3.362. Vai trò quan trọng của tín dụng tiêu dùng là hỗ trợ người dân tránh “tín dụng đen”

(TH&CL) – Hiện chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận, không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Số liệu thống kê thực tế cho thấy, hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, chưa kể sự bùng phát của các app cho vay với thủ tục nhanh gọn lôi kéo người dân có nhu cầu vay nhanh.

Ảnh minh họa internet.

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ Trưởng vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vai trò quan trọng của tín dụng tiêu dùng là giúp đỡ bà con nông dân ở vùng nông thôn.

Theo ông Nguyễn Tú Anh: “Tín dụng tiêu dùng hỗ trợ cho một cộng đồng người không tiếp cận được tín dụng chính thức. Tín dụng tiêu dùng không chỉ cung cấp tiêu sản mà cung cấp một dạng tài sản lưỡng dụng, ví dụ như người ta vay mua một xe máy để dùng thì xe máy đó là vật để tiêu dùng nhưng cũng là công cụ để bà con vùng nông thôn vùng sâu vùng xa đưa hàng hóa ra chợ sản sinh thêm tài sản, tín dụng tiêu dùng đang hỗ trợ như vậy cho nền kinh tế này”.

Thực tế, hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng các nhu cầu vốn của nhiều người dân.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói về thực trạng các các tổ chức không được cấp phép vẫn cho vay, huy động vốn trái pháp luật: “Tất cả những đơn vị không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép không được sử dụng những tên như ngân hàng hay công ty tài chính gây hiểu lầm cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều công ty, app trôi nổi không được phép ngang nhiên cho vay hay huy động tiền rất phổ biến”.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; nên xem xét, tính toán để hạn mức tín dụng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù của loại hình này, không đánh đồng như ngân hàng thương mại.

Công ty tài chính được thực hiện những hoạt động nào?

Căn cứ Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính là một trong 03 mô hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

“Tất cả những đơn vị không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép không được sử dụng những tên như ngân hàng hay công ty tài chính gây hiểu lầm cho khách hàng. Ảnh internet.

Mục 3 Chương IV Luật Các tổ chức tín dụng quy định về hoạt động của các công ty tài chính như sau:

– Công ty tài chính được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như:

+ Nhận tiền gửi của tổ chức;

+ Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu để huy động vốn của tổ chức;

+ Vay vốn của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

+ Cho vay, bao gồm vay trả góp, cho vay tiêu dùng;

+ Bảo lãnh ngân hàng;

+ Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;

+ Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

– Ngoài ra, công ty tài chính cũng được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần; thực hiện các hoạt động kinh doanh khác như:

+ Tham gia thị trường tiền tệ; mua, bán, bảo lãnh trái phiếu;

+ Đại lý phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;

+ Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

+ Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.

+ Tư vấn ngân hàng, tài chính, đầu tư.

+ Quản lý, bảo quản tài sản của khách hàng…

Hoạt động của ngân hàng và công ty tài chính giống, khác nhau như thế nào?

Dựa vào các quy định về hoạt động của ngân hàng và công ty tài chính, có thể thấy cả hai đều có rất nhiều hoạt động tương đồng, trong đó công ty tài chính cũng được thực hiện hầu hết các hoạt động ngân hàng phổ biến như cho vay, nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu…

Tuy nhiên, phạm vi hoạt động nghiệp vụ của công ty tài chính bị pháp luật giới hạn hơn so với ngân hàng. Đồng thời, công ty tài chính không được thực hiện các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

Bên cạnh đó, khi so sánh về mức vốn pháp định thì vốn pháp định của ngân hàng cao hơn của công ty tài chính rất nhiều. Cụ thể, Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định vốn pháp lệnh của các tổ chức tín dụng như sau:

– Ngân hàng thương mại: 3.000 tỷ đồng.

– Ngân hàng chính sách: 5.000 tỷ đồng.

– Ngân hàng hợp tác xã: 3.000 tỷ đồng.

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu USD.

– Công ty tài chính: 500 tỷ đồng.

– Công ty cho thuê tài chính: 150 tỷ đồng.

– Tổ chức tài chính vi mô: 05 tỷ đồng.

– Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã: 0,5 tỷ đồng.

– Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một phường hoặc liên xã, liên xã phường, liên phường: 01 tỷ đồng.

Công Huy (t/h)

———————

Thương hiệu & Công luận (Kinh tế) 29-01-2023:

https://thuonghieucongluan.com.vn/vai-tro-quan-trong-cua-tin-dung-tieu-dung-la-ho-tro-nguoi-dan-tranh-tin-dung-den-a187533.html

(88/1.389) #taichinh #NHNN 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,648