3.373. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phải đảm bảo tính khả thi

(BCT) – Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần rà soát tính đồng bộ với các Luật khác, tránh chồng chéo, có tính khả thi cao, dễ nhớ,nhanh đi vào cuộc sống

Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra ngày 9/2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

“Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học và Ban soạn thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan sẽ có thông tin đầy đủ hơn, nhiều chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định” – ông Lê Quang Huy cho hay.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về: Khái niệm người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ nền tảng số; trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; về việc hòa giải và hình thức giải quyết tranh chấp; vai trò của cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phương thức bán hàng đa cấp…

Về định nghĩa “người tiêu dùng”, ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam nêu quan điểm: Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện tại đang đưa ra hai hướng quy định, mà theo quan điểm của chúng tôi là đều chưa hợp lý.

Cụ thể, ông Trần Mạnh Hùng cho rằng, thuật ngữ “người tiêu dùng” đang có phạm vi quá rộng và có thể bao gồm cá nhân có hoạt động mua/sử dụng hàng hóa và/hoặc dịch vụ ở bất cứ đâu trên thế giới chứ không chỉ giới hạn ở đối tượng là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều có đạo luật riêng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó, và hơn nữa việc Việt Nam áp dụng luật này với người tiêu dùng ở các quốc gia khác là không thể về khía cạnh thực thi.

Đại diện Baker McKenzie Việt Nam kiến nghị, để hoàn thiện quy định về định nghĩa người tiêu dùng, cần bổ sung cụm từ “tại Việt Nam” hoặc “trên lãnh thổ Việt Nam” vào sau cụm từ “Người tiêu dùng là cá nhân” tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật.

Ngoài ra, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và sự hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần xem xét loại bỏ các quy định trong dự án Luật về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng (nếu có), chỉ nên quy định dưới dạng dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bởi điều này là phù hợp với chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một khung khổ pháp lý chung, thống nhất trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu của cá nhân.

Đề cập quy định về vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Khoản 3, Điều 55 và các khoản 3, 4, 5, Điều 56 quy định: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng trong việc thương lượng. Việc này có nghĩa là người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ. Việc thương lượng diễn ra rất nhiều trên thực tế; kết quả thương lượng do các bên thiện chí thực hiện mà không có giá trị pháp lý bắt buộc; vai trò tham gia của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội chỉ có ý nghĩa hỗ trợ. Vì vậy, không cần thiết yêu cầu cùng một lúc cả 2 tổ chức này tham gia hỗ trợ trong mọi trường hợp.

Theo ông Trương Thanh Đức cần xem xét chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định. Các khoản 5 và 6, Điều 56 quy định về thời hạn báo cáo kết quả cho cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội dựa vào “thời điểm kết thúc thương lượng”. Tuy nhiên, không xác định được khi nào là thời điểm kết thúc thương lượng. Do vậy, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng đồng thời cần ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người yếu thế, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người tàn tật, khuyết tật, người nghèo…

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung – Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế được hiệu quả hơn, trong dự án Luật cần quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trọng tài trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng

Đề cập về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi các nền tảng số, dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng đa dạng, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết, một số phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc bắt buộc phải cài đặt cùng với nền tảng là để đảm bảo nền tảng hoạt động bình thường, đúng như được thiết kế. Nếu gỡ bỏ hoặc không cài đặt các phần mềm, ứng dụng đó, nền tảng sẽ không hoạt động bình thường, không cung cấp được đầy đủ các tính năng như được thiết kế (như đã cam kết với người tiêu dùng).

Các nền tảng số thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng của mình thông qua cập nhật, bổ sung các phần mềm, ứng dụng. Người dùng có thể chọn không dùng các tính năng này nhưng không thể gỡ hoặc không cài đặt các ứng dụng này khi cập nhật các bản nâng cấp nền tảng. Các nền tảng số, nhất là nền tảng khởi nghiệp cần nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này có thể yêu cầu cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng của họ trên nền tảng và ứng dụng này không thể gỡ bỏ bởi người dùng. Nếu điều kiện này không được đáp ứng thì họ sẽ không đầu tư.

Mô hình chia sẻ doanh thu giữa nền tảng và các ứng dụng rất phổ biến (ví dụ ứng dụng tìm kiếm của Google được cài đặt sẵn trên nhiều nền tảng, thiết bị). Cốc Cốc cũng có thể hợp tác với B-Phone để cài sẵn Cốc Cốc trên điện thoại này. Nếu bị cấm, cơ hội phát triển của Cốc Cốc sẽ bị ảnh hưởng. Với lý lẽ nêu trên, ông Vũ Tú Thành đề nghị bỏ quy định này khi đóng góp vào Điều 10.3 về Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số bị cấm.

Về bảo đảm tính liêm chính của các tổ chức bênh vực người tiêu dùng, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, dự thảo đã quy định tại các điều 49, 50, 51 và 52 về các tổ chức bênh vực người tiêu dùng với những quyền năng quan trọng như hướng dẫn, tư vấn, đại diện và khởi kiện vì người tiêu dùng. Dự thảo cũng khẳng định sự hỗ trợ tài chính để bảo đảm cho họ hoạt động từ ngân sách nhà nước. Tuy vậy, các tổ chức này không mất đi quyền tự chủ tài chính. Họ có thể nhận tài trợ, bán dịch vụ cho người tiêu dùng hoăc chính các doanh nghiệp được đánh giá, xếp hạng sản phẩm.

“Điều cần bàn là, việc bán dịch vụ tự sản xuất (sách, cẩm nang, xuất bản phẩm khác) hoặc dịch vụ kèm theo (quảng cáo, tiếp thị liên kết trên web, các nền tảng truyền thông, xuất bản phẩm), nhận tài trợ của họ có bảo đảm tính liêm chính, bảo đảm vì người tiêu dùng, hay lại chỉ là thực hiện hành vi bị cấm đối với người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn như quy định tại điều 10, khoản 1, điểm h nhưng lại ở quy mô lớn hơn? Chúng tôi cho rằng, cần chi tiết việc bán dịch vụ và nhận tài trợ của các tổ chức bênh vực người tiêu dùng để họ có thể hoạt động tốt, tự chủ và thực hiện bổn phận xã hội quan trọng của mình” – ông Ngô Vĩnh Bạch Dương đề xuất.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) phải đảm bảo tính khả thi

Ngoài ra, về việc sử dụng thuật ngữ trong dự thảo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, dự thảo sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm” tới 102 lần nhưng với nhiều nội hàm khác nhau như: “nghĩa vụ pháp lý”, “bổn phận chính trị”, “bổn phận đạo đức” và “hậu quả bất lợi do vi phạm nghĩa vụ”. Khoa học pháp lý và truyền thông pháp luật ở Việt Nam chủ yếu sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm” với nội hàm “hậu quả bất lợi do vi phạm nghĩa vụ”. Đạo luật có mục đích ràng buộc thêm “nghĩa vụ pháp lý” đối với các thương nhân nhằm đạt tới sự cân bằng thông tin, cân bằng vị thế trong việc ra quyết định của người tiêu dùng, tuy nhiên, thuật ngữ “nghĩa vụ” – theo nghĩa “nghĩa vụ pháp lý” chỉ được sử dụng 8 lần. Cách trình bày này có thể gây khó hiểu, hoặc nhầm lẫn.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và cơ quan có liên quan cân nhắc thay thế thuật ngữ “trách nhiệm” khi diễn đạt các nội hàm khác nhau.

Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp, bà Tạ Dịu Thương, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, quy định của hợp đồng bán hàng đa cấp, cũng như định nghĩa về bán hàng đa cấp tại Khoản 7 Điều 3 dự án Luật, người tham gia bán hàng đa cấp được doanh nghiệp trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của những người khác trong mạng lưới. Người tham gia bán hàng đa cấp không phải là nhân viên của doanh nghiệp cũng như không đại diện cho doanh nghiệp trong giao dịch bán hàng cho người tiêu dùng.

Với cách tiếp cận xuyên suốt như vậy, việc quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp” tại điểm đ Khoản 1 Điều 45 dự án Luật là chưa phù hợp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không nên và không thể chịu trách nhiệm cho hành vi của một chủ thể khác trong mối quan hệ của chủ thể đó với người tiêu dùng.

Mối quan hệ bán hàng của cá nhân bán hàng đa cấp cho người tiêu dùng có liên quan tới hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do đó, doanh nghiệp sẽ chỉ chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được người tham gia bán hàng đa cấp bán cho người tiêu dùng. Trách nhiệm sản phẩm được quy định tại các pháp luật liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cũng đã được quy định tại Khoản 2 Điều 33 Dự thảo Luật.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến việc bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh công nghệ số, công nghệ thông tin phát triển; bảo vệ thông tin dữ liệu của người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là văn bản có liên quan tới nhiều chủ thể, có phạm vi tác động rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, vì vậy, các ý kiến tham gia đóng góp, hoàn thiện Dự thảo Luật là dữ liệu quan trọng, góp phần giúp các cơ quan liên quan có cái nhìn sâu rộng, đa dạng hơn đối với các vấn đề được quy định trong Dự thảo.

“Những ý kiến, đề xuất của dự án Luật sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ hơn để trình Quốc hội cho ý kiến, đóng góp tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm đảm bảo tốt hơn lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các doanh nghiệp đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Để dự án Luật trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới đạt hiệu quả, chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác; tránh sự chồng chéo để đảm bảo luật dễ nhớ, đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đánh giá tác động qua quá trình thực hiện luật Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp, các bên liên quan đến người tiêu dùng. Mặt khác, cũng cần đề cập rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức trọng tài trong giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn có thể tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đầy đủ của các vùng, miền đối với các nội dung trong dự án Luật. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các cuộc họp, hội thảo đã và sẽ tiếp tục triển khai, các cơ quan tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Hoàng Lan

——————

Bộ Công thương (Tin hoạt động) 09-02-2023:

https://congthuong.vn/luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-phai-dam-bao-tinh-kha-thi-241810.html

(344/3.156) #baove #quyenloi #nguoitieudung

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,816