3.437. Giải pháp hút nhà đầu tư ngoại vào thị trường mua bán nợ xấu.

(DĐDN) – Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nợ xấu ở Việt Nam, nhưng việc mua hay không thì phải phụ thuộc vào giá bán nợ…

Áp lực nợ xấu trong năm 2021 là rất lớn do hiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Con số nợ xấu hiện nay của các ngân hàng chưa phản ánh hết được thực tế do khá nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã là nợ xấu”, đó là nhận định của ông Dương Thanh Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Tỷ trọng nợ trong nền kinh tế được xử lý còn quá nhỏ so với tổng dư nợ của Việt Nam và cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào thị trường

Bản thân các ngân hàng cũng tỏ ra rất thận trọng với áp lực nợ xấu và đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để ứng phó thông qua việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy, các ngân hàng đang rất thận trọng với nợ xấu và cần có biện pháp chủ động ứng phó với rủi ro tín dụng trong tương lai.

Từ khi Nghị định số 69/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đăng ký kinh doanh các dịch vụ mua bán nợ ban hành ngày 1/7/20216, đã có gần 150 doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ xấu được thành lập, nhưng quy mô đều rất nhỏ; một số ngân hàng thương mại cũng thành lập AMC để tự xử lý nợ. Như vậy, thị trường mua bán nợ đã dần được hình thành.

Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc DATC vẫn băn khoăn rằng, tỷ trọng nợ trong nền kinh tế được xử lý còn quá nhỏ so với tổng dư nợ của Việt Nam. Chính vì vậy, cần thêm giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài tham gia mua bán, xử lý nợ trên thị trường Việt Nam.

Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư nước ngoài hiện nay còn nhiều khó khăn như: Hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường; Chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu; Hình thức đầu tư mua bán xử lý nợ tại Việt Nam chưa được linh hoạt.

“Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)… Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư (kể cả nhà đầu tư nước ngoài) tham gia thị trường mua bán nợ (tăng quyền của chủ nợ)”, ông Hiền đề nghị.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhận định, tại Việt Nam, nợ xấu là vấn đề liên quan đến việc thu hồi, tài sản, pháp lý,… mà ngay chính hoạt động mua bán trong nước còn khó khăn. Cho nên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường này sẽ gặp nhiều thách thức, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào mua cổ phần, cổ phiếu, hay tập trung cho những hoạt động sinh lời cao. Còn nếu nợ có gắn với đất đai, nhà máy, cổ phần hoặc tài sản bảo đảm (TSBĐ), mà nước ngoài muốn thâu tóm sở hữu, thì họ sẽ mặc cả để mua thẳng thay vì hy vọng nuôi nợ để đòi nợ.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp hi hữu, LS Trương Thanh Đức nêu ví dụ như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có nợ ngân hàng Công Thương (VietinBank), được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng này đã cấn nợ bằng cách tham gia vào làm cổ đông tại Cảng Hải Phòng. Từ đó, cũng có thể làm như vậy với các đối tác nước ngoài thay vì phải mua cổ phần, cổ phiếu để nắm giữ.

Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI

“Ngoài ra, còn có một vấn đề đó là đất đai, nhà cửa thì chỉ ngân hàng được nhận trong mọi trường hợp, riêng doanh nghiệp trong nước, hộ gia đình, cá nhân chỉ được nhận thế chấp nhà ở, đất ở, còn các loại đất sản xuất kinh doanh không được phép thế chấp. Vì thế, khi xuất hiện giao dịch mua bán mà nhà ở thì ít, chủ yếu là nhà máy, xí nghiệp, dự án, quyền sử dụng đất, thậm chí cả đất thuê, đối tác nước ngoài sẽ không có quyền gì. Nếu không được nhận thế chấp trong bối cảnh pháp lý, Luật Đất đai còn “lửng lơ”, hoạt động thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này hoàn toàn không khả quan”, LS Trương Thanh Đức phân tích.

Luật sư cũng chỉ ra rằng, nợ xấu ngân hàng sẽ được giải quyết bằng thời gian cụ thể. Nợ xấu của ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tương ứng với số ngày nợ, nếu đủ 360 ngày, thì về nguyên tắc, ngân hàng phải trích lập 100%. Trừ trường hợp dịch COVID-19 phức tạp, việc yêu cầu ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, sẽ gây ra nguy cơ cao cho ngành. Song với các ngân hàng có tiềm lực mạnh, nếu đã trích đủ thì sẽ không có nguy cơ rủi ro cao như các ngân hàng yếu hơn. “Riêng với những khoản nợ có TSBĐ thì vẫn có thể túc tắc thu hồi nợ một cách thận trọng, theo thời gian, mà không lo mất trắng”.

Theo lãnh đạo cấp cao tại một công ty Dịch vụ Tài chính Ngân hàng thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, không có tài sản xấu mà chỉ có giá mua tài sản đó cao hay thấp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nợ xấu ở Việt Nam là rất rõ, nhưng việc mua hay không thì phải phụ thuộc vào giá bán nợ. Nếu nợ xấu được bán dưới giá thị trường, nhà đầu tư sẽ rất quan tâm, đồng thời chính thị trường sẽ đặt ra giá thị trường cho tài sản nợ xấu.

Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp để hỗ trợ VAMC có khả năng xử lý nợ xấu chứ không chỉ dừng lại ở việc mua vào rồi nắm giữ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chuẩn mực hoạt động của các ngân hàng trong nước, đạt tầm cỡ khu vực thì mới đủ sức cạnh tranh. Mặt khác, để đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6% thì tín dụng phải tăng gấp 1,5-2 lần GDP, tương đương khoảng 9-15%, nghĩa là các ngân hàng phải đủ lớn để duy trì tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng tín dụng”, vị chuyên gia nói.

Ông Han Sol Jang, Quản lý cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hàn Quốc KAMCO cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực cân bằng trên cả hai lĩnh vực: Cải thiện khuôn khổ pháp lý và phát triển thị trường nợ xấu đầy hứa hẹn với sự dẫn dắt của 2 cơ quan công quyền mạnh là DATC và VAMC. KAMCO cũng mong muốn hợp tác với DATC thực hiện mua bán, xử lý nợ tại thị trường Việt Nam với các đề xuất hợp tác như:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật phải thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, tiếp thu các kỹ thuật quản lý tài sản và kỹ thuật tái cấu trúc khác nhau từ các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng nhà đầu tư mua nợ xấu tiềm năng.

Thứ ba, xây dựng một thị trường nợ xấu đáng tin cậy, công bằng về thủ tục và minh bạch trong việc mua bán nợ xấu.

DIỄM NGỌC

—–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính) 26-7-2021:

https://diendandoanhnghiep.vn/giai-phap-hut-nha-dau-tu-ngoai-vao-thi-truong-mua-ban-no-xau-202247.html

 

(500/1.428)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,928