3.456. Đòi nợ kiểu “khủng bố” – Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

(TT) – Kể từ thời điểm ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” hay còn gọi là “đòi nợ thuê” bị cấm, Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Nhiều cá nhân hoạt động thu hồi nợ kiểu “khủng bố”, cưỡng đoạt tài sản đã bị khởi tố. Đây cũng là tín hiệu vui cho các doanh nghiệp, đảm bảo dịch vụ cầm đồ, cho vay tiêu dùng phải theo đúng quy định của pháp luật.

Đòi nợ kiểu “khủng bố” – Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Thời gian gần đây, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng địa phương rà soát, xử lý nghiêm các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính. Đơn cử như vụ việc Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ vừa triệt phá các đối tượng này thành lập 7 công ty đều đặt tại phường 15, quận 11, TP HCM, để thu nợ cho những công ty có nhu cầu.

Theo cơ quan điều tra, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP, 1 trong 7 công ty nêu trên, mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (gọi tắt là Mirae Asset Việt Nam; trụ sở tại quận 1, TP HCM) và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12%-15% giá trị tổng số nợ. Bộ phận vận hành tiếp nhận thông tin khách hàng, khoản nợ từ Mirae Asset Việt Nam rồi cập nhật vào hệ thống, phân chia vào từng tài khoản của nhân viên thu nợ.

Nhân viên thu nợ trực tiếp đòi nợ bằng cách sử dụng nhiều số điện thoại để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách. Thậm chí, các đối tượng còn cắt, ghép hình ảnh khách hàng và người thân vào các khung hình đồi trụy hoặc gắn vào thông tin không đúng sự thật rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách phải trả tiền.

Cơ quan công an khám xét và kiểm tra Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam.

Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố 26 bị can là các nhân viên của Công ty Mirae Asset và Chi nhánh Công ty Luật TNHH Power Law về tội “Vu khống”. Trong đó, Công ty Mirae Asset là công ty nước ngoài (trụ sở chính tại quận 1, TP.HCM), do một người Hàn Quốc tên L.J. làm tổng giám đốc.

Công ty Mirae Asset được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”. Khi ký hợp đồng vay, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân. Lãi suất cho vay từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm, hình thức trả góp hằng tháng.

Hay mới đây, ngày 28/3, Công an thành phố Thủ Đức đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.HCM để kiểm tra Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam. Đây là một trong những công ty tài chính tiêu dùng, cho vay trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Theo đó, nhiều xe cảnh sát xếp hàng dài, với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an TP.HCM đã thực hiện phong toả để khám xét trụ sở của Công ty tài chính Home Credit, làm việc với nhân viên và các lãnh đạo công ty này về hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng cá nhân và nghi vấn có sai phạm trong thu hồi nợ.

Cùng thời điểm kiểm tra Home Credit, lực lượng cảnh sát cơ động, hình sự của Công an TP.HCM cũng phong toả và kiểm tra Công ty mua bán nợ Galaxy, trụ sở tại phường Linh Tây, thành phố Thủ Đức. Toàn bộ công ty này bị yêu cầu dừng làm việc, phục vụ công tác kiểm tra.

Đến nay, dù chưa có kết quả chính thức của cơ quan điều tra nhưng nhiều ý kiến của các chuyên gia, người dân cho rằng, việc Bộ Công an tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp hoạt động cho vay tài chính là cần thiết và nên diễn ra thường xuyên. Đây là biện pháp để chấn chỉnh toàn ngành, tránh được các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt các công ty có liên quan đến thu hồi nợ, có thể gây bức xúc trong dư luận.

Sau Home Credit, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát hoạt động nhiều doanh nghiệp có tai tiếng thời gian qua để chấn chỉnh toàn ngành, đặc biệt là hoạt động thu hồi nợ cực đoan, gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Trong quý I/2023, cả nước xảy ra 89 vụ Cưỡng đoạt tài sản. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) sau các chuyên án trên, tình trạng khủng bố, đòi nợ bằng thủ đoạn khủng bố tinh thần đã giảm hẳn. Trong quý I/2023, cả nước xảy ra 89 vụ Cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã phá 79 vụ, bắt 223 người, trong đó tại TP.HCM có 16 vụ, Hà Nội 7 vụ, Thanh Hóa 7 vụ, Bình Dương 6 vụ, Đăk Lăk 5 vụ.

