3.398. Đánh thuế biệt thự bỏ hoang: Không dễ!

(CAND) – Hàng loạt những căn biệt thự xây xong phần thô, cỏ mọc um tùm nằm trong nhiều khu đô thị rải rác ở rất nhiều địa phương mất mỹ quan đô thị, lãng phí khủng khiếp là vấn đề nhức nhối đã diễn ra cả chục năm nay. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này, cũng là câu chuyện đã được bàn thảo cả một thời gian dài.

Từ những năm 2011, phương án đánh thuế biệt thự bỏ hoang đã được Bộ Tài chính đưa ra nhưng rồi không có chính sách nào được thực thi. Mới đây, UBND TP Hà Nội lại đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế lên tới 10% để giải quyết tình trạng này. Rất nhiều ý kiến đồng tình với phương án này, tuy nhiên đều thừa nhận để đánh thuế được là không dễ!

Lãng phí khủng khiếp

Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức – Hà Nội) do Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư, được khởi công từ 2008, dự kiến qui mô khoảng 20.000 đến 30.000 người sẽ về sinh sống tại đây. Dù đã được triển khai trên địa bàn hai xã Kim Chung và Di Trạch với quy mô 176ha. Dự án được triển khai nhưng hàng trăm biệt thự, nhà liền kề xây xong để không hơn 10 năm liền, ước tính giá trị tài sản để không khoảng 3 đến 5 nghìn tỷ đồng.

Biệt thự bỏ hoang là một sự lãng phí khủng khiếp nhiều năm qua.

Gần chục năm nay, sự hoang hóa thể hiện rõ trên các khu nhà này, tạo ra một cảnh tượng lãng phí khủng khiếp. Vòng quanh dự án này, những khu vực bỏ hoang phần lớn là diện tích chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hàng dãy nhà đã xây xong phần thô nhìn xuống cấp, nhếch nhác, cỏ mọc xung quanh um tùm. Gần đây, chủ đầu tư đã chỉnh trang lại một số khu nhà liền kề, diện mạo đã sạch sẽ khang trang hơn, tuy vậy có người dọn về hoàn thiện để ở hay không thì không ai biết được.

Giám đốc một văn phòng nhà đất chuyên phân phối các sản phẩm tại khu đô thị này cho hay, hiện tại dự án không còn sốt như năm trước do người ta mua bán không phải để ở. Khách hàng chủ yếu là các nhà đầu cơ nên giá đã chững lại, dao động trong khoảng 50 triệu đồng/m2 lô ở đường nhỏ và khoảng 70 triệu đồng/m2 với các lô ở đường lớn. Mức giá này cao gấp rưỡi so với giai đoạn trước.

Cách không xa Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch là Khu Vân Canh Hoài Đức. Các khu nhà biệt thự liền kề để hoang ở đây cũng đang có sự lãng phí rất lớn suốt cả chục năm nay. Khu đô thị này do Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư với tổng diện tích trên 68,5ha, quy mô dân số hơn 13.000 người.

Theo giới thiệu, khu đô thị này có đầy đủ các hạng mục của một khu đô thị hoàn chỉnh bao gồm khu biệt thự, nhà liền kề, tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các căn hộ chung cư được thiết kế một cách hài hòa với không gian kiến trúc hiện đại… Thế nhưng hơn chục năm nay, đại đa số các căn nhà liền kề, biệt thự được xây song cũng để không, theo tạm tính số tài sản để không cũng tới hơn 3.000 tỷ đồng.

Cũng cùng trong khu vực, khu đô thị Lideco Trạm Trôi cũng là ví dụ điển hình cho việc lãng phí từ các khu nhà liền kề, biệt thự bỏ hoang. Dự án Khu đô thị Lideco được khởi công từ năm 2008, khi mà cơn sốt đất khu phía Tây Hà Nội đang ở cao trào do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) làm chủ đầu tư có quy mô 38,23ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng.

