Hợp tác công – tư vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ: Chính sách chưa thu hút được nhà đầu tư
(KT&ĐT) – Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thu hút nguồn lực xã hội vào các dự án công cùng Nhà nước.Tuy nhiên, hiện có rất ít dự án PPP triển khai trong thời gian qua.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đẩy mạnh hợp tác công tư như quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không chỉ ở lĩnh vực giao thông mà cần áp dụng trong quản lý công viên, trụ sở, sân vận động, quản lý nhà khách. Chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận quan tâm đặc biệt, nhất là gần đây thông tin về sân vận động quốc gia Mỹ Đình đang bị dư luận Đông Nam Á, châu Á và trong nước chỉ trích thậm tệ do xuống cấp, hoặc một số công viên tại các khu đô thị bị bỏ phí không khai thác…
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực công
Sự nhếch nhác của sân Mỹ Đình được thể hiện qua những hình ảnh mà hàng triệu người hâm mộ bóng đá nhìn thấy trên truyền hình như cỏ trên sân đấu vàng úa, mặt sân lỗ chỗ, mấp mô, ghế ngồi của khán giả vỡ hỏng, phủ kín bụi… Những hình ảnh này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành thể thao mà còn đặt ra những câu hỏi về nguồn lực trong bảo đảm duy tu, duy trì những công trình cộng đồng. Trước đó, TP Hà Nội cũng đã có những động thái quyết liệt trong việc cải tạo, sửa chữa Công viên Thống Nhất (Hà Nội) sau nhiều năm đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến nhu cầu vui chơi, tập thể dục của người dân.
Không chỉ công viên Thống Nhất, sân bóng Mỹ Đình, còn hàng loạt công viên Thủ Lệ, Bách Thảo, Cầu Giấy hay Tuổi trẻ… đều có nhiều hạng mục xuống cấp, bỏ hoang. Nhiều công viên, sân vận động trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí một số điểm trở thành bến cóc, kinh doanh buôn bán tự phát… Nhiều ý kiến cho rằng, đó là một sự lãng phí rất lớn cần phải khắc phục. Những lãng phí đó có nhiều nguyên nhân từ lịch sử, nguồn lực, nhìn nhận đánh giá, nhưng đã đến lúc cần bắt tay vào làm cho tốt hơn, hướng đến tương lai.
Theo các chuyên gia, trong định hướng, chúng ta cần phải phát triển đồng thời cả hai đặc tính của công viên nói chung và các công trình công cộng nói riêng: Một là đặc tính phúc lợi xã hội của Nhà nước để đảm bảo quyền sử dụng của tất cả người dân. Hai là đặc tính kinh tế để có thể thu hút sự đầu tư từ khu vực tư nhân nhằm nâng cao chất lượng công viên, từ đó nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Và mô hình phù hợp chính là hợp tác công – tư.
Chỉ đạo về đẩy mạnh hơn nữa mô hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hạ tầng cho phát triển kinh tế, văn hóa, đặc biệt là hạ tầng giao thông cần nguồn lực rất lớn, nếu không hợp tác công – tư, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội thì chúng ta rất khó có thể đủ nguồn lực để triển khai, vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. “Dư địa thúc đẩy hợp tác công – tư còn rất lớn. Vì thế, việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác theo mô hình này nhằm kích hoạt mọi nguồn lực xã hội chính là một trong những nhiệm vụ lớn của Bộ KH&ĐT cần quan tâm để tham mưu cho Chính phủ” – Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Những bất cập cần khắc phục
Theo báo cáo của Văn phòng Hợp tác công tư (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT) nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam rất lớn nên việc thiếu hụt về nguồn vốn rất lớn. Với việc Chính phủ đảm nhiệm 90% chi tiêu cho kết cấu hạ tầng và mức đầu tư công chiếm 8% GDP, Việt Nam rất khó tăng ngân sách cho lĩnh vực hạ tầng. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thu hút nguồn lực xã hội vào các dự án công cùng Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện có rất ít dự án PPP triển khai trong thời gian qua. Một số quy định trong Luật PPP và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án hạ tầng theo hình thức PPP.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Quang Dũng phản ánh, trong triển khai dự án PPP, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các thủ tục mất rất nhiều thời gian, kéo dài từ 1,5 – 2 năm. Quy định DN được thành lập chỉ có mục đích duy nhất là để ký kết hợp đồng và thực hiện dự án PPP là không phù hợp với quyền được kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bởi trên thực tế, DN thực hiện dự án PPP còn kinh doanh các lĩnh vực khác để bổ trợ, chẳng hạn như kinh doanh trạm dừng nghỉ, huy động thêm vốn, bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu…
