Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực ra phương án xử lý trái phiếu đến hạn
(CFF) – Trước sức ép đến hạn của hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm nay và hàng trăm ngàn tỉ đồng trong 2 năm tới, các chuyên gia cho rằng cần sớm triển khai nhiều giải pháp để xử lý tránh hệ lụy cho thị trường tài chính và nền kinh tế.
Áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp. Theo số liệu của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), đến năm 2023 – 2024 ước có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. “Đây là điểm khác biệt “cần xử lý thỏa đáng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho hay.
Thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, mới đây ngày 14/11, Bộ Tài chính cũng cho biết, đối với doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
“Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo Bộ Tài chính, đối với các nhà đầu tư, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. “Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp liên tục bất ổn. Đây là nguyên nhân khiến lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 3 quý đầu năm 2022 giảm mạnh, cùng với đó số lượng trái phiếu được doanh nghiệp mua vào trước hạn tăng mạnh.
Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có xu hướng giảm dần như quý 1 đạt 134.800 tỉ đồng, quý 2 đạt 122.400 tỉ đồng, sang đến quý 3 còn 65.900 tỉ đồng và tháng 10 là 5.800 tỉ đồng. Trong khi đó, lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,8% dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021. Trong 2 tháng cuối năm còn 58.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Trong đó có tới 35.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản phải đáo hạn.
Hiện nay, nhiều lô trái phiếu lớn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản lớn đã đến thời điểm đáo hạn. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản gặp khó khăn cùng chính sách siết tín dụng nên nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng chậm thanh khoản, không xoay xở trả được cho nhà đầu tư.
Theo đó, một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường đã sử dụng phương án chuyển nợ thành sản phẩm bất động sản cùng nhiều cam kết kèm các ưu đãi cho trái chủ. Trong trường hợp khách hàng không muốn chuyển nợ thành sản phẩm bất động sản, có thể tiếp tục gia hạn trái phiếu từ 1-2 năm với mức cam kết lợi nhuận lên đến tối thiểu bằng hoặc lớn hơn gói trái phiếu vừa đến hạn. Đây cũng được xem là khoảng thời gian hợp lí để các doanh nghiệp thương lượng, làm việc với các bên liên quan cân đối dòng tiền và có thanh khoản ổn định.
Trao đổi với chúng tôi, một doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường cho biết: “Trong 10 tháng đầu năm, chúng tôi đã mua trước hạn hàng chục nghìn tỷ trái phiếu. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm do những ảnh hưởng từ chiến trang Nga – Ukraina, cùng với bất ổn của nền kinh tế thế giới, thị trường bất động sản đóng băng đã khiến việc trả toàn bộ tiền trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư bị chậm”.
“Chúng tôi mong nhà đầu tư cảm thông cũng như hết sức tin tưởng vào doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Phương án hoán chuyển nợ thành sản phẩm cho nhà đầu tư với những cam kết chặt chẽ là những nỗ lực tốt nhất hiện tại. Đây cũng là cơ hội nhà đầu tư mua rẻ tài sản”, vị này cho hay.
Bàn về giải pháp để có nguồn vốn cho doanh nghiệp Bất động sản khi trái phiếu đáo hạn, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn quản lý tài sản FIDT từng chia sẻ rằng kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để có nguồn tiền trả nợ trái phiếu đến hạn, các doanh nghiệp sẽ phải bán các tài sản có tính thanh khoản để thu tiền về như tài sản đầu tư, tiền gửi tiết kiệm… “Một cách giải quyết khác đối với lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn đang được một số nước trên thế giới áp dụng là chuyển nợ thành sản phẩm, nghĩa là các trái chủ sẽ được mua sản phẩm như bất động sản của doanh nghiệp với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giá thành hợp lí hơn so với giá thị trường”, ông Tuấn cho biết.
Đánh giá về vấn đề chuyển nợ thành sản phẩm của các doanh nghiệp bất động sản lớn hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, hình thức đơn vị phát hành cho phép trái chủ hoán đổi trái phiếu sang nhà, đất ở các dự án mà họ đang phát triển hoặc áp dụng chính sách tương đương là được phép, hợp pháp, hợp lệ và không vi phạm pháp luật. Đồng thời, luật sư đánh giá rằng đây bài toán đánh đổi rất hợp lý, thể hiện công ty phát hành có năng lực, có trách nhiệm và có tài sản.
Vị chuyên gia luật lí giải, nếu nhà đầu tư có tiền mà chưa có việc gì cấp bách thì có thể đầu tư khi thấy hợp lý, giá cả tiềm năng thì chuyển sang đầu tư thì đảm bảo an toàn chắc chắn hơn vì chúng ta mua tài sản chứ không phải cam kết là tờ giấy nữa. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào quan điểm, tính lâu dài và tùy sản phẩm.
Ngoài ra, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh, nếu đưa ra một quy đổi vượt quá giá thị trường thì sẽ khó chấp nhận, khó thanh khoản. Còn nếu quy đổi bình thường thì hình thức trái chủ hoán đổi trái phiếu sang nhà đất được đánh giá là phương án nên xem xét và nhiều tiềm năng để lựa chọn.
Báo cáo của FiinGroup mới đây cũng cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường nên giữ bình tĩnh và tỉnh táo trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp phát hành. Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/ hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.
Nam Anh
————-
CafeF (Bất động sản) 30-11-2022:
(243/1.430) #BĐS #ANVI