3.398. Chuẩn hóa phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng

(LĐ) – Những ồn ào của câu chuyện bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều vụ việc khách hàng đến ngân hàng vay vốn bị “ép” mua bảo hiểm mới được giải ngân tiếp tục diễn ra cho thấy vẫn có kẽ hở lớn trong việc kiểm soát hoạt động này.

Hình ảnh cắt từ clip ghi nhận cuộc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng được PV Lao Động ghi lại. Ảnh: Trí Minh

Ồn ào bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng

Đầu tháng 2 vừa qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chuyển đơn tố giác của người dân liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) theo thẩm quyền.

Sau động thái này, phía Manulife Việt Nam đã lên tiếng cho biết, doanh nghiệp này ghi nhận tình hình liên quan đến việc một số khách hàng không hoàn toàn hài lòng với trải nghiệm khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, có tên thương mại “Tâm An Đầu Tư” của Manulife Việt Nam được phân phối thông qua đối tác Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) nên đã yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm trước hạn.

“Manulife rất thấu hiểu các quan ngại của khách hàng và hiện đang xem xét giải quyết các yêu cầu của những khách hàng này một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng.

Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào và nếu phát hiện các hành vi này, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý” – phía doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.

Trước đó, cử tri Bạc Liêu phản ánh, khi vay tiền tại một số ngân hàng thương mại, khách hàng được khuyến khích (nhưng thực chất là ràng buộc) mua bảo hiểm nhân thọ, giá trị hợp đồng hàng trăm triệu đồng; lần đầu từ 10 đến 15 triệu đồng. Đa số khách hàng đều phải chấp nhận, sau đó bỏ hợp đồng.

Cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn nạn “ép” mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm… Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính gần đây còn đề xuất đối với việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua đại lý là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm phải được ghi âm và lưu tại tổ chức tín dụng trong thời hạn ít nhất 5 năm.

Phải chuẩn hóa quy trình

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc tham gia các gói bảo hiểm hoàn toàn là tự nguyện. Hợp đồng giao kết giữa các bên phải xuất phát từ sự tự nguyện. Tuy nhiên, trong việc cấp tín dụng, ngân hàng hoàn toàn có quyền căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án sử dụng vốn của khách hàng để đánh giá đủ khả năng trả nợ, lãi vay hay không. Điều này đã tạo ra một lợi thế “kèo trên” rất lớn cho các ngân hàng trong việc quyết định có cho vay hay không.

Trong quá trình tư vấn vay, rất khó để kiểm soát được việc nhân viên ngân hàng có thực hiện đúng quy định của pháp luật trong suốt quá trình tư vấn (bao gồm nhưng không giới hạn ở việc chỉ rõ cho khách hàng đâu là khoản vay, đâu là khoản tiết kiệm, đâu là khoản bảo hiểm, đâu là các khoản đầu tư khác dưới dạng chứng chỉ quỹ… quyền và nghĩa vụ của các bên, các nghĩa vụ tài chính của khách hàng bao gồm những gì, thanh toán ra sao…), dẫn đến khả năng nhân viên tư vấn cung cấp thông tin sai lệch nhằm “dụ” khách hàng mua bảo hiểm hoặc chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Khuyến cáo đến người dân, chuyên gia pháp lý này cho hay, cần tham khảo các điều kiện để được cấp tín dụng của ngân hàng mà khách hàng muốn vay. Các điều kiện có thể là tài sản đảm bảo cho khoản vay; thu nhập thực tế/các nguồn thu nhập khác của bạn hay có sự bảo lãnh của một bên thứ ba… 

Trí Minh

—————-

Lao động (Xã hội) 20-02-2023:

https://laodong.vn/xa-hoi/chuan-hoa-phan-phoi-bao-hiem-qua-kenh-ngan-hang-1149605.ldo

(295/907) #baohiem #nganhang #anvi

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,815