thiết bị y tế theo quy định của ngành y tế từ tháng 7/2017. Sau khi nhập khẩu, Công ty bán cho các đối tác trong nước, đã thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% và được các cơ quan thuế nội địa chấp nhận. Tương tự, các đơn vị bán lẻ cũng xuất hóa đơn, cũng kê khai mức mức thuế là 5% và đều được các chi cục thuế địa phương nơi quan lý các doanh nghiệp đó chấp nhận.
Tuy nhiên, khi kiểm tra, Hải quan Cửa khẩu Hữu nghị yêu cầu Công ty khai bổ sung thuế giá trị gia tăng lên 10% vì chưa có văn bản xác nhận của Bộ Y tế.
“Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Y tế xác nhận như yêu cầu của cơ quan hải quan, nhưng Bộ nói không xác nhận vì không cần. Có phải các cơ quan không thống nhất được với nhau, nên đẩy khó khăn cho doanh nghiệp không?”, ông Phượng giải trình rõ thêm với phóng viên Báo Đầu tư.
Đây không phải lần đầu, Công ty Đức Hoàng gửi kiến nghị tới cơ quan hải quan. Trả lời doanh nghiệp ngay tại Hội nghị đối thoại, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thừa nhận, Tổng cục đã có 3 công văn trả lời, nhưng “chắc Công ty chưa hài lòng, nên tiếp tục nêu vấn đề”.
Đáng nói là, câu trả lời lần này của ông Thành tại Hội nghị đối thoại vẫn là “căn cứ các văn bản của Tổng cục Thuế, thì cơ quan Hải quan đã làm đúng. Nếu doanh nghiệp còn vướng mắc thì trao đổi và chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời”.
Doanh nghiệp sẽ đợi đến bao giờ?
Ông Trần Hoàng Hải, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt An đặt câu hỏi này sau khi nhận được câu trả lời cho vướng mắc của doanh nghiệp. Đây cũng là câu hỏi được Luật sư Trương Thanh Đức, đại diện cho Hiệp hội Sắn Việt Nam tham gia Hội nghị đối thoại, đặt ra với lãnh đạo ngành thuế, hải quan.
“Các doanh nghiệp ngành sắn không đề nghị được ưu đãi, chỉ cần được hoàn thuế theo đúng quy định. Các doanh nghiệp và cơ quan thuế đã đối thoại 2 lần và lần này là lần thứ 3”, ông Đức nói.
Trước đó, trả lời doanh nghiệp, lãnh đạo Tổng cục Thuế nói đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh Nghệ An phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm rõ các nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế, nếu đủ điều kiện thì sẽ thực hiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
“Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với các cục thuế có doanh nghiệp vướng mắc liên quan đến hoàn thuế, không chỉ doanh nghiệp tinh bột sắn, mà cả doanh nghiệp gỗ… để giải quyết”, ông Vũ Chí Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại Hội nghị.
Trường hợp của Việt An và một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sắn Việt Nam đã kéo dài từ năm ngoái, khi nhiều hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng mặt hàng tinh bột sắn bị yêu cầu xem xét lại. Một số hồ sơ, trong đó có Công ty Việt An, đã được chuyển sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An (PC03) để điều tra, xác minh.
“Chúng tôi đã nhận được thông tin là các cơ quan công an đã trả lời về tình trạng pháp lý hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp chúng tôi là “không có dấu hiệu tội phạm”. Nhưng đến giờ, Công ty vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía Cục Thuế tỉnh Nghệ An trả lời về nội dung hoàn thuế cho doanh nghiệp”, ông Hải lo lắng.
Không chỉ các doanh nghiệp bột sắn, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ cũng đang trong bối cảnh lo lắng. Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khoản tiền thuế giá trị gia tăng chưa được hoàn của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ lên tới 1.500 tỷ đồng, chưa kể mảng gỗ dán, viên nén. Lý do là cơ quan thuế yêu cầu truy xuất nguồn gốc tới người trồng rừng, với yêu cầu người trồng rừng phải có sổ rừng.
Theo đại diện Hiệp hội, điều kiện này rất khó, vì hiện mới có khoảng 60% có sổ. Hàng hóa thì đã xuất khẩu chính ngạch, đầy đủ giấy tờ, có hóa đơn đầy đủ…
“Số tiền chưa hoàn thuế quá lớn với doanh nghiệp. Khi tôi đang đứng ở đây phát biểu, ở quê nhà, có tới gần một nửa doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hàng triệu hộ trồng rừng mong ngóng doanh nghiệp thu mua. Đề nghị cơ quan thuế xem xét cho hoàn trước, kiểm tra sau”, đại diện Hiệp hội đề nghị.
Ngành thuế, hải quan luôn là vấn đề nóng bỏng, theo nghĩa là nghĩa vụ phải tuân thủ và doanh nghiệp không muốn sai phạm. Thực tiễn kinh doanh luôn luôn biến động, có những phát sinh thực tiễn có vẻ nhỏ, nhưng làm khó không chỉ một vài doanh nghiệp, như câu chuyện ghế nha khoa.
Vì vậy, các cuộc đối thoại thuế, hải quan với doanh nghiệp luôn đông. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp khi đến đây đều tin là các ý kiến của họ đến được các lãnh đạo, sẽ được giải quyết, dù đó là những câu hỏi lớn hay vấn đề của riêng doanh nghiệp.
– Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI
Khánh An
—————-
Đầu tư (Doanh nghiệp) 27-11-2022:
https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lan-can-vi-hoi-ma-khong-co-loi-hoi-dap-ro-rang-d178611.html
(139/1.330)
#thue #haiquan #hiephoisan #godam