3.384. Sau hàng loạt sự cố, lãnh đạo HoSE có phải từ chức khi nhà đầu tư yêu cầu?

(GT) – Nhà đầu tư chứng khoán đặt câu hỏi về năng lực quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch TP.HCM khi để xảy ra hàng loạt sự cố.

Sàn HoSE liên tục gặp sự cố trầm trọng suốt 6 tháng qua

Hàng loạt nhà đầu tư đánh dấu 1 sao

Những ngày vừa qua, trên khắp các diễn đàn, các nhà đầu tư chứng khoán đồng loạt phản ứng gay gắt với chất lượng dịch vụ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trong ngày hôm qua, và tiếp tục hôm nay hàng loạt nhà đầu tư đã đánh 1 sao cho HoSE.

Theo tìm hiểu của báo Giao thông, trong vài tháng trở lại đây sàn HoSE thường xuyên bị “đơ”, giật, loạn bảng giá, khiến nhà đầu tư không thể đặt lệnh mua – bán, thậm chí lệnh sửa, huỷ đều không thể thực hiện. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ phải giao dịch như “người mù”.

Uỷ ban chứng khoán cho biết, tình trạng margin (cho vay) tại nhiều công ty chứng khoán đã căng cứng. Con số tuyệt đối lên tới 112.000 tỉ đồng. Thế nhưng điều mà nhà đầu tư ức chế không phải do thị trường điều chỉnh thua lỗ, mà do hệ thống giao dịch trên HoSE đơ, giật, loạn giá…

Đáng nói, đây là câu chuyện đã nhắc tới từ năm 2020 nhưng không hề được cải thiện. Kể từ đầu tháng 6 trở lại đây, lỗi càng diễn ra trầm trọng hơn. Có những chiều giá cổ phiếu giảm sâu nhưng nhà đầu tư lại không thể mua vào, gây thiệt hại trầm trọng cho nhà đầu tư, và thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Chị T.P – một nhà đầu tư F1 cho biết, “thực sự không thể giao dịch nổi vì sàn giao dịch thường xuyên bị đơ, không trả lệnh”.

Những nhà đầu tư khác cũng bị tình trạng tương tự, cứ chiều chiều giao dịch được dăm chục phút là sàn đơ. Thậm chí, có những ngày sàn đơ ngay cả trong buổi sáng. Những ngày như vậy, các công ty chứng khoán cũng chỉ biết gửi đúng 1 tin đến nhóm khách hàng của mình với nội dung: “Gửi các anh chị, kể từ 13:45 hệ thống không nhận được thông tin khớp lệnh từ sàn HoSE (lệnh mới đặt vào sẽ không khớp). Phạm vi ảnh hưởng: toàn hộ khách hàng”. Hay “HoSE sẽ dừng trả confirm lệnh mới trong 10 phút nữa. Anh chị em nắm thông tin”.

Đỉnh điểm, gây phẫn nộ nhất là chiều 1/6, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam, sàn HoSE thông báo ngừng giao dịch phiên chiều vì… tiền quá nhiều.

Tổng giá trị giao dịch phiên sáng 1/6 tại HoSE đã vượt 21.700 tỉ đồng. Và nếu mở phiên chiều sẽ dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống, nên HoSE ngừng.

“Sàn giao dịch chứng khoán là công khai, minh bạch, nhà đầu tư được đảm bảo quyền lợi. Giao dịch mỗi ngày lên tới vài chục ngàn tỉ, dòng tiền được luân chuyển trong nền kinh tế. Mọi giao dịch đều đóng thuế cả lệnh bán, lệnh mua và các khoản phí rất rõ ràng. Nhưng sàn HoSE thì lại nhập nhèm, phập phù như bịt mắt. Thị trường được cho là minh bạch nhất, bình đẳng nhất, nhưng đùng một cái lãnh đạo HoSE thông báo dừng giao dịch. Thị trường hàng ngàn tỉ đồng mỗi ngày mà như… trò đùa”, một nhà đầu tư nói.

Những thông báo của công ty chứng khoán đến khách hàng về sự cố của HoSE

Dường như bất lực với hàng loạt sự cố trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư liên tục gửi mail đến các toà soạn báo đề nghị thông tin về việc HoSE đã chặn lệnh huỷ, lệnh sửa, đặc biệt thường xuyên không cho giao dịch khi sàn đơ, bảng giá nhảy lung tung… khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề trầm trọng lên nền kinh tế.

