(GTPL) – Đấu đá nội bộ mấy năm gần đây khiến Eximbank không những không phục hồi được mà còn lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Đấu đá nội bộ mấy năm gần đây khiến Eximbank có thể bị chậm lại trong cuộc đua đầu tư, cải cách, tăng lợi nhuận giữa các ngân hàng
Điều này có thể khiến ngân hàng này bị chậm lại trong cuộc đua đầu tư, cải cách cũng như cuộc đua tăng lợi nhuận giữa các ngân hàng hiện nay.
Kinh doanh thụt lùi
HĐQT Eximbank vừa ban hành nghị quyết thông qua việc triệu tập đại hội cổ đông thường niên (ĐHCĐ) bất thường theo yêu cầu, kiến nghị của nhóm cổ đông ngày 12/3/2021.
Theo đó, ĐHCĐ bất thường của Eximbank sẽ được tổ chức vào ngày 30/7 tới đây trên cơ sở danh sách cổ đông chốt ngày 14/5. Tuy nhiên, trong thông báo họp ĐHCĐ do chủ tịch HĐTQ ông Yasuhiro Saitoh ký có nêu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nếu có khuyến cáo của cơ quan, chính quyền địa phương, ngân hàng sẽ quyết định di dời ngày tổ chức. Với diễn biến hiện nay, rất có thể ĐHCĐ bất thường này sẽ lại trì hoãn.
ĐHCĐ trì hoãn hay thất bại đã trở thành sự việc bình thường ở Eximbank nhiều năm qua. Các cổ đông của ngân hàng này cho rằng, nếu lúc này Eximbank tổ chức thành công ĐHCĐ mới là… bất thường, bởi mâu thuẫn nội bộ giữa các nhóm cổ đông vẫn chưa được giải quyết.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, ĐHCĐ thất bại do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, mọi người đều biết. Còn về việc làm thế nào để ĐHCĐ thành công, bản thân ông Vinh cũng nhìn nhận thẳng thắn là phải tìm kiếm được sự đồng thuận của các nhóm cổ đông của ngân hàng này.
Trong cuộc họp ĐHCĐ 2020 lần thứ 3 (ngày 26/4), tỷ lệ tham dự hợp lệ đã lên tới 94,51% nhưng sau đó thất bại khi các nhóm cổ đông quyết tâm “phá” bằng cách không thông qua quy chế đại hội. Sự việc cho thấy mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã lên tới đỉnh điểm, không bên nào chịu lùi bước.
Sự căng thẳng tại Eximbank đã ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng của ngân hàng. “Từ năm 2012 đến nay, trong khi các ngân hàng đều phát triển, đều đi lên, riêng Eximbank chỉ đi ngang, thậm chí bị chậm lại”, ông Nguyễn Cảnh Vinh tiếc nuối.
Năm 2012, khi ông Trương Văn Phước đương nhiệm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Eximbank có tổng tài sản 170.156 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.851 tỷ đồng và nợ xấu chỉ 1,32%. Lợi nhuận dù đã giảm gần một nửa so với năm 2011 nhưng vẫn được đánh giá tốt so với thời điểm đó và so với các ngân hàng khác có quy mô tương đương.
Tuy nhiên, thành quả này không giữ được lâu, hậu quả của khủng hoảng tài chính cùng với lục đục nội bộ đã kéo chân Eximbank. Ngay năm sau, 2013, lợi nhuận Eximbank tụt dốc không phanh, chỉ còn 828 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng quá lớn.
Kinh doanh bết bát, Ngân hàng Nhà nước vào cuộc thanh tra và kiểm toán phải hồi tố. Kết quả, năm 2014, lợi nhuận chưa phân phối của Eximbank sau kiểm toán hồi tố âm 834,6 tỷ đồng, năm 2015 vẫn âm 817,5 tỷ đồng. Sau đó, lợi nhuận của Eximbank phục hồi dần lên 390 tỷ đồng năm 2016 và từ năm 2017 – 2020 loanh quanh trên 1.000 tỷ đồng.
Lục đục liên miên
Trước bối cảnh ấy, đáng lý nội bộ Eximbank phải đoàn kết để đưa ngân hàng vượt qua khủng hoảng nhưng ngay năm 2016, Eximbank đã 2 lần tổ chức ĐCHĐ bất thành vì mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn, bất đồng về số lượng thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ mới.
Thậm chí, trước ngày dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2016, Eximbank đã phải thông báo hủy do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung thành viên HĐQT của ngân hàng này.
Đến nay, đấu đá nội bộ của Eximbank vẫn chưa giảm nhiệt. “Việc đồng thuận của các nhóm cổ đông lớn đến đâu, đến nay bản thân tôi cũng không nắm rõ”, ông Vinh nói.
Mâu thuẫn nội bộ cũng đẩy Eximbank thành ngân hàng hiếm hoi mà vị trí nhân sự cho ghế nóng Chủ tịch HĐQT thay đổi liên tục trong thời gian ngắn, thậm chí lùm xùm tranh chấp ghế “nóng” chủ tịch HĐQT giữa ông Lê Minh Quốc và bà Lương Thị Cẩm Tú còn dẫn đến việc phải đưa nhau ra tòa.
Sau ĐHCĐ thất bại mới nhất hồi tháng 4 vừa qua, nói về mâu thuẫn nội bộ, Chủ tịch Eximbank Yasuhiro Saitoh cho biết: “Tôi không hiểu SMBC (cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation, sở hữu 15% vốn – PV) đang nghĩ gì. Các anh chị có thể thấy, ĐHCĐ 2020 lần 3 thì họ tới, còn ĐHCĐ 2021 (tổ chức sau đó 1 ngày – PV) thì họ lại không tới. Thực tế, tôi không còn làm việc ở SMBC nữa cho nên tôi không thể biết được chiến lược cũng như ý định của họ là gì. Và với vai trò là một ngân hàng cỡ lớn mang tính toàn cầu, tôi thực sự bất ngờ khi họ từ chối tham dự ĐHCĐ như vậy”.