Cần công bằng, minh bạch để phục vụ nhu cầu người dân

Liên quan đến hoạt động thu hồi nợ, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ với báo chí, trên thị trường có hai loại hình cho vay là cho vay cầm đồ và cho vay tài chính tiêu dùng. Cho vay cầm đồ là kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an quản lý, hoạt động theo đăng ký kinh doanh và chịu sự điều chỉnh theo Bộ Luật dân sự về cầm đồ và quy định về an ninh trật tự.

Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động dưới sự cấp phép và quản lý của Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Doanh nghiệp. Hay nói cách khác, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước chịu sự điều chỉnh của hai luật. Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động với những tiêu chí như hệ số an toàn, rủi ro, nợ xấu, room cho vay… đều dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

Một đặc điểm chung của hai loại hình này, là đối tượng của cả hai đều dưới chuẩn, không thỏa mãn của điều kiện vay của ngân hàng. Từ những sự khác nhau cơ bản về loại hình hoạt động của hai hình thức nên các hình thức xử lý nợ xấu, thu hồi nợ cũng có những điểm khác nhau.

Theo các chuyên gia, cần tách bạch hành vi vi phạm pháp luật và các hoạt động thu hồi nợ được pháp luật cho phép. Người dân cần nhìn nhận tích cực hơn với các hoạt động thu hồi nợ hợp pháp, đây là một dịch vụ chính thức, được sự quản lý dưới chế tài của pháp luật, giúp bảo vệ cả người vay lẫn doanh nghiệp đang hoạt động cho vay. Cũng cần chuyên nghiệp hóa hoạt động này với sự kiểm soát của cơ quan chức năng, từ đó tránh được các biến tướng xảy ra như trong thời gian qua.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ với báo chí, cần tách bạch hoạt động đòi nợ thuê sai phạm, tức có hành vi đe doạ, khủng bố, có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản… với các dịch vụ thu hồi nợ đang hoạt động bình thường. Cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay.

“Cần chuyên nghiệp hoá để quản lý, thay vì cấm để xảy ra biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, cần chấp thuận thu hồi nợ như một dịch vụ chính thức, được pháp luật quản lý, để bảo vệ người vay tiền và cả doanh nghiệp cho vay. (Ảnh minh họa)

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, đơn cử như F88 là doanh nghiệp cầm đồ, về bản chất là có tài sản đảm bảo, nên vấn đề nợ xấu và thu hồi nợ không khó khăn bằng các doanh nghiệp cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) như Home Credit… Trong khi, các công ty này lại đang cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu khách hàng. Do đó, vấn đề thu hồi nợ của các công ty này thực sự nhức nhối.

Bảo vệ người dân, cụ thể người cho vay là cần thiết, để đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng cần bảo vệ cả người cho vay và cung cấp dịch vụ cầm đồ, tức các doanh nghiệp như F88, Home Credit…

Bộ Công an kiểm tra các doanh nghiệp trên quy mô lớn, chưa công bố sai phạm cụ thể nào trong chính sách kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài các vi phạm hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi người vay, cho thấy vấn đề toàn ngành hiện đang gặp vướng là tính pháp lý trong thu hồi nợ.

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương cũng thực hiện kiểm tra hành chính đối với các chi nhánh của F88 nhưng theo doanh nghiệp này cho biết, đây là rà soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh nghiệp. Home Credit cũng trong tình trạng tương tự. Doanh nghiệp này cho biết, đây là đợt kiểm tra hành chính thông thường.

Từ những hoạt động trên có thể thấy, việc kiểm tra của các cơ quan chức năng hiện nay đối với các doanh nghiệp có mục tiêu rất rõ ràng là chấn chỉnh toàn ngành, đảm bảo hoạt động kinh doanh phải minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Chía sẻ với báo chí về việc kiểm tra với các doanh nghiệp cầm đồ và doanh nghiệp tài chính tiêu dùng trong thời gian qua, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khi các tổ chức tín dụng cho vay chính thức không đáp ứng hết nhu cầu của thực tế đời sống thì cần phát triển các định chế gắn với tài chính vi mô và ”uốn nắn” các hoạt động cho vay này, để đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu mặt trái của quá trình phát triển.

Ngoài việc kiểm tra, chấn chỉnh, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng phải hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý, để minh bạch hoạt động cho vay, hạn chế hệ lụy xã hội không mong muốn trong thu hồi nợ vay.

Hồng Quang

————-

Thương trường (Doanh nghiệp) 31-3-2023:

https://thuongtruong.com.vn/news/doi-no-kieu-khung-bo-can-tang-cuong-kiem-tra-xu-ly-99987.html

(291/1.966) #F88 #homecredit #FEcredit 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,805