3.381. Tòa án huyện lập 57 vụ án ‘ảo’ do áp lực công việc?

(TP) – Ba cán bộ ngành tòa án ở Đắk Nông vừa bị khiển trách vì để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự khống. Giải trình sau đó của người vi phạm là do áp lực chỉ tiêu, điều kiện tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán. 

 

Trụ sở TAND huyện Đắk Song ( tỉnh Đắk Nông)

 

Tự viết đơn khởi kiện, tự nộp án phí

Tại kỳ họp thứ 7 đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông kỷ luật khiển trách 3 cán bộ toà án do trong năm 2016, những người này đang là lãnh đạo TAND huyện Đắk Song nhưng để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó có trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ba người bị khiển trách gồm: ông Phạm Văn Phiếm, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Chánh án TAND huyện Đắk Song, hiện là Chánh án TAND huyện Tuy Đức; bà Nguyễn Thị Hải Âu, nguyên Phó Bí thư Chi bộ, Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song, hiện là Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô và ông Nguyễn Xuân Triệu, nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song, hiện là Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức.

Theo hồ sơ, năm 2016, TAND huyện Đắk Song thụ lý, giải quyết 57 vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản do 3 người đứng tên, gồm: ông N.T.V (trú tại xã Trường Xuân), ông L.H.K (trú tại xã Nam Bình) và ông N.V.H (trú tại xã Nâm N’jang). Tất cả hồ sơ trên đều do bà Nguyễn Thị Hồng Huệ, Thẩm tra viên, trực phòng tiếp dân tiếp nhận, đưa vào sổ, nhưng không ghi chép thời gian nhận đơn. Trong đó, có tới 45 đơn tiếp nhận sau ngày 1/7/2016 nhưng tòa án huyện này không cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.

Các đơn khởi kiện được chuyển đến ông Nguyễn Xuân Triệu – lúc đó là thẩm phán xem xét, xử lý. Ông Triệu đã ký, ban hành giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí. Còn ông Phạm Văn Phiếm ra các thông báo về việc thụ lý giải quyết đơn thư của 3 người nêu trên. Đáng chú ý, toàn bộ 57 đơn khởi kiện và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí đều do bà Bùi Thị Dung, nguyên Thẩm phán sơ cấp TAND huyện Đắk Song (đã nghỉ việc từ 1/4/2017) chuyển trực tiếp cho bà Huệ.

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, chính ông Phiếm đồng loạt ký các quyết định đình chỉ giải quyết các vụ án trên.

Quá trình kiểm sát, Viện KSND huyện Đắk Song nhận thấy một số cán bộ TAND huyện này có dấu hiệu vi phạm về việc thụ lý, giải quyết một số vụ án dân sự nên đã xác minh và có báo cáo gửi Viện KSND tỉnh. Kết quả xác minh thể hiện, những hồ sơ được TAND huyện Đắk Song thụ lý giải quyết, các nguyên đơn và bị đơn đều không có thực ở nơi cư trú, hoặc có người tìm được đúng địa chỉ như trong đơn nhưng lại phủ nhận việc kiện cáo này.

Tiếp đó, ngày 21/3/2017, đoàn liên ngành gồm Viện KSND và TAND tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc và kết luận việc làm của TAND huyện Đắk Song vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo yêu cầu của đoàn liên ngành, TAND huyện Đắk Song có công văn báo cáo. Đơn vị này lý giải nguyên nhân sai phạm xuất phát từ việc bà Bùi Thị Dung do chuẩn bị tái bổ nhiệm thẩm phán nhưng có tỉ lệ án hủy vượt mức quy định 1,16% nên đã tự nộp đơn khởi kiện không có tranh chấp thực tế, tự bỏ tiền nộp tạm ứng án phí, sau đó rút đơn khởi kiện nhằm nâng cao số lượng án giải quyết (20/57), giảm tỉ lệ án hủy của mình dưới 1,16% để được tái bổ nhiệm vào năm 2017.

Theo Chỉ thị 01/2020 của TAND Tối cao, tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của TAND: Bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm…

Đáng chú ý, ngày 6/6/2017, TAND tỉnh Đắk Nông lại ban hành kết luận cho rằng vụ việc vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, song do cấp dưới vi phạm lần đầu, không gây thiệt hại, thành khẩn, nhận khuyết điểm và tích cực khắc phục vi phạm nên không xử lý kỷ luật ai, chỉ yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Phát hiện sai phạm này, ngày 31/7/2020, TAND Tối cao đã yêu cầu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Nông xem xét, điều chuyển vị trí công tác những công chức, thẩm phán vi phạm liên quan việc tạo lập 57 hồ sơ khống, đảm bảo mục đích phòng ngừa, giáo dục theo quy định.

