3.430. F88 bị “sờ gáy”: Khi cho vay, đòi nợ biến tướng thành “khủng bố”

F88 bị “sờ gáy”: Khi cho vay, đòi nợ biến tướng thành “khủng bố”

(GT) – Từ sự phát triển chóng mặt kèm không ít hệ luỵ của dịch vụ cầm đồ kiểu F88, một lần nữa nóng câu hỏi: Cách nào quản lý loại hình kinh doanh này?
Khốn khổ vì bị truy nợ, trả lãi

Tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, F88 không khiến dư luận bất ngờ khi bị cơ quan công an “sờ gáy” vì dấu hiệu đòi nợ kiểu cưỡng đoạt tài sản.

Trước khi lực lượng Cảnh sát điều tra ập vào khám xét trụ sở tại TP.HCM, F88 đã bị nhiều người “tố” về việc cho vay với mức lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”.

Theo đó, một số người cho biết họ không có bất cứ giao dịch nào với F88 nhưng vẫn bị “nã” điện thoại, bị chửi rủa thô tục, thậm chí bị đe doạ tính mạng vì cho rằng có mối quan hệ với khách hàng vay vốn của F88.

Một số khác là khách hàng của F88 thì phải chịu những áp lực nặng nề vì khoản nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” sau khi vay của công ty này.

F88 bị “sờ gáy”: Khi cho vay, đòi nợ biến tướng thành "khủng bố"

F88 quảng bá đang nhắm tới mức vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2024

Hồi đầu tháng 2 vừa qua, một số cơ sở của F88 tại Thanh Hoá cũng đã bị công an tỉnh này lập biên bản vi phạm hành chính vì một số hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động.

Mặt khác, Công an tỉnh Thanh Hoá cũng đã chỉ ra, trong quá trình giao dịch, các cơ sở này đã yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí khiến tổng số tiền phí và lãi họ phải trả là rất cao.

Theo nhận định của luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, F88 bị cơ quan chức năng khám xét vì liên quan đến hoạt động đòi nợ có dấu hiệu “khủng bố” tinh thần của người vay.

Đây cũng là một trong những vấn nạn làm khách hàng sử dụng dich vụ tài chính (vay vốn của công ty tài chính, cơ sở cầm đồ…) khốn khổ nhiều năm qua.

Không chỉ F88, hiện trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính với cách thức tương tự.

Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu “khủng bố”.

Vấn nạn “khủng bố” đòi nợ, cách nào dẹp?

Liên quan đến hoạt động đòi nợ này, trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có quy định riêng và khá rõ ràng trong Thông tư số 43/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2019).

Theo đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng khi đòi nợ không được đe dọa khách hàng; nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày và chỉ được diễn ra từ 7 – 21h, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến gia đình, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ; ngoài ra phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đồng loạt khám xét nhiều chi nhánh của hệ thống Công ty F88 tại TP.HCM (ảnh Sài Gòn Giải Phóng).

Tuy nhiên, chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc Công ty F88 là doanh nghiệp hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép, với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, theo ông Đức, pháp luật không có quy định cụ thể về việc đòi nợ, ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho mọi quan hệ pháp luật như không được gian dối, lừa đảo, xúc phạm, đe dọa và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác.

Việc đòi nợ thuê đã bị cấm từ năm 2015 theo Luật Đầu tư. Song trên thực tế, hiện nay phổ biến có 2 dạng “đòi nợ thuê” không chính thức.

Thứ nhất là các công ty đòi nợ hoạt động dưới dạng công ty mua bán nợ. Các công ty này được tự do thành lập và hoạt động mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì đặc thù. Khi ấy họ đòi nợ với danh nghĩa là khoản nợ của chính mình. Thứ hai, việc đòi nợ được thực hiện thông qua danh nghĩa dịch vụ pháp lý của các công ty luật theo quy định của Luật Luật sư năm 2006.

Ông Đức cho rằng, thực tế các hoạt động đòi nợ thuê không hề mất đi theo quy định nghiêm cấm của luật, mà biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác, trong khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia. “Đáng lẽ phải chuyên nghiệp hóa việc đòi nợ thuê thay vì cấm một nhu cầu vô cùng chính đáng, cần thiết như vậy, rồi bây giờ còn khó quản lý hơn.

Tất nhiên nếu cho phép hoạt động đòi nợ thuê thì cần phải quản lý một cách bài bản, chặt chẽ, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh để giảm thiểu việc vi phạm điều kiện kinh doanh và trật tự trị an”, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

Ông chủ F88 là ai?
F88 nói gì?

Theo F88, cơ quan chức năng đang làm việc để thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra liên quan đến một nhân sự của F88. Ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp cung cấp thông tin để làm rõ sự việc.

“F88 rất lấy làm tiếc về sự việc này. F88 là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cho vay bằng hình thức cầm cố tài sản được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.

Tất cả hoạt động của F88 được dựa trên quy trình, quy định chặt chẽ của công ty, dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật”, phía F88 khẳng định.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Phùng Anh Tuấn là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần (CTCP) Kinh doanh F88 (thành lập năm 2013).

