3.390. Đề xuất các giải pháp bảo mật thông tin của người tiêu dùng tham gia giao dịch và giải quyết tranh chấp

Đề xuất các giải pháp bảo mật thông tin của người tiêu dùng tham gia giao dịch và giải quyết tranh chấp

(QH) – Đóng góp ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp, trong đó cần quy định cụ thể hơn ngay trong dự án Luật về việc bảo mật những thông tin của người tiêu dùng tham gia giao dịch nói chung và giải quyết tranh chấp nói riêng…

Tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

bảo mật thông tin của người tiêu dùng

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Sau 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển rõ rệt. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là Luật đến các văn bản dưới luật, như Nghị định, Chỉ thị, Thông tư đã được Nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò của mình.

Cùng với đó, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát triển, tích cực hoạt động, phát huy chức năng, nhiệm vụ, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhận thức được nâng lên, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến cụ thể trong việc thực hiện các trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh hơn.

Có thể coi việc sử dụng thông tin là hợp pháp trong khi “phổ biến thông tin” có thể trái pháp luật

Có thể nói, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật là chủ yếu, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập như công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế…

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nên cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia khi sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần đảm bảo an toàn trong việc bảo mật thông tin của cá nhân, tổ chức.

Ths.Nguyễn Hữu Giới- Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam.

Cho ý kiến vào nội dung trên, Ths.Nguyễn Hữu Giới- Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, việc kết nối trực tuyến có thể tạo ra những lỗ hổng về bảo mật thông tin dẫn đến việc có thêm rất nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Do đó, cần bổ sung đánh giá thực trạng trình độ kỹ thuật của các tổ chức này, khả năng bảo mật của hệ thống kỹ thuật giúp kết nối theo thời gian thực và những rủi ro tiềm ẩn.

Khoản 2 Điều 17 của dự án Luật xác định khái niệm “sử dụng thông tin của người tiêu dùng” bao gồm cả việc chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba. Đưa ra quan điểm về nội dung này, ông Cao Kim Kiểm – Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, nên phân biệt rõ giữa “sử dụng” và “phổ biến” (chia sẻ, tiết lộ và chuyển giao thông tin). Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể sử dụng thông tin người tiêu dùng mà họ thu thập được để thực hiện các hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo,… phục vụ cho hoạt động kinh doanh của chính họ. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin này cho bên thứ 3 trái pháp luật là hành vi không được phép. Vì thế, có thể coi việc sử dụng thông tin là hợp pháp trong khi “phổ biến thông tin” có thể trái pháp luật.

Ông Cao Kim Kiểm – Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong dự án Luật cũng đề cập về bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm: Việc bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp được quy định tại Khoản 2 Điều 54 về “Trách nhiệm cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh”; Điểm d, khoản 1, Điều 58 về “Quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng”; Khoản 2, Điều 61 về “Nguyên tắc thực hiện hòa giải”.


Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Tuy nhiên, dự án Luật đã không còn quy định về việc bảo mật thông tin của người tiêu dùng như đã quy định tại khoản 1, Điều 6 về “Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng”, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. Do vậy, cần quy định cụ thể hơn ngay trong dự án luật này về việc bảo mật những thông tin gì của người tiêu dùng tham gia giao dịch nói chung và giải quyết tranh chấp nói riêng./.

Bích Lan

——————–

Quốc hội (Tin tức) 15-02-2023:

https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=73069

(258/1.430) #baove #quyenloi #tieudung #anvi

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,202