(DV) – Trao đổi với Dân Việt về những vấn đề xoay quanh “siêu” doanh nghiệp vốn chủ 128.000 tỷ đồng “sống 3 không” suốt 4 năm (Không hoạt động tại trụ sở, không doanh thu, không dùng hóa đơn thuế), Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng, nhưng khó để quy kết cụ thể cho từng đơn vị.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trước đó năm 2020, một doanh nghiệp khác có vốn đăng ký 144.000 tỉ vừa đăng ký xong nhưng không góp đủ vốn sau 90 ngày tại Hà Nội cũng đã được truyền thông nhắc đến rất nhiều. Một điều khá thú vị, ở những “siêu doanh nghiệp” này là chỉ được phát hiện bởi truyền thông chứ không phải cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp có thể đăng ký số vốn mình muốn và trong thời hạn 90 ngày kể từ khi đăng ký nếu không góp đủ vốn cũng không vi phạm pháp luật. Luật quy định sau 3 tháng không góp đủ vốn, thì 10 ngày tiếp theo phải đăng ký giảm vốn, trường hợp không giảm thì bị xử phạt, đi kèm với đó cổ đông phải giảm vốn.
“Thế nhưng, luật hiện tại chưa đi đến cùng vấn đề. Bởi chưa có quy định cụ thể rằng nếu doanh nghiệp nộp phạt nhưng không giảm vốn sẽ phải chịu trách nhiệm gì? rút giấy phép hay có phương án xử lý khác”, ông Đức cho hay.
Quay trở lại với trường hợp siêu doanh nghiệp 128.000 tỷ đồng tồn tại 3 không suốt 4 năm có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, công ty không phát sinh khiếu nại, tố cáo dẫn đến bị “lãng quên”, trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp đăng ký đúng hay sai phải tự chịu trách nhiệm. Còn phía cơ quan chức năng chỉ khi có thanh tra, kiểm tra mới vào xử lí.
Ở trường hợp này, quy kết trách nhiệm cho cơ quan chức năng cũng đúng, nhưng không trách nhiệm cũng chẳng sai.
“Trách nhiệm là ông biết, ông phải rà soát, xư lý nhưng không xử lý. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp đăng ký 128.000 tỷ nhưng sau 3 tháng vẫn giữ nguyên, hay thay đổi thì rất khó để xác định khi mỗi ngày có triệu doanh nghiệp với mỗi ngày hàng vạn giao dịch”, ông Đức lí giải.
Trong khi đó với cơ quan thuế, ví dụ doanh nghiệp đăng ký vốn 128.000 tỷ khi kê khai đi vay vốn ngân hàng sẽ không được chấp nhập, bao giờ các cổ đông góp đủ, dùng hết tiền mới được đi vay. Trường hợp đi vay khi chưa đủ điều kiện đã nói trên thì chi phí đó không hợp pháp, hợp lệ.
Tuy nhiên, Luật sư Đức nhấn mạnh rằng, ở khía cạnh khác vẫn tồn tại các vấn đề bất cập khi xuất hiện những siêu doanh nghiệp nghìn tỷ như chống chuyển giá, chịu trách nhiệm dân sư..
Đơn cử, cổ đông đăng ký vốn điều lệ 128.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc khi đi ký hợp đồng mà nợ nần đến trăm, nghìn tỷ và bị khách hàng đòi. Đối với công ty khác, vốn chỉ vài tỷ chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, và tiến hành tuyên bố phá sản.
Nhưng với ông siêu doanh nghiệp kia, thì trách nhiệm các cổ đông phải nộp đủ số tiền theo tỷ lệ đã đăng ký để trả nợ, chịu trách nhiệm cá nhân khoản còn thiếu cho khách hàng.
“Nói thế để thấy, cổ đông đăng ký ảo như vậy có thể lợi PR, lợi quảng cáo. Còn trong trường hợp đăng ký rồi bỏ ngỏ chỉ để nộp thuế môn bài, không kinh doanh, thương hiệu thì càng thấy nó vô lý. Còn phương án khác nữa, phải chăng lập ra để phòng mua bán doanh nghiệp, phòng để rửa tiền, để chuyển tiền, hợp thức hóa tiền góp.. về sau nay khi mà bây giờ chưa làm được”, ông Đức chia sẻ.
Còn để giải quyết phần góc ngọn của vấn đề, Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu bỏ quy định doanh nghiệp phải ghi rõ số vốn điều lệ vào hồ sơ đăng ký thành lập.
Bởi con số đăng ký chỉ là ảo, phần vốn góp vào thực tế bao nhiêu mới đúng bản chất của doanh nghiệp. Giờ nếu doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỷ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký hoặc không chỉ đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Quy định về vốn điều lệ trong đăng ký thành lập doanh nghiệp và về con dấu cũng nên bỏ vì không cần thiết, quan trọng nhất trong hồ sơ thành lập công ty chỉ cần tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ.
“Nếu vẫn giữ nguyên các quản lý như hiện tại, sẽ có nhiều những doanh nghiệp nghìn tỷ xuất hiện. Ví dụ, tôi thành lập doanh nghiệp nghìn tỷ đô la, sau đó, tôi xin tạm ngừng hoạt động 30 năm vẫn hợp lệ. Trong thời gian này tôi không phải nộp thuế, không phải báo cáo, không nghĩa vụ, trách nhiệm”, ông Đức nêu vấn đề.
Như Dân Việt đã thông tin ở các bài trước, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Toàn Cầu (có trụ sở tại số 143 đường Trích Sài, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) được thành lập ngày 9/11/2018 với vốn điều lệ ban đầu là 132 tỷ đồng. Đến tháng 6/2019, công ty này đột ngột tăng vốn lên 127.902,5 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), tức là tăng tới 969 lần so với số vốn đăng ký lần đầu. Trong đó, vốn của các cá nhân trong nước chiếm tỷ lệ 60%, với 76.741,5 tỷ đồng và 40% cổ phần, tương ứng 51.161 tỷ đồng là vốn nước ngoài được góp bởi ông David Aristotle Phan (Mỹ).
Quang Dân
——–
Dân Việt (Kinh tế) 25-8-2021:
(909/1.115)