3.345. Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ!

(NB&CL) – Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc…

Chi phí phục vụ cuộc sống tăng cao, rất nhiều người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho rằng đã đến lúc cần sửa Luật thuế TNCN để nhắc đến luật này không chỉ là thông tin tăng thu, mà còn là sự chia sẻ, nhân văn của Nhà nước. Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế rà soát các chính sách thuế thu nhập cá nhân để trình Chính phủ hỗ trợ người nộp thuế. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc…

Thuế nắm người… ít tóc

Thuế TNCN là sắc thuế đánh trên thu nhập phát sinh của cá nhân, bao gồm thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế, nhận quà tặng là tải sản phải đăng ký.

Trong số đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động theo hợp đồng lao động và của cán bộ, viên chức theo hợp đồng làm việc là khoản thu được kê khai và đóng thuế minh bạch và đầy đủ vì công việc này được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp với quy định chặt chẽ về kê khai, kiểm toán, xử phạt vi phạm… cũng như để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Người dân đăng ký thuế tại Cục Thuế TP.HCM.

Trong khi đó, các nguồn thu khác do các cá nhân tự kê khai trên cơ sở các minh chứng do họ cung cấp, nên khả năng thất thoát do gian lận về thuế có thể cao hơn. Hay nói cách khác, đứng dưới góc độ lý thuyết, có thể dự đoán được rằng thu nhập từ tiền lương của người lao động sẽ là khoản “dễ thu” và ít thất thoát thuế.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nguồn thu của các cá nhân từ những ngành nghề phi truyền thống ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, chẳng hạn nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, bán hàng online, quảng cáo từ các nền tảng chia sẻ, livestream… lại được hưởng một mức thuế suất thấp hơn nhiều – dao động trong khoảng 0,5-5% thu nhập, thấp hơn nhiều so với thuế suất của tiền lương, tiền công, nên đã gây ra nhiều tranh cãi.

Như vậy có thể thấy, người lao động làm công ăn lương hiện tại đang chịu nhiều gánh nặng hơn các chủ thể phát sinh thu nhập khác trong mối quan hệ về thuế, trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất trong xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của họ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nói chung của xã hội.

Xin đừng thờ ơ

Để sòng phẳng với người nộp thuế, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, đề nghị cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại luật này và bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Trước tiên, mức thuế bậc đầu tiên cần hạ xuống 1-2% để khuyến khích tính tuân thủ của người nộp thuế. Vì mức thuế quá cao 5% ở bậc 1 được xem là gánh nặng đối với người nộp thuế.

Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, đề nghị phải nâng mức giảm trừ gia cảnh hằng tháng lên mức 20 triệu đồng cho người nộp thuế và 10 triệu đồng/người phụ thuộc. Đặc biệt, người nộp thuế phải được trừ các khoản chi chính đáng như tiền mua nhà, thuê nhà, trả lãi vay ngân hàng cho mua nhà, học phí con, cho bản thân…

Đây là những chi tiêu thiết yếu, vô cùng thiết thực của người dân. Nên khoản chi nào có biên lai, hóa đơn chứng từ là được trừ trước khi tính thuế TNCN” – ông Tú đề nghị.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, trong lúc thu ngân sách chín tháng đầu năm đã bằng 94% dự toán, Bộ Tài chính cần đề xuất miễn giảm 50% thuế TNCN năm 2022 cho người làm công ăn lương để hỗ trợ họ trong cơn bão giá trên tinh thần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.

Ngoài ra để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh hằng năm. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng năm trước biến động bao nhiêu thì điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo là bấy nhiêu.

Còn về lâu dài cần thiết kế lại Luật thuế TNCN, ngay từ tư duy đánh thuế để người làm công ăn lương thật sự cảm thấy tự hào khi được nộp thuế, được đóng góp cho ngân sách thay vì cảm thấy ấm ức do nộp thuế nhiều nhưng đời sống khó khăn vì giảm trừ luôn chậm hơn biến động giá cả.

Cần “một cuộc cách mạng” cho phù hợp?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính thuế cho rằng, quy định cho giảm trừ gia cảnh hiện tại là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. Mức giảm trừ này phải tăng cao hơn nữa.

Lần sửa đổi sắp tới trong luật cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18-20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng”, ông Thịnh đề xuất.

Cùng quan điểm với hướng đề xuất của ông Thịnh, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI kiến nghị cần phải sửa Luật thuế TNCN cho đúng nguyên tắc. Bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do vậy, Luật Thuế TNCN sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

Còn theo PGS.TS. Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), theo quy định khi nào CPI tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời. Thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Để quy định trong luật không lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, vị chuyên gia này đề xuất, vào cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng hay giảm bao nhiêu thì mức giảm trừ gia cảnh cũng được điều chỉnh tương ứng.

Những đề xuất trên của các chuyên gia như “một cuộc cách mạng” đối với chính sách thuế TNCN, cả về cơ cấu lẫn mức độ. Liệu đây có là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, có là điều có thể kỳ vọng nếu xem xét điều chỉnh luật tới đây?

Khánh An

————–

Công luận (Góc nhìn) 09-12-2022:

https://www.congluan.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-nhanh-voi-chu-voi-vang-len-voi-chu-post225834.html

(190/1.388) #TNCN #thue #CPI

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,827