Tuy nhiên, một thông tin khác cho thấy rất có thể MSBC có thể sẽ rút khỏi Eximbank sau nhiều năm đồng hành khi bắt tay VPBank với quyết định mua 49% cổ phần FE Credit.
Ông Saitoh còn khẳng định: “Chúng tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật. Chúng tôi cũng luôn chấp nhận các khuyến nghị, đề xuất của cổ đông và như quý vị có thể thấy là trong chương trình nghị sự, chúng tôi đã có nội dung đó rồi. Còn chấp thuận chương trình đó hay không là quyết định của ĐHCĐ chứ không phải chúng tôi”.
Hiện Eximbank cũng là ngân hàng duy nhất mà các thành viên HĐQT đã hết nhiệm kỳ nhưng lại đang tại vị do ĐHCĐ liên tục thất bại, chưa thể bầu ra các thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.
Bao giở trở lại thời hoàng kim?
Ông Nguyễn Cảnh Vinh được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng giám đốc Eximbank đầu năm 2019 sau sự ra đi của Tổng giám đốc Lê Văn Quyết. Ở vị trí của mình, ông Vinh chia sẻ, ông luôn giữ vị trí trung lập, làm việc trên cơ sở pháp luật và lợi ích của ngân hàng.
Trong sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Eximbank được tổ chức năm ngoái, ông Vinh với vai trò là người đứng đầu Ban điều hành đã đưa ra mục tiêu “đưa Eximbank trở lại đường đua xuất nhập khẩu”. Trở lại thời hoàng kim là mơ ước của nhiều nhân sự lâu năm và cổ đông gắn với Eximbank.
Từ khi thành lập, Eximbank đã là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên. Sau đó, cùng với ACB, Sacombank, Eximbank vẫn giữ được vị trí là ngân hàng vốn tư nhân có quy mô hàng đầu, hoạt động năng động và liên tục mở rộng, có thể sánh ngang với cả 4 ngân hàng quốc doanh khi đó.
“Đến năm 2020 mới tổ chức ĐCHĐ 2019 là vô nghĩa. Trong Điều lệ của Eximbank cũng quy định, ĐHCĐ được tổ chức mỗi năm một lần do HĐQT triệu tập trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Chiếu theo Luật Doanh nghiệp 2020, trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì cuộc họp lần thứ hai chỉ cần tối thiểu 50% và cuộc họp lần thứ 3 không phụ thuộc vào số thành viên tham dự và vốn điều lệ được đại biểu bởi số thành viên dự họp. Điều lệ của Eximbank được xây dựng cách đây rất nhiều năm và các quy cũng rất “tiến bộ”, đi trước Luật khi đưa ra quy định tương tự như trên, nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI”
“Ở thời điểm đó, Eximbank gần như là ngân hàng tư nhân duy nhất năng động, giúp các doanh nghiệp thương mại rộng đường kinh doanh và phát triển”, một cán bộ lâu năm của Eximbank đã nhớ lại thời hoàng kim.
Còn hiện nay, một khách hàng doanh nghiệp thân thiết của ngân hàng này chia sẻ, mong muốn nhất của khách hàng là ngân hàng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, khi rất nhiều phòng giao dịch quá chật hẹp.
Từ đề xuất này, nhiều người thậm chí còn liên tưởng tới bản thân Eximbank đã trở nên cũ kỹ trong bối cảnh các ngân hàng đang hối hả chạy đua nâng cấp công nghệ, đầu tư hệ thống tân tiến, đổi mới quản trị… Eximbank vẫn chưa thoát ra khỏi vòng tranh chấp luẩn quẩn.
Trong làn sóng nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ liên tục những năm qua, đáp ứng chuẩn ngân hàng mới, công nghệ 4.0… riêng vốn điều lệ của Eximbank vẫn giậm chân với con số 12.355 tỷ đồng từ năm 2011; tổng tài sản lại thụt lùi từ trên 183.567 tỷ đồng năm 2011 xuống 160.435 tỷ đồng năm 2020…
Năm 2020 nợ nghi ngờ tăng gấp 3,3 lần và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,3 lần năm trước. Kể từ sau năm 2014, ngân hàng này đã không còn đủ nguồn lực để chi trả cổ tức cho cổ đông.
Hiện nay, để trở lại “đường đua” như ông Vinh đưa ra trong dịp kỷ niệm 30 năm, bản thân Eximbank phải tự giải quyết được vấn đề nội bộ; lấy lại niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư thay vì những vụ việc như lùm xùm như vụ nguyên giám đốc Chi nhánh TP HCM bị tố làm giả hồ sơ, giấy ủy quyền để chiếm đoạt hơn 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình…
“Chúng tôi có chiến lược, nhưng các cổ đông phải ổn mới làm được”, ông Vinh chia sẻ.
Về trách nhiệm chỉ đạo, cảnh báo, giám sát từ phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đối với Eximbank nhằm khắc phục vấn đề nội tại, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi cổ đông và hệ thống, Báo Giao thông đã đặt vấn đề và đang chờ phản hồi từ cơ quan này.
—-
Giao thông (Pháp luật) 13-7-2021:
https://www.baogiaothong.vn/song-gio-chua-yen-o-eximbank-vi-dau-da-noi-bo-lien-mien-d515217.html
(152/1.896)