Đề xuất ngân hàng khi tư vấn bán bảo hiểm phải ghi âm chưa thực sự rõ ràng
(DĐDN) – Việc yêu cầu ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin là chưa thực sự rõ ràng, rất khó để áp dụng trên thực tế…
Đó là góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, do Bộ Tài chính soạn thảo và đang lấy ý kiến.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm. Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện.
Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp với ngân hàng để rà soát, xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến việc tư vấn của nhân viên ngân hàng và xử lý sai phạm nếu có.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hầu hết ngân hàng thương mại hiện nay đều đứng ra bán bảo hiểm nhân thọ cho các công ty bảo hiểm. Việc bán bảo hiểm ngày càng được đẩy mạnh để tăng thu nhập cho ngân hàng.
Tuy nhiên, thời gian qua, để đạt doanh số bán bảo hiểm được giao, đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhân viên ngân hàng không trung thực khi tư vấn cho khách hàng, thậm chí sử dụng những “mánh khóe” khiến nhiều người hiểu lầm.
Chẳng hạn khi tư vấn, nhân viên ngân hàng không nói với khách hàng đó là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà nói là chương trình gửi tiết kiệm đặc biệt có quà tặng, là đầu tư hưởng lãi suất cao… Họ cũng không tư vấn những khoản khấu trừ nếu khách hàng hủy hợp đồng lấy lại tiền.
Với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo quy định, sẽ có 21 ngày cân nhắc kể từ khi ký. Khách hàng sau khi cân nhắc, nếu không đồng ý có thể hủy và được trả lại toàn bộ số tiền đã mua bảo hiểm. Nhưng thường nhân viên ngân hàng sẽ không tư vấn cho khách hàng về điều khoản này, thậm chí giữ hợp đồng của khách hàng lại, chờ qua 21 ngày mới bàn giao, khiến khách hàng không biết và muốn cũng không thể hủy được.
Có lẽ vì vậy, Bộ Tài chính muốn đưa ra quy định phải ghi âm nội dung tư vấn và lưu lại, cũng như yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng, để quản lý tốt hơn hoạt động này, tránh những rủi ro cho khách hàng.
Góp ý cho dự thảo thông tư này, VCCI cho rằng, việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề trên là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung của dự thảo chưa thực sự rõ ràng và rất khó để áp dụng trên thực tế.
Cụ thể, quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm thì các doanh nghiệp khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email sẽ phải thực hiện ghi âm như thế nào?
Việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn,… ); các nội dung kiểm tra là gì (các câu hỏi nào); việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không?
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các nội dung trên để tạo thuận tiện cho quá trình thực hiện.
Khôi Nguyên
——————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Diễn đàn pháp luật) 05-12-2022:
(44/839) #baohiem #ANVI