Ông Tuấn cũng là đại diện CTCP Đầu tư F88 – công ty mẹ của Công ty Cổ phần Kinh doanh F88, được thành lập trước đó.

Sinh năm 1984 tại Phú Thọ, ông Tuấn còn được biết đến với biệt danh “Tuấn Pat” với nhiều hoạt động, đóng góp trong giới công nghệ thông tin.

Tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, Phùng Anh Tuấn làm nhân viên công nghệ thông tin cho một số tập đoàn lớn như: VASC, Viettel, Hipt.

Sau đó, Phùng Anh Tuấn thôi việc, thành lập một công ty an ninh mạng vào năm 2003, công ty này từng lọt top “Những công ty B2B hàng đầu châu Á” vào năm 2018.

Điều này đã giúp Phùng Anh Tuấn củng cố vị thế, gây dựng tiếng tăm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để ông Tuấn khởi nghiệp với F88 sau đó.

Ngoài ông Tuấn, Hội đồng quản trị của F88 còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi trong giới công nghệ, kinh doanh tài chính gồm: Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuyên – từng là Giám đốc công nghệ của Tổng công ty Xi măng Việt Nam; Phó tổng giám đốc Ngô Quang Hưng – cũng là người đồng sáng lập F88 – được giới thiệu là có trên 15 năm kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính tiêu dùng;

Ông J.Alan Barron – được giới thiệu từng làm Giám đốc điều hành và Tổng giám đốc tại First Cash Financial của Mỹ với hơn 2.000 cửa hàng cầm đồ tại Mỹ và châu Mỹ Latinh; Hai đại diện từ quỹ Mekong Capital là ông Nguyễn Anh Quang và bà Đỗ Thị Khánh Vân. Ông Quang từng là Phó giám đốc điều hành Bank of America Merrill Lynch. Đại diện quỹ Granite Oak là ông Simon Wagner được giới thiệu có hơn 20 năm kinh nghiệm về đầu tư và cho thuê lại tài sản tại Morgan Stanley…

F88 tăng trưởng “thần tốc” ra sao?

CTCP Kinh doanh F88 ra đời ngày 30/6/2013, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Hệ thống cầm đồ này từng được 2 quỹ đầu tư lớn trên thế giới là Mekong Capital và Granite Oak rót vốn.

Ban đầu, công ty này có quy mô vốn điều lệ 54,5 tỉ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư F88 (F88 Invest) giữ chi phối, với tỷ lệ sở hữu lên tới 99,99% vốn điều lệ. Sau nhiều lần tăng vốn, cập nhật đến tháng 10/2022, F88 có vốn điều lệ 566,9 tỉ đồng.

Trong khi đó, F88 Invest được thành lập vào tháng 11/2015, có địa chỉ trụ sở chính tại đường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cập nhật đến tháng 11/2022, quy mô vốn của F88 Invest đạt 69,88 tỉ đồng.

Theo báo cáo từ nhà đầu tư mua trái phiếu F88 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, hoạt động kinh doanh của F88 gồm mảng cầm cố tài sản và mảng khác là đại lý bảo hiểm.

Tính đến năm 2020, giá trị trung bình của một hợp đồng cầm cố của F88 là 13 triệu đồng. Lãi suất cho vay của F88 được giới thiệu là dưới 20%/năm chưa bao gồm chi phí lưu kho, chi phí thẩm định tài sản.

Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy doanh thu cầm cố xe máy của F88 là 115,6 tỷ đồng, cầm cố ô tô là 38,6 tỷ đồng, cầm cố tài sản khác là 13,4 tỷ đồng, nguồn thu khác là 46,3 tỷ đồng.

Doanh thu và các nguồn thu khác của F88 trong năm 2019 tăng 2,8 lần so với năm 2018 và 9,5 lần so với năm 2017.

Cầm cố xe máy là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho F88, chiếm 69,9% năm 2021. Mảng cầm cố ô tô chiếm khoảng 22,9% tỷ trọng doanh thu năm 2021.

Giai đoạn 2019-2021, tỷ trọng tăng trưởng kép về tăng trưởng hợp đồng mở mới của F88 lên tới 82%.

Theo như quảng bá của F88 trên trang f88.vn, công ty kinh doanh tài chính này có hơn 800 văn phòng trên toàn quốc. Phương thức đơn giản là yếu tố giúp F88 nhanh chóng có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Cụ thể, chỉ cần căn cước công dân, đăng ký ô tô, hoặc đăng ký xe máy…, khách hàng có thể vay được 30 triệu, hoặc nhiều hơn từ F88. Đi kèm với đó là thủ tục nhanh chóng. Quảng cáo từ F88 cho thấy, chỉ mất 15 phút xét duyệt hồ sơ là người vay nhận được tiền.

Đức Bình

—————–

Giao thông (Tài chính) 09-3-2023:

https://www.baogiaothong.vn/f88-bi-so-gay-khi-cho-vay-doi-no-bien-tuong-thanh-khung-bo-d584063.html

(450/1.996) #F88 #taichinh #tieudung

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,156