Tuy vậy, sau một thời gian dài đưa vào hoạt động, đến nay số căn biệt thự bán được chỉ được tính trên đầu ngón tay. Một số người ít ỏi dọn về ở thì luôn nơm nớp lo sợ bởi sự hoang lạnh, héo hon, thiếu hơi người. Cả khu đô thị này đang ước chừng có khoảng hơn 600 biệt thự để không, tính ra giá trị tài sản để không khoảng vài nghìn tỷ đồng.

Đây chỉ là một trong số ít những khu đô thị đang có hàng loạt tài sản để không, hoang hóa. Còn rất nhiều địa phương khác nữa, và con số những nhà biệt thự, nhà kiền kề để không này có lẽ sẽ lên tới hàng triệu tỷ đồng.

 

Đánh thuế có dễ?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc một số lượng tài sản khổng lồ đang nằm “bất động” này gây lãng phí tài nguyên đất, mất mỹ quan chủ yếu là do giới đầu cơ. Chủ nhà không quan tâm, vì giá trị tài sản vẫn tăng lên hàng năm, để không vẫn có lãi. Nhưng xét về góc độ xã hội, số tiền đó nếu đưa vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đời sống kin tế sẽ phát triển hơn nhiều. Vậy nhưng làm thế nào để giải quyết tình trạng này.

Đánh thuế cao? Câu trả lời cho câu hỏi đã từng được đưa ra cách đây 10 năm khi Bộ Tài chính đã đề xuất 3 phương án đánh thuế với biệt thự bỏ hoang. Thế nhưng rồi không có chính sách nào được thi hành, câu chuyện về biệt thự bỏ hoang vẫn tồn tại.

Mới đây, TP Hà Nội lại vừa đề xuất Bộ Tài chính phương án đánh thuế đối với nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 – 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.

Rất nhiều chuyên gia đồng tình với phương án này, nhưng tỏ vẻ lo ngại về thực tế thực thi. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thời gian qua dòng tiền đổ vào bất động sản ngày càng nhiều. Trong đó, không ít nhà đầu tư mua nhà đất để đầu tư, đầu cơ mà không ở. Điều này dẫn đến hình thành nhiều khu đô thị “ma”.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, họ mua để đó vì tính toán rằng giá nhà đất sẽ tăng, gửi tiền ngân hàng lãi suất cũng không bằng. Do đó, để hạn chế tình trạng này, cần có các giải pháp. Đánh thuế cao cũng là một giải pháp nhưng dễ vấp phải sự phản đối.

“Xét về mặt pháp lý, nếu muốn thực hiện được cần phải dựa trên các quy định đã có trong hệ thống luật pháp. Người dân được phép tạo lập tài sản, mà chúng ta cưỡng chế đánh thuế với với tài sản chính đáng của họ thì rất dễ bị phản ứng. Người dân có quyền được sở hữu tài sản của mình và chỉ bị xử phạt trong trường hợp họ vi phạm các quy định liên quan đến đầu tư, mua bán, trật tự xây dựng… Trong trường hợp họ không xây dựng sai phép, chưa hoàn thiện nhà thì việc đó cũng là quyền lợi của họ. Còn để chứng minh được họ đầu cơ là điều không dễ”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Dũng Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Trường An cho rằng, biệt thự bỏ hoang là lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị nên về nguyên lý phải điều tiết bằng sắc thuế để làm sao nhanh chóng đưa nhà đất vào sử dụng. Nhà nước sẽ không bị thất thu thuế khi khối tài sản đó được đưa vào kinh doanh và người dân cũng hưởng lợi. Tuy nhiên, phương án thu thuế thế nào thì cần phải tính toán.

“Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để nhà đầu tư sẽ cảm thế e ngại khi mua xong rồi để không. Nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2 – 3 năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa nhà đất vào sử dụng, để nhà bỏ hoang. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu”, ông Nguyễn Dũng Phi nêu giải pháp.

 

Phan Hoạt

——

Công an Nhân dân (Điều tra) 28-6-2021:

http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/Danh-thue-biet-thu-bo-hoang-Khong-de-647564/

(268/1.627)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,924