Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
(PLVN) – Sáng 28/2, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các Đoàn Luật sư, các Luật sư cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Diệp Thị Hoài Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý; Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến, Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài cho biết, việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai vừa là thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng cũng là dịp để Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư và các Luật sư thực hiện chức năng xã hội của Luật sư trong việc tham gia xây dựng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến Nhân dân tương đối đồ sộ, bao gồm 236 điều, được cơ cấu trong 16 chương. Tại Hội thảo này, các đại biểu, Luật sư tập trung tham gia ý kiến vào 9 vấn đề sau đây của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
“Từ thực tiễn hoạt động hành nghề Luật sư, với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn trong quá trình hành nghề luật, những ý kiến, đóng góp của các luật sư đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ là “sổ tay tham vấn” cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện quy phạm pháp luật”, luật sư Hoài nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của hội thảo, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư, luật sư đã tập trung thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp đối với các vấn đề như: Quy định về người sử dụng đất là hộ gia đình; Các trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với các dự án có sử dụng đất; Các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê…
Đóng góp ý kiến về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, luật sư Hà Hải cho rằng, tại Khoản 2, Điều 5, dự thảo Luật quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”. Quy định này đã tháo gỡ được vướng mắc về việc “đang sống chung” khi xác định quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Bởi theo Luật sư, thực tế nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình không sống chung nhưng có công sức đóng góp tạo lập tài sản chung và có nguyện vọng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn chưa làm rõ được quyền sử dụng đất được nêu tại khoản 2, Điều 5, dự thảo Luật là quyền sử dụng đất riêng hay quyền sử dụng đất chung; đối với đất hộ gia đình thì việc ghi nhận rõ là quyền sử dụng đất chung là phù hợp.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình)”. Tuy nhiên, Luật sư cho hay, việc xác định thời điểm “trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành” là không phù hợp. Bởi lẽ, một đặc điểm khác biệt trong mối quan hệ sử dụng đất chung của hộ gia đình là họ phải được cấp chung và cấp cùng thời điểm; trường hợp đất sử dụng chung cấp cho hộ gia đình nhưng người cấp trước, người cấp sau thì sẽ mất đi giá trị ban đầu mà chế định về việc cấp quyền sử dụng đất chung cho hộ gia đình muốn hướng tới.
Do đó, Luật sư kiến nghị bổ sung quy định tiếp tục quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng cần xây dựng hệ thống hạ tầng đối với các trường hợp thu hồi đất.
Cụ thể, Luật sư Hậu đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động; cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả vật chất và tinh thần, không chỉ có quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết đang rất hạn chế.
“Liên quan đến quy trình bồi thường, cần có sự tham gia của người bị thu hồi đất ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao (chẳng hạn từ 10% trở lên) thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào, dự luật cũng cần có quy định cụ thể, để đảm bảo tính dữ liệu của pháp luật khi có tình huống phát sinh trong thực tiễn”, Luật sư Hậu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Luật sư Hậu cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần làm rõ các thuật ngữ được quy định trong dự thảo. Cụ thể, dự thảo Luật không quy định rõ ràng, minh định, thống nhất quyền nói chung, quyền chuyển nhượng và thế chấp nói riêng (trong đó có chuyển nhượng và thế chấp quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm) của người sử dụng đất.
Do đó, Luật sư Đức kiến nghị cần viết điều khoản quy định đầy đủ quyền của người sử dụng đất, trong đó tách thành các quyền và nhóm quyền khác nhau, sau đó các điều khoản khác viện dẫn đến từng quyền hoặc từng nhóm quyền hoặc toàn bộ quyền. Ngoài ra, cần viết các điều khoản quy định về quyền của công dân hay người sử dụng đất thì phải để cho người đọc thấy ngay rằng đó là toàn bộ quyền hay một phần quyền, nếu chỉ là một phần quyền thì còn có có quy định ở điều nào khác.
Ngoài những nội dung trên trên, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đoàn Luật sư, các luật sư đối với Dự thảo luật đất đai sửa đổi và đã được đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề cao, ghi nhận.
Đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, thời gian tới, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức những hội thảo, hội nghị nhằm làm rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc, từ đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật đất đai sửa đổi nhiều hơn nữa.
Gia Hải
———–
Pháp luật VN (Chính sách) 28-02-2023:
(175/1.522) #datdai #suadoi #anvi