(CL) – Ít có chính sách luật nào thay đổi lại được người dân quan tâm nhiều bằng việc điều chỉnh sửa đổi thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo dự kiến, phải đến năm 2025, dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) mới được báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, với hàng loạt những bất cập, thiếu phù hợp thực tế, thế nhưng, dự kiến năm 2026 Luật thuế thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, chờ đến thời điểm này là quá muộn…
Năm 2026 mới sửa Luật thuế thu nhập cá nhân là quá muộn?
Bộ Tư pháp đang hoàn thiện Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ. Đáng chú ý, liên quan đến việc xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), qua kết quả nghiên cứu, rà soát, Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, trong khi mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng được cho không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá,… nhiều ý kiến cho rằng, chờ đến 2026 mới sửa Luật là quá muộn.
Thực tế cho thấy, quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế hiện hành là 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng được cho là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi họ vừa nuôi con ăn học, vừa thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày từ ăn uống, tiền điện, tiền nước,…
Đáng nói, 2 năm vừa qua, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập của người dân giảm sút, rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng, việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân hiện tại đã và đang trở thành gánh nặng với người nộp thuế.
Không chỉ có vậy, trong 10 năm tính từ khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi năm 2012), lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch COVID-19 nên không tăng, từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 01 lần vào giữa năm 2020. Vì vậy, thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân dự kiến đến năm 2026 mới sửa đổi thực sự thiếu hợp lý.
Xoay quanh câu chuyện thời điểm dự kiến sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, đáng ra phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Mong các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn nhận, xem xét phù hợp để sớm chỉnh sửa luật cho hợp lý. Theo ông Thịnh, mức chịu thuế đã có chỉnh sửa nhưng chủ yếu chỉnh sửa theo mức lạm phát trên 20%, như thế không hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, khi chính sách đã ban hành ra không phù hợp với thực tiễn bắt buộc phải sửa đổi; sửa đổi càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, trước ý kiến, mức giảm trừ gia cảnh có thể tính theo mức lương tối thiểu vùng, ông Được cho rằng, như thế cũng chưa phù hợp; bởi lương tối thiểu mỗi vùng khác nhau, người lao động là lao động mở, có thể làm ở tỉnh này, tỉnh kia. Theo ông Được, vẫn lấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ tiêu hợp lý và tổng hòa các yếu tố về mặt vĩ mô.
Trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân bởi có nhiều quy định lỗi thời, gây thiệt thòi cho nhiều đối tượng nộp thuế. Đặc biệt, nên cân nhắc, xem xét pháp luật về thuế thu nhập cá nhân ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao kiến thức… bởi đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng về thuế.
Cần điều chỉnh sát thực tế
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2022, số thu từ thuế thu nhập cá nhân trên cả nước đạt 166.733 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán), vượt thu tới 48.658 tỷ đồng. Chưa kể, trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022, trong khi đó, cuộc sống của người nộp thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả của không ít mặt hàng liên tục “leo thang” thời gian qua.
Trước thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cấp thiết thay đổi Luật thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt để phù hợp với biến động thực tế, để người nộp thuế đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.
Tại Dự thảo tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật thuế thu nhập cá nhân đã được đề xuất sửa đổi. Đặc biệt, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận trong đề xuất sửa đổi Luật lần này là việc có thể nghiên cứu để giảm số bậc tính thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương từ 7 xuống còn 5 bậc.
Cụ thể, theo Bộ Tư pháp, khoản 2 điều 22 của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế…
Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Luật thuế thu nhập cá nhân phải được sửa toàn diện. Nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì mới chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chúng ta chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay.
Bà Cúc cho rằng, mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở mức 25 – 27% hoặc cùng lắm 28 – 30% là hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn, là phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, hiệu quả điều tiết sẽ thấy rõ.
“Ngay cả khi giữ mức thuế suất cao nhất tới 35%, song phạm vi áp dụng là người có thu nhập tới 300 triệu đồng/tháng trở lên thì không tác động gì nhiều vì rất ít người đạt ngưỡng thu nhập này. Tương tự, một người có thu nhập 40 triệu đồng, theo quy định hiện hành, phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 1,65 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giãn bậc thuế theo hướng người có thu nhập từ 5 – 20 triệu đồng vẫn chịu thuế suất 5%, thì người có thu nhập 40 triệu đồng chỉ phải nộp 900.000 đồng, giảm gần 50% số thuế phải đóng so với hiện nay”, bà Cúc lấy ví dụ.
Sao không linh hoạt điều chỉnh sớm?
Theo nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu đến năm 2026 mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thì đây là mức điều chỉnh kỹ thuật.
Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh khi lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng – CPI) tăng trên 20% thì sẽ được thay đổi. Đến năm 2026 thì ước tính lạm phát của Việt Nam cũng sẽ ở mức này.
“Báo cáo cũng đã nghiên cứu về bậc thuế lũy tiến và cho rằng cần điều chỉnh giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thì tại sao lại chờ đến mấy năm mà không chịu sửa ngay vì đây là quy định bất hợp lý?” – ông Đức đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS cho rằng, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao, đời sống của nhiều người làm công ăn lương khá chật vật, trong khi mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay cũng được cho không còn phù hợp với sự biến động của mặt bằng giá…
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc sửa thuế thu nhập cá nhân có thể chậm nhưng phải chắc. Năm 2024 hay 2025 có thể sửa Luật thuế này nhưng trên nguyên tắc phải đáp ứng được mong mỏi của người lao động và người đóng thuế, đừng để mỗi lần nói đến thuế thu nhập cá nhân là người người, nhà nhà than phiền.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, cách điều hành cũng như việc xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân của Tổng cục Thuế thời gian qua có vấn đề, chỉ tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát thay đổi 20% là quá cứng nhắc.
Thực tế, đời sống của người nộp thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là lao động làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với biến động thực tế, để người dân đỡ chật vật hơn trong cuộc sống.
Và với người nộp thuế, việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân phải càng sớm càng tốt, ngay trong năm nay là tốt nhất. Bởi đáng ra, việc giảm số bậc thuế, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế… phải được sửa từ năm 2017 để giảm gánh nặng, áp lực cho người dân. Thật khó hiểu khi người nộp thuế phải chờ thêm 4 năm nữa để sửa những bất cập của thuế TNCN hiện tại.
Khánh An
—————–
Công luận (Thời sự) 24-02-2023:
(138/2.009) #TNCN #thue