Một DN xây lắp lớn cho hay, thông thường DN phải ứng trước vốn để đầu tư, sau đó cơ quan Nhà nước mới thẩm định, phê duyệt và chỉ sau khi quyết toán xong mới làm cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, khi ứng trước vốn đầu tư thì đó là tiền thật, nhưng khi làm thủ tục thanh toán thì DN vấp phải rào cản thủ tục. Có khi tiền đã bỏ ra vài năm nhưng vẫn chậm được thanh toán. Với mức lãi suất ngân hàng mà thời gian chờ thanh toán kéo dài khiến DN không mặn mà với những dự án theo hình thức PPP. Bên cạnh đó, cũng những lý do khác như suất đầu tư ở khu vực nông thôn cao, chiếm tới 2/3 tổng chi cho cả hệ thống, lại khó quản lý và sử dụng của người dân nông thôn quá thấp…
Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Châu Việt Bắc nhấn mạnh, nhiều dự án PPP cũng trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư do thiếu các công cụ chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên, nhà đầu tư cũng chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tại các địa phương, hầu hết chưa có kế hoạch PPP cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trừ một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh có lập kế hoạch trung hạn nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch dự án chưa cao.
Giải tỏa khung pháp lý: Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro
Để thúc đẩy hơn nữa phương thức đầu tư PPP trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu Trần Hào Hùng cho rằng, các chính sách liên quan đến khung pháp lý về PPP cần được ban hành đồng bộ, cùng hướng đến mục tiêu thu hút tư nhân, phù hợp với mục tiêu, tính chất và đặc điểm dự án PPP trong từng lĩnh vực cụ thể. Cùng với đó, cần nhiều yếu tố khác như môi trường đầu tư hấp dẫn, kinh tế vĩ mô ổn định, mức độ tín nhiệm quốc gia tốt hơn và phải nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đa dạng thị trường vốn…
Việc tổ chức thực thi của mỗi bộ, ngành, địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng để các quy định của pháp luật đi vào thực tiễn nhanh, hiệu quả… “Sự tham gia của tư nhân trong PPP có nghĩa là Nhà nước chuyển giao một phần rủi ro sang nhà đầu tư tư nhân, trong khi mục tiêu của nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, việc phân bổ rủi ro và lợi ích kinh tế giữa các nhà đầu tư dự án PPP cần tính toán cẩn thận, đảm bảo thu hút được nhà đầu tư tham gia dự án”- ông Trần Hào Hùng bày tỏ.
Về phía Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023, Bộ tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, nhất là thu hút nguồn lực tư nhân vào đổi mới khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Việc quy định nguồn vốn huy động hợp pháp bao gồm cả vốn tín dụng, trái phiếu, vốn hợp tác kinh doanh khác… giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc huy động vốn cho các dự án PPP. Ngoài ra, quy định bảo lãnh doanh thu đối với cả 2 trường hợp doanh thu tăng, giảm đã khiến ngân hàng yên tâm hơn trong quyết định đầu tư cùng Nhà nước. Tuy nhiên, do luật mới, nên thủ tục triển khai vẫn còn mất nhiều thời gian.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng
Hoàng Xuân Ánh
Bản chất của phương thức đối tác công tư là Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng ký hợp đồng để phân chia lợi ích, rủi ro cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong việc xây dựng công trình hay cung cấp một dịch vụ công nào đó. Như vậy, hai chủ thể này là đối tác bình đẳng theo pháp luật dân sự thông qua hợp đồng dự án. Tuy nhiên, các quy định về PPP chưa rõ về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể này…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Thảo Nguyên
——————
Kinh tế & Đô thị (Tài chính Chứng khoán) 09-01-2023:
https://kinhtedothi.vn/chinh-sach-chua-thu-hut-duoc-nha-dau-tu.html
(97/1.838) #PPP