(VNN) – Chuyện cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là nhẹ nhàng và đơn giản đối với đại đa số người dân trong bối cảnh vật giá leo thang.
Tham khảo trang cơ sở dữ liệu dành cho người dùng trên toàn thế giới, (https://www.numbeo.com), chi phí sinh hoạt hằng tháng, chưa bao gồm chi phí thuê nhà, tại thời điểm tháng 10/2022 của một người ở Việt Nam vào khoảng 10,8 triệu đồng/tháng và của một gia đình bốn người là khoảng 38,5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tổng giảm trừ gia cảnh cho mục đích tính thuế, với một gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 con của Việt Nam chỉ 30,8 triệu đồng/tháng. Nhiều chi phí như: mua bảo hiểm nhân thọ, mua bảo hiểm sức khỏe, khám chữa bệnh, giáo dục… do người lao động tự chi trả, không được đưa vào danh sách các khoản giảm trừ trước tính thuế thu nhập cá nhân.
Rồi quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc, nhưng với một người già nghỉ hưu, hưởng lương hưu 3 triệu/tháng, không đủ để trang trải, vẫn phải nhận sự hỗ trợ từ các con, vậy mà số tiền hỗ trợ này, các con lại không được tính giảm trừ gia cảnh.
Người dân mong chờ sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Ảnh Hoàng Hà.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2013, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhânmới được điều chỉnh đúng một lần, từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2020. Hơn nữa, Luật có quy định, khi CPI biến động trên 20%, thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả.
Luật Thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực hơn 9 năm nay đã bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là quy định về mức khởi điểm chịu thuế và CPI như nêu trên. Chẳng hạn, CPI tính đến tháng 11/2022 đã tăng gần 10% so với năm 2019, trong đó những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng vượt mức tăng thu nhập của người lao động. Đó là mới so CPI hiện nay với cách đây 4 năm chứ chưa so với năm 2013 khi Luật có hiệu lực.
Có nhiều điều đáng nói về chỉ số CPI. Danh mục CPI hiện nay bao gồm tới 752 mặt hàng, nhưng đối với người lao động, chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu như: thịt, cá, rau, gạo, quần áo, xăng dầu, điện, nước, sữa, học phí khám chữa bệnh… Những mặt hàng còn lại không hề tác động hay liên quan đến đời sống hằng ngày của họ. Do vậy, sẽ rất bất hợp lý nếu phải chờ đợi chỉ số CPI chung tăng trên 20% để làm căn cứ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh. Chờ biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, là khá chậm trễ và không kịp phản ánh thực tế gánh nặng giá cả lên người lao động.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, học phí, viện phí và rất nhiều loại chi phí khác đã tăng gấp nhiều lần, so với 10 năm trước. Không ai hiểu vì sao vẫn quy định mức giảm trừ gia cảnh dành cho người lao động là 11 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Rồi quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền.
Một số quy định trong Luật thuế thu nhập cá nhân đang, gây bất lợi cho người nộp thuế. Ảnh Hoàng Hà.
Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, trong 11 tháng năm 2022 số thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 152.123 tỷ đồng, tăng gần 129% so với dự toán và tăng hơn 130% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ tiền lương tiền công tăng 19,6%, thu từ chuyển nhượng bất động sản tăng 80,7%. Đây là số thu thuế cao nhất từ 10 năm trở lại đây.
Vào đầu năm 2018, trong văn bản lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đã thừa nhận một số quy định trong luật, gây bất lợi cho người nộp thuế.
Mấu chốt trong Luật thuế thu nhập cá nhân mà người dân mong chờ sửa nhất đó là mức giảm trừ gia cảnh. Mới đây, cử tri một số địa phương đã có kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, đã trải qua bao nhiêu đợt bão giá hàng hóa, người dân đang phải “gồng” mình, thắt lưng buộc bụng. Nhưng theo kế hoạch của Bộ Tài chính thì còn phải chờ thêm 3 năm nữa.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cần sửa đổi toàn diện, bằng cách thiết kế lại luật thuế Thu nhập cá nhân, bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Các mức thuế cần phải phù hợp với người nộp thuế. Phải nâng mức giảm trừ gia cảnh hàng tháng lên. Đặc biệt, người nộp thuế phải được trừ các khoản chi chính đáng như tiền mua nhà, thuê nhà, trả lãi vay ngân hàng và cho các nhu cầu thiết yếu…
Chẳng hạn, mức giảm trừ gia cảnh phải căn cứ vào mức sống tối thiểu trên thực tế của người dân. Trong đó, các cơ quan thống kê sẽ tính toán gồm các chi phí tối thiểu từ học hành, khám chữa bệnh hay nhu cầu ăn mặc, nói chung là một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn. Khi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng lên thì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải tăng lên.
Như vậy, việc sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân là nhu cầu thiết yếu của rất nhiều người để phù hợp với thực tế hiện nay. Dưỡng sức dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu để phát triển hài hòa.
Trần Thuỷ
—————
VNN (Tuần Việt Nam) 07-12-2022:
https://vietnamnet.vn/duong-suc-dan-tu-goc-do-thue-thu-nhap-ca-nhan-2088363.html
(174/1.107) #thue #TNCN #CPI