Thị trường phát triển 20 năm nhưng… đổ lỗi cho công nghệ?

Trước các sự cố gần đây, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE cho biết, hiện tượng quá tải hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020. Giá trị giao dịch đầu năm 2020 chỉ ở khoảng 3,8 nghìn tỷ, đến tháng 12/2020 bình quân đạt khoảng 12,7 nghìn tỷ.

Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt mức khoảng 22.100 tỉ đồng/phiên, gây ra tình trạng tắc, nghẽn, hệ thống xử lý chậm trễ. HoSE đang tích cực phối hợp với FPT có thể bàn giao hệ thống cho HoSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành.

Trước đó, vào tháng 3 ông Trà cũng lên tiếng cho rằng cần 100 ngày để giải quyết nghẽn hệ thống của HoSE.

Tuy nhiên, tất cả cách giải thích và thông tin này với các nhà đầu tư là không thoả đáng. Hàng loạt các nhà đầu tư đề nghị ông Lê Hải Trà từ chức do để tình trạng này diễn ra quá lâu, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này gián tiếp gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Nhà đầu tư chứng khoán N.N. Huy cho rằng, thị trường chứng khoán đã phát triển 20 năm và phát triển theo cấp số nhân. Nhưng khi phát sinh rủi ro, đại diện HoSE lại đổ lỗi công nghệ thông tin không đáp ứng được là một hành động né trách trách nhiệm. Như vậy năng lực quản lý của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch rõ ràng có vấn đề?!

“Tại sao không thể dự báo sự phát triển của thị trường, sự tăng trưởng của quy mô vốn, tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết để nâng cao năng lực của hệ thống”, nhà đầu tư này đặt vấn đề.

“Không có quy định xử người làm chưa tốt”

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, ở Việt Nam có thực trạng là đôi khi thấy sự cố đó nhưng cũng chẳng phải sửa ngay, mà chán chê mê mải mới sửa. Với chứng khoán, không được huỷ lệnh, hay loạn giá… có lẽ chỉ xảy ra ở thị trường Việt Nam. Đáng tiếc thực trạng này lại xảy ra như cơm bữa.

Về đề nghị người đứng đầu HoSE từ chức của nhiều nhà đầu tư, theo luật sư Trương Thanh Đức, Luật hiện nay có quy định xử lý người làm sai chứ không có quy định xử lý người làm không tốt. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, những sự cố liên tiếp xảy ra bộc lộ những yếu kém trong việc quản lý, vận hành của không chỉ HoSE, mà còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Chúng ta luôn phải có các phương án dự phòng gấp nhiều lần, cùng với quy mô, tốc độ phát triển kinh tế. Luật chứng khoán cũng quy định nhà đầu tư được phép sửa, huỷ lệnh trong các phiên khớp lệnh liên tục. Nhà đầu tư không tự huỷ lệnh đặt, lệnh bán nghĩa là sàn vi phạm pháp luật.

Điều 17 Quy chế giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM ban hành năm 2018 hiện đang được áp dụng cũng đã nêu rõ: Nhà đầu tư được phép hủy, sửa lệnh. Trường hợp nhà đầu tư nhập sai lệnh trong thời gian chưa khớp được phép sửa lệnh bằng cách hủy lệnh sai, nhập lại lệnh đúng. Hay là nhà đầu tư được phép hủy lệnh chưa thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa khớp lệnh”, luật sư Đức phân tích.

Cũng theo luật sư này, về thiệt hại, nhà đầu tư có thể kiện ra toà để chứng minh thiệt hại của mình.

“Mặc dù chưa có chế tài cho các sự cố trên sàn giao dịch chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư lên tiếng cũng là đòi hỏi quyền lợi chính đáng”, ông Đức nói.

Yên Trang      

——-

Giao thông (Thị trường) 10-6-2021:
https://www.baogiaothong.vn/sau-hang-loat-su-co-lanh-dao-hose-co-phai-tu-chuc-khi-nha-dau-tu-yeu-cau-d510944.html

(372/1.457)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,815