Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần bắt đầu từ “tư duy… đánh thuế”
(DĐDN) – Trước những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân, để sòng phẳng với người nộp thuế, chuyên gia đề nghị, cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại Luật này…
Theo kế hoạch, trong năm 2023-2025, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua và ban hành luật sửa đổi vào năm 2025. Tuy nhiên, khi chi phí thực tế phục vụ cuộc sống tăng cao, gánh nặng của người nộp thuế ngày một lớn, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần sửa Luật này ngay lập tức thay vì chờ đợi đến 2025.
Và để Luật Thuế thu nhập cá nhân phù hợp với thực tế cuộc sống, không tạo gánh nặng cho người nộp thuế, theo các chuyên gia, cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại Luật này và bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Đặc biệt là các quy định về phương pháp tính mức giảm trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc, quy định về đối tượng phụ thuộc,…
Bởi trên thực tế, thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế đánh trên thu nhập phát sinh của cá nhân, bao gồm thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế, nhận quà tặng là tải sản phải đăng ký.
Trong số đó, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động theo hợp đồng lao động và của cán bộ, viên chức theo hợp đồng làm việc là khoản thu được kê khai và đóng thuế minh bạch và đầy đủ vì công việc này được thực hiện bởi các tổ chức, doanh nghiệp với quy định chặt chẽ về kê khai, kiểm toán, xử phạt vi phạm… cũng như để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi, các nguồn thu khác do các cá nhân tự kê khai trên cơ sở các minh chứng do họ cung cấp, nên khả năng thất thoát do gian lận về thuế có thể cao hơn. Hay nói cách khác, đứng dưới góc độ lý thuyết, có thể dự đoán được rằng thu nhập từ tiền lương của người lao động sẽ là khoản “dễ thu” và ít thất thoát thuế.
Chưa kể, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, nguồn thu của các cá nhân từ những ngành nghề phi truyền thống ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, chẳng hạn nguồn thu từ kinh doanh bất động sản, bán hàng online, quảng cáo từ các nền tảng chia sẻ, livestream… lại được hưởng một mức thuế suất thấp hơn nhiều – dao động trong khoảng 0,5-5% thu nhập, thấp hơn nhiều so với thuế suất của tiền lương, tiền công, đã và đang tạo nên sự bất bình đẳng, gây nhiều tranh cãi.
>> Sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Quy định mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời
Để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại luật này và bắt đầu từ tư duy đánh thuế – Ảnh minh họa: Internet
Trước thực tế đã nêu, để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề nghị, cần sửa đổi toàn diện bằng cách thiết kế lại luật này và bắt đầu từ tư duy đánh thuế. Trước tiên, mức thuế bậc đầu tiên cần hạ xuống 1-2% để khuyến khích tính tuân thủ của người nộp thuế. Vì mức thuế quá cao 5% ở bậc 1 được xem là gánh nặng đối với người nộp thuế.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng kiến nghị, cần phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc. Bởi, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế.
“Do vậy, Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước,… phải được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân”, Luật sư Đức bày tỏ.
Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, chuyên gia về thuế – Nguyễn Ngọc Tú đề nghị, phải nâng mức giảm trừ gia cảnh hàng tháng lên mức 20 triệu đồng cho người nộp thuế và 10 triệu đồng/người phụ thuộc. Đặc biệt, người nộp thuế phải được trừ các khoản chi chính đáng như tiền mua nhà, thuê nhà, trả lãi vay ngân hàng cho mua nhà, học phí con, cho bản thân…
“Đây là những chi tiêu thiết yếu, vô cùng thiết thực của người dân. Nên khoản chi nào có biên lai, hóa đơn chứng từ là được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Cùng với những nội dung đề nghị đã nêu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước mắt, trong lúc thu ngân sách chín tháng đầu năm đã bằng 94% dự toán, Bộ Tài chính cần đề xuất miễn giảm 50% thuế thu nhập cá nhân năm 2022 cho người làm công ăn lương để hỗ trợ họ trong cơn bão giá trên tinh thần khoan sức dân và nuôi dưỡng nguồn thu.
Ngoài ra, để đảm bảo công bằng, sòng phẳng với người nộp thuế, mức giảm trừ gia cảnh cần được điều chỉnh hàng năm, theo đó, chỉ số giá tiêu dùng năm trước biến động bao nhiêu thì điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho kỳ tính thuế tiếp theo là bấy nhiêu.
Còn về lâu dài, cần thiết kế lại Luật Thuế thu nhập cá nhân, ngay từ tư duy đánh thuế để người làm công ăn lương thật sự cảm thấy tự hào khi được nộp thuế, được đóng góp cho ngân sách thay vì cảm thấy ấm ức do nộp thuế nhiều nhưng đời sống khó khăn vì giảm trừ luôn chậm hơn biến động giá cả.
GIA NGUYỄN
————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 12-12-2022:
(327/1.153) #TNCN #thue