Sửa Luật Đất đai: Giá đất cụ thể khi thu hồi phải thoát ly khỏi bảng giá đất
(TCDN) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định “giá đất cụ thể” phải thoát ly khỏi bảng giá đất khi thu hồi đất. Bảng giá đất chỉ để thu thuế sử dụng đất và có thể là thuế chuyển nhượng đất.
Sáng 8/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chia sẻ tại Hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đặt vấn đề trong Luật phải xử lý điểm mấu chốt, hợp lý hơn, hiện thực hơn về “bảng giá đất” và “giá đất cụ thể”.
Luật sư Đức dẫn chứng, điều 89 quy định phải bồi thường theo “giá đất cụ thể” và “phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Điều khoản 155.3, Dự luật quy định “Việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá”.
“Như vậy, có thể suy luận, giá đất cụ thể để bồi thường vẫn được xác định theo bảng giá đất, chỉ khác nhau là nhân hay không nhân và nhân nhiều hay nhân ít với hệ số. Có điều bất hợp lý là, Luật Đất đai năm 2013 hiện hành không hề nhắc đến từ “hệ số”, mà lại xuất hiện hế số K trong các Nghị định của Chính phủ. Vậy thì việc bồi thường trong Dự luật này liệu có chung một số phận với Luật hiện hành?”, Luật sư Trương Thanh Đức thắc mắc.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, những quy định trên vẫn chưa có gì bảo đảm quyền lợi cho người dân, vì trên thực tế lâu nay các địa phương vẫn luôn trả lời khiếu nại, tố cáo là “giá đất cụ thể” thế là cao nhất, theo đúng giá thị trường và nơi ở mới tốt hơn nhiều nơi cũ. Đồng thời, quy định là bồi thường “bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi” như ngay tại chính Điều 89, thì giá đất được bồi thường vẫn có thể thấp hơn hàng chục lần giá đất bị mất.
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị, Luật cần quy định “giá đất cụ thể” phải thoát ly khỏi bảng giá đất. Bảng giá đất chỉ để thu thuế sử dụng đất và có thể là thuế chuyển nhượng đất. Còn “giá đất cụ thể” để bồi thường khi thu hồi đất thì phải ly khai hoàn toàn bảng giá đất, không bị trói buộc bởi bảng giá đất.
Ngoài ra, ông Trương Thanh Đức cũng bày tỏ quan điểm đối với chủ trương không còn cho doanh nghiệp lựa chọn trả tiền thuê đất 1 lần và hằng năm, mà chuyển sang trả tiền hằng năm với lý giải để ngân sách có nguồn thu.
“Điều này là không hợp lý, vì đáng lẽ chỉ coi đất và tiền thu từ đất là phương tiện để khai thác, sử dụng đất có hiệu quả hơn, mang lại nhiều sản phẩm cho xã hội hơn, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn và nộp nhiều thuế cho nhà nước hơn, thì lại tính toán thu sao có lợi nhất cho nhà nước, mà không thực sự quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp và của người dân. Thu được nhiều tiền đất và cân đối nguồn thu như vậy là tận thu, chứ không phải là hài hoà lợi ích và mang lại lợi ích chung lớn nhất”, ông Đức khẳng định.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nhằm bảo đảm đạo luật này là sản phẩm tập hợp trí tuệ của hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn các ý kiến đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục dự thảo luật; cần làm rõ những điều kiện thuận lợi của dự thảo Luật để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai công bằng, sử dụng, khai thác hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đề cập đến các hình thức thu hồi đất đai hiện nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo cho hay, do thực hiện hai cơ chế thu hồi đất (hành chính và dân sự) nên hiện đang xảy ra hiện tượng nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận với những dự án quy mô nhỏ thì giá đền bù rất cao do lợi nhuận thu về lớn. Song, những dự án quy mô lớn do nhà nước thực hiện thu hồi có giá đền bù thấp hơn do phải đảm bảo sự công bằng, các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế, vấn đề xã hội và lâu dài.
“Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai. Đồng thời, trong tất cả các dự án, nhà nước đều thực hiện thu hồi, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, tuy nhiên, việc tính toán, điều hòa giá trị đất đai gia tăng còn rất khó khăn. Đây là vấn đề các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cần nhìn nhận, đóng góp ý kiết sát thực tiễn”, Phó thủ tướng mong muốn.
Phó thủ tướng khẳng định, với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, Nhà nước phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch thì những doanh nghiệp phát triển dự án và những người dân bị thu hồi đất đều có lợi. Do vậy, tại dự thảo Luật cũng cần phải lượng hóa, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.
Hải Nam
——————
Tài chính Doanh nghiệp (Bất động sản) 08-3-2023:
(618/1.129) #BĐS #Datdai