(DĐDN) – Khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc trong hợp đồng, thứ quyết định quyền lợi của mình…
Đó là chia sẻ của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xung quanh câu chuyện về những điều khoản kiểu “bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đang được dư luận quan tâm.
Diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai. Ảnh cắt từ clip
Theo đó, những ngày qua, sự việc diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp trên trang cá nhân cho rằng mình bị lừa khi mua bảo hiểm nhân thọ đã khiến dư luận “dậy sóng”.
Cụ thể, nữ diễn viên đã mua 2 gói bảo hiểm của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn. Cụ thể, nhân viên tư vấn nói cô tham gia hợp đồng 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỉ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỉ đồng. Hiện tại diễn viên Ngọc Lan đã tham gia bảo hiểm được 3 năm qua với tổng số tiền 2,1 tỉ đồng.
Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi biết tin Công ty Aviva VN đã không còn nữa sau khi được bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife rồi đổi tên thành Công ty TNHH BHNT MVI (MVI Life). Hoảng hốt, cô đến công ty làm việc thì mới biết trong hợp đồng bảo hiểm của 2 mẹ con được chia ra rất nhiều phần, gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Sản phẩm phụ là các sản phẩm về bảo hiểm sức khỏe nên sau 10 năm số tiền cô nhận lại được sẽ không phải lên gần 10 tỉ đồng như được tư vấn ban đầu.
Đáng chú ý, diễn viên Ngọc Lan còn cho biết, cô phát hiện thời hạn hợp đồng bảo hiểm ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu. Đáng chú ý, sau khi sự việc của nữ diễn viên gây ồn ào dư luận, nhiều ý kiến cũng chia sẻ, đã có nhiều trường hợp sau khi tất toán hợp đồng mới tá hỏa về các điều khoản, quyền lợi mình được hưởng không như những lời tư vấn “hoa mĩ” lúc đầu của tư vấn viên.
Chia sẻ với báo chí xung quanh sự việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lỗi trước tiên là ở diễn viên Ngọc Lan – người đứng tên mua bảo hiểm. Bởi việc quyết định mua bao nhiêu, thời gian bao nhiều năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì trước khi ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ trước.
Nhưng, cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong trường hợp này. Họ đã mắc lỗi nghiêm trọng, có thể xếp vào lỗi lừa đảo. Với vai trò một tư vấn viên, là người phải tư vấn đầy đủ, đúng với loại bảo hiểm, các chi phí, số tiền liên quan nhưng họ không đủ tâm, đủ tầm khi tư vấn cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp của khách hàng.
>>Bảo hiểm nhân thọ “không giấy” có khả thi?
Khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc trong hợp đồng, thứ quyết định quyền lợi của mình. Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Cũng theo vị chuyên gia này, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành lạnh của thị trường bảo hiểm.
“Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm”, Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cũng nhận định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có độ phức tạp cao, chỉ có thể hiểu được 70% hợp đồng là nhiều. Hợp đồng gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Chỉ cần một từ “lắt léo” trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng mà chỉ nghe tư vấn là ký.
“Người mua yếu thế, do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các công ty, NH là những đơn vị chuyên môn, khi khách hàng ký vào hợp đồng mà họ soạn sẵn, đặc biệt ký những hợp đồng có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập. Nếu như khách hàng nắm được tất cả thông tin mà vẫn quyết định mua thì mới ổn, còn không họ sẽ cảm thấy như bị lừa”, ông Đức nói.
Từ đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dù có chuyên ngành thế nào đi nữa thì cũng phải có những phần tóm tắt chính để người mua có thể đọc hiểu, đừng đẩy khó cho người mua. Một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, một bên khách hàng là người không chuyên nghiệp thì hợp đồng càng phải thể hiện rõ ràng càng tốt. Còn đối với khách hàng, vì lý do gì đó không đọc được ngay thì còn thời gian khoảng 20 ngày sau đó xem lại, hoặc nhờ luật sư xem lại những điều khoản trong hợp đồng.
“Thực tế những năm qua, có nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xảy ra nên khi tham gia, khách hàng cần có những kiến thức nhất định để tránh đưa mình vào cảm giác “bị lừa”. Những vụ việc này khiến niềm tin của khách hàng vào hợp đồng thêm giảm sút. Đó là chưa kể gần đây, tình trạng mua hợp đồng không tình nguyện xảy ra gây bức xúc trong xã hội… “, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Nguyễn Giang
————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) ngày 11-4-2023:
https://diendandoanhnghiep.vn/tranh-bay-ngam-trong-hop-dong-bao-hiem-242083.html
(423/1.277) #Baohiem #MVI #ngoclan