Quảng Cáo

Trên cơ sở đó, ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Đắk Nông mới ban hành kết luận sai phạm, điều chuyển ông Phiếm từ Chánh án TAND TP. Gia Nghĩa về làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức.

Một vụ án xét xử lưu động tại địa bàn huyện Đắk Song

Kết quả thẩm tra của UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông thể hiện, việc tạo lập 57 hồ sơ khống do bà Bùi Thị Dung thực hiện nhằm mục đích cá nhân. Tuy nhiên, sau đó, từ tháng 5 đến tháng 7/2016, bà Nguyễn Thị Hải Âu, Phó Chánh án, thay mặt Chánh án TAND huyện Đắk Song ký các quyết định phân công các thẩm phán Bùi Thị Dung xét xử 20 vụ; bà Âu xét xử 12 vụ; thẩm phán Nguyễn Xuân Triệu xét xử 9 vụ; ông Phạm Văn Phiếm và thẩm phán Phan Xuân Hoàng mỗi người xét xử 8 vụ.

Do áp lực công việc?

Liên quan tới việc kỷ luật khiển trách các cá nhân trên, ông Nguyễn Đức Nguyên – Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông nói: “Quyết định kỷ luật khiển trách là quyết định của tập thể UBKT Tỉnh ủy. Trước đó, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra, kết luận. Ban cán sự Đảng TAND Tối cao cũng chỉ kiến nghị điều chuyển công tác, không kiến nghị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, trên góc độ trực tiếp quản lý đảng viên, UBKT Tỉnh ủy đã thực hiện theo quy định, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật khiển trách. Việc xử lý nặng hay nhẹ, theo tôi hai cơ quan quản lý trực tiếp về chuyên môn như trên đã thanh tra, kết luận trước đó rồi”.

Ngày 7/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hải Âu, cho biết: Câu chuyện này (vụ làm khống 57 bộ hồ sơ-PV), cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã kết luận, chúng tôi cũng đã chịu hình thức kỷ luật, cứ thế mà làm thôi, có gì đâu nữa!?

Trong khi đó, ông Phạm Văn Phiếm cho hay: “Tôi phải chịu trách nhiệm người đứng đầu do để cấp dưới làm hồ sơ này”.

Ông Nguyên thông tin, các cán bộ bị khiển trách, điều chuyển công tác trên không tham gia ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Nói về nguyên nhân chính khiến các công chức, cán bộ tòa án vi phạm như trên, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng không có vụ lợi. “Tôi nghĩ áp lực công việc, chỉ tiêu xét xử là chính. Thực tế thời gian qua, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh cũng báo cáo có tới 11 cán bộ ngành tòa án xin nghỉ việc vì áp lực công việc”, ông Nguyên chia sẻ.

Bình luận về áp lực chỉ tiêu trong xét xử của tòa án, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đã là công việc, nhiệm vụ cần có chỉ tiêu, nhưng phải tập trung vào chất, chứ đừng đi theo lượng. “Chủ nghĩa thành tích quá nặng nề trong nhiều lĩnh vực, chứ không riêng hệ thống Tòa án!”, ông Đức bình luận.

Một cán bộ Viện KSND Tối cao cũng cho hay, số lượng án giải quyết một năm của tòa án tùy theo đặc thù của từng địa phương. Ở các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, tại các tòa quận, huyện, mỗi thẩm phán được phân chỉ tiêu xử xong 7-8 vụ/tháng. Song thực tế, con số này đang là gấp đôi, tức 14-15 vụ/tháng/thẩm phán, vượt xa mức yêu cầu. Còn ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa thường mỗi thẩm phán xử 3-4 vụ/tháng.

Theo phân tích của Giám đốc Công ty Luật ANVI, với tòa án, mục tiêu cuối cùng là công lý. Và để đảm bảo công lý đầu tiên cần phải xét xử công bằng, hợp lý, đúng luật. Yếu tố thời gian chỉ là phụ, góp phần đẩy nhanh đến công lý. “Cứ bắt thẩm phán và chánh án lao vào cuộc chạy đua thành tích, thì không nên. Thà bỏ hẳn đi còn hơn”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

TUẤN NGUYỄN – VŨ LONG


Tiền phong (Pháp luật) 09-6-2021:

https://tienphong.vn/toa-an-huyen-lap-57-vu-an-ao-do-ap-luc-cong-viec-post1344259.tpo?

(153/1